"Đại bàng" cho ngành gỗ, tại sao không?
Với một nền tảng vững vàng sau hơn 20 năm và khả năng duy trì sự phát triển ổn định cùng những kinh nghiệm xây dựng thị trường và khả năng tiếp cận với xu hướng phát triển của thế giới, ngành gỗ Việt Nam, cũng giống như bất kì một ngành kinh tế mũi nhọn nào khác, cần phải có một "đại bàng" của riêng mình, đó là gợi ý của ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Đó phải là một mục tiêu mà ngành gỗ cần đặt ra trong thời gian tới và chắc chắn phải là động lực của mỗi doanh nghiệp lớn khi mức độ cạnh tranh ngày càng lớn hơn, khi ngành công nghiệp gỗ đang vượt qua mức độ công nghiệp hóa thông thường và đang đi vào công nghệ cao. Mục tiêu phát triển là cho tới năm 2020, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam phải chiếm được 60% giá trị các sản phẩm có giá trị cao.
Theo ông Thiên, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam cần tự xây dựng mỗi chuỗi giá trị cho riêng mình, từ khâu giống, cho tới khai thác, chế biến và phát triển thị trường, đó mới là tiền đề để tạo ra thương hiệu riêng cho từng doanh nghiệp và cho ngành công nghiệp gỗ nói chung.
Chúng ta không thể chỉ dừng lại ở mức độ tham gia ở một công đoạn nào đó mà phải trực tiếp tạo ra một chuỗi giá trị gỗ, có một trụ cột lớn cho cả ngành công nghiệp gỗ, đó cũng là xu thế phát triển chung của một nền kinh tế nói chung, luôn có những tập đoàn làm trụ đỡ, như vậy mới phát triển bền vững, khi các doanh nghiệp tự tạo ra những sản phẩm mang bản sắc của riêng mình, từ những điểm cơ bản nhất như thiết kế.
Nhưng làm thế nào để có thể tạo ra một doanh nghiệp có khả năng và tầm vóc lớn như vậy để làm tiên phong cho ngành gỗ, điều đó có thể học hỏi vào sự phát triển của nhiều doanh nghiệp tới từ Hawa hay Bifa, đó là những doanh nghiệp lớn, tự mình tạo ra hướng đi riêng biệt dựa trên những lợi thế có sẵn của Việt Nam. Ví dụ như công ty Cổ Phần Xây Dựng Kiến Trúc AA, có chuyên gia thiết kế người nước ngoài để thiết kế các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, và mỗi sản phẩm thường có giá tới hơn 25.000 USD, đó là một trong những lý do để tin rằng, ngành gỗ có thể tạo ra những đại bàng.
Ngành gỗ Việt Nam có lợi thế là môi trường kinh doanh ổn định, quản trị nhà nước tốt để sản sinh ra những doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải nhận được sự trợ giúp từ các cơ quan nhà nước phải thúc đẩy môi trường kinh doanh từ tháo gỡ khó khăn sang tạo thuận lợi. Đây là tiền đề cho mọi vấn đề, bởi chất lượng điều hành và sự thuận lợi trong thủ tục hành chính là điều các doanh nghiệp gỗ rất chờ đợi.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Quốc Khanh, bất kì một doanh nghiệp nào muốn trở thành đại bàng, tạo được thương hiệu và chinh phục thị trường và người tiêu dùng thế giới bằng những thiết kế hay sản phẩm gỗ của chính mình cần phải xây dựng được nguồn nhân lực trong mảng thiết kế với sự sáng tạo và những kĩ năng tốt với gỗ nguyên liệu. Cùng với đó là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong mỗi doanh nghiệp, có hệ thống logistics tốt, nắm bắt và tạo ra được xu hướng tiêu dùng, và đặc biệt là đủ năng lực để phát triển sâu hơn nữa để trở thành một đại bàng đích thực cho ngành gỗ.
Đức Thành (Gỗ Việt số 129, tháng 12/2020)
- Ông Nguyễn Phúc Thắng: Người dẫn dắt thị trường sàn gỗ trong tương lai
- Xu hướng kinh doanh tại Nhật: Sự đối nghịch giữa đồ nội thất và rượu whisky
- Sản phẩm gỗ mới: Cuộc cách mạng của ngành gỗ Việt Nam
- Tủ bếp: Cuộc chiến trong lòng nước Mỹ
- Giá dăm giảm: Doanh nghiệp hòa vốn, người dân chờ thời
- Công ty cổ phần Lâm Việt: Thay đổi dòng sản phẩm để thúc đẩy phát triển
- Cùng Jager tạo ra cuộc sống thông minh
- Ngành gỗ sau đại dịch: Lấp đầy những khoảng trống thị trường nội địa
- Plywood Kiến trúc – Hơi thở của thời đại
- FDI trong ngành gỗ: Xây dựng hệ sinh thái FDI tốt