Hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng gỗ xuất khẩu: Đảm bảo sự minh bạch, công bằng cho các doanh nghiệp!

30/05/2021 15:14
Hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng gỗ xuất khẩu: Đảm bảo sự minh bạch, công bằng  cho các doanh nghiệp!

Việc siết chặt quản lý đối với hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với mặt hàng gỗ xuất khẩu được Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính) khẳng định nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh trong việc tuân thủ quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc này đã và đang tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI làm ăn nghiêm túc

Đảm bảo sự công bằng, minh bạch

Ngày 29/4/2021, Tổng Cục thuế đã có Công văn 1307/TCTTTKT gửi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam. Công văn nêu rõ, theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/QH/QH2019 ngày 13/6/2019, người nộp thuế tự khai, tự nộp thuế và Cơ quan Thuế áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế trên cơ sở đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thông qua hệ thống tiêu chí đánh giá và hệ thống công nghệ thông tin để áp dụng phương thức quản lý thuế phù hợp. Theo đó, Tổng cục Thuế đã ban hành các Công văn số 2928/ TCT-TTKT ngày 22/7/2020 và Công văn số 2424/TCT-TTKT ngày 22/5/2020 yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường các biện pháp về ngăn chặn, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật về hoàn thuế GTGT; rà soát người nộp thuế có rủi ro về hoàn thuế GTGT đã được tổng hợp qua hệ thống ứng dụng phân tích rủi ro và căn cứ tình hình quản lý thuế thực tế tại mỗi thời điểm và từng địa phương để triển khai các biện pháp thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về thuế tránh thất thu ngân sách nhà nước.

Như vậy, nội dung chỉ đạo tại các công văn nêu trên là một trong các biện pháp nghiệp vụ mà ngành thuế triển khai nhằm nâng cao năng lực quản lý và hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về hoàn thuế GTGT.

Doanh nghiệp vẫn trong thế khó

Ông Thăng Văn Hóa- Chi hội trưởng Chi hội dăm gỗ- cho biết, 80% nguồn nguyên liệu sử dụng trong ngành gỗ là nguồn gỗ từ rừng trồng, cây phân tán, cao su thanh lý trong nước (khoảng 40 triệu m3) trong đó chiếm 60% là gỗ trồng rừng của hàng trăm nghìn hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, do khối lượng khai thác ít, manh mún và đều ở vùng sâu, vùng xa, nên hầu hết các doanh nghiệp chế biến gỗ đều không thể mua trực tiếp được nguyên liệu từ hộ trồng rừng mà mua lại từ các hộ kinh doanh cá thể, cơ sở sản xuất hoặc doanh nghiệp thương mại. Đây là cái khó của doanh nghiệp trong trường hợp các cơ quan thuế xác minh mối liên hệ mua bán giữa doanh nghiệp chế biến dăm gỗ với hộ trồng rừng và hộ cá nhân kinh doanh, vì không có hồ sơ thu mua giữa các bên. Nhưng trước đó, Tổng cục Thuế đã qui định, đối với hàng hóa có nguồn gốc thu mua trực tiếp từ người dân theo bảng kê hàng hóa, phải thực hiện xác minh trực tiếp đến từng người dân theo yếu tố rủi ro. Đồng thời, để hoàn thuế phải thực hiện đánh giá, so sánh sản lượng gỗ mua vào, bán ra trên từng địa bàn, trong từng thời kỳ, đối với từng doanh nghiệp.

Đến đây, vấn đề nảy sinh khi doanh nghiệp làm hồ sơ hoàn thuế, họ sẽ gặp những vướng mắc rất cụ thể như, để mua được một khối lượng gỗ đủ lớn cung cho các doanh nghiệp chế biến gỗ, các doanh nghiệp phải mua từ rất nhiều nguồn khác nhau với lượng nhỏ lẻ, phân tán nhiều vùng, nhiều địa phương, và mua từ các công ty thương mại, không mua nguyên liệu trực tiếp từ người dân, hộ gia đình trồng rừng. Các công ty thương mại này mua nguyên liệu đầu vào từ rất nhiều đơn vị khác nhau, có thể mua từ đơn vị thương mại khác, mua từ người dân, mua từ cơ sở sản xuất khác như đã nói ở trên. Cùng lúc đó, việc phân bổ nguồn nguyên liệu mất cân đối giữa các vùng miền trên cả nước, vì vậy, các doanh nghiệp chế biến gỗ thu mua nguyên liệu trên cả nước mà không căn cứ vào doanh nghiệp ở vùng miền nào, vì vậy, nếu căn cứ vào sản lượng gỗ mua vào và bán ra trên từng địa phương sẽ là không chính xác và chưa có qui định cụ thể rõ ràng. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp ngoài hoạt động sản xuất, còn thực hiện chức năng thương mại, đồng thời các doanh nghiệp phải liên tục điều chỉnh giả cả đầu vào và đầu ra theo diễn biến tình hình của thị trường.

Không chỉ vậy, một khó khăn khác là thời gian xác minh nguồn nguyên liệu đầu vào mất nhiều thời gian. Vì để nguyên liệu tới được doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu thì ít nhất thông qua 3 đầu mối từ từ hộ gia đình trồng rừng tới hộ gia đình thương mại/ doanh nghiệp thương mại. Ông Thăng Văn Hóa nhận định, việc siết chặt chính sách hoàn thuế đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng có dấu hiệu rủi ro cao là rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu quy định dàn trải sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh lâu năm trong ngành, khiến dòng vốn thanh toán bị đứt đoạn, hoặc thiếu vốn sản xuất, trong khi doanh nghiệp vừa phải duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa phòng chống dịch Covid-19, trả nợ vay ngân hàng, đảm bảo cuộc sống cho cán bộ nhân viên. Vì vậy, theo ông, cần có quy định để phân loại doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hoàn thuế GTGT. Đối với doanh nghiệp hoạt động lâu năm, có uy tín trong kinh doanh cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thuế trước, kiểm tra sau, để doanh nghiệp ổn định sản xuất, đối với doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng có tính rủi ro cao sẽ thực hiện kiểm tra, xác minh trước sau đó mới tiến hành hoàn thuế. 

Về việc quản lý truy xuất nguồn gỗ lâm sản, theo ông Hóa nếu quy định phải xác minh đến từng người dân theo bảng kê lâm sản hoặc kiểm tra lịch trình vận chuyển của phương tiện vận tải là mất rất nhiều thời gian và khó khả thi, vì vậy, Đề nghị Tổng cục Thuế xem xét có quy định thời gian cụ thể việc xác minh nguồn gốc gỗ để đảm bảo thời gian hoàn thuế cho doanh nghiệp đúng theo quy định. Phương pháp xác minh nên quy định, tỉ lệ mẫu, hộ dân đó có rừng khai thác không và xác thực chữ ký trong bảng kê lâm sản. Trong quá trình xác minh về nguồn, khối lượng gỗ trong quá trình hoàn thuế, nếu cần có sự phối hợp, đề nghị ngành thuế phối hợp với cơ quan kiểm lâm sở tại để thực hiện; đồng thời đề nghị không hình sự hóa vấn đề, trong quá trình kiểm tra xác minh trong hoàn thuế GTGT nếu chưa có dấu hiệu vi phạm.

Hoàn thuế GTGT, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, nói rằng, không chỉ có ý nghĩa đối với doanh nghiệp mà còn rất quan trọng đối với nền kinh tế. Nó phát huy tính tự giác về thực hiện đầy đủ chế độ thuế và hoá đơn, chứng từ; khuyến khích xuất khẩu khi doanh có điều kiện cạnh tranh về giá; khích lệ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện về tài chính cho doanh nghiệp; thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; tránh được việc thu thuế trùng lặp. Tuy nhiên, những biện pháp hiện nay là cần nhưng chưa đủ để thay đổi, cũng như giảm xuống mức thấp nhất tình trạng gian lận thuế GTGT.

Ở một khía cạnh khác, việc siết chặt quản lý đối với hoàn thuế GTGT đang tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI làm ăn nghiêm túc. Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, những bức xúc là có thật trong ngành gỗ, đặc biệt là các doanh nghiệp gỗ dăm. “Sau một số vụ ở Phú Thọ và Hải Phòng, Tổng Cục thuế có ra nhiều văn bản khiến các doanh nghiệp rất khó khăn. Hi vọng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm có ý kiến, nhằm giải tỏa những vướng mắc liên quan đến hoàn thuế cho doanh nghiệp ngành gỗ”, ông Đỗ Xuân Lập nói. 

Xuân Lâm (Gỗ Việt số 133, tháng 05/2021)