Chống gian lận xuất xứ ngành gỗ: Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cần chứng minh chuỗi cung
Trong tháng 2 vừa qua, Bộ thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiếp tục gửi câu hỏi lần 2 cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán cứng của Việt Nam trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp sản phẩm này của doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, và lần này phía DOC cũng gửi câu hỏi tới Bộ Công Thương Việt Nam. Gian lận xuất xứ trong ngành gỗ lại trở thành chủ đề nóng trong những tháng đầu năm, khi liên tiếp các bộ, ngành có công văn và yêu cầu tập trung trọng điểm kiểm soát các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ như tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ, nhằm hạn chế gian lận thương mại qua hình thức đầu tư tại Việt Nam. Tạp chí Gỗ Việt có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Liêm – Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, về các biện pháp kĩ thuật để hạn chế gian lận thương mại trong ngành gỗ.
Hiệp hội gỗ Bình Dương đang xúc tiến thành lập nhóm phòng vệ thương mại nằm trong ban kiểm soát để tư vấn cho sở công thương, sở kế hoạch đầu tư về luật pháp và rào cản kĩ thuật như thế nào để phù hợp với các hiệp định thương mại tự do và cam kết mà Việt Nam đã ký", ông Nguyễn Liêm mở đầu cuộc trò chuyện với thông tin đáng chú ý.
PV: Như vậy là theo ông, rào cản kĩ thuật để hạn chế đầu tư nước ngoài để tránh gian lận thương mại xuất xứ trong ngành gỗ phải bắt đầu từ luật pháp?
Ông Nguyễn Liêm: Đúng là như vậy, chúng ta đã kí rất nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, đã có luật đầu tư nước ngoài, vì vậy, tất cả mọi biện pháp kĩ thuật hạn chế đầu tư nước ngoài nhằm mượn xuất xứ gỗ Việt Nam đều phải dựa trên luật pháp và các cam kết quốc tế mà chúng ta đã ký. Chúng tôi quan tâm tới những khía cạnh này trước tiên để không để nhà đầu tư "bẻ" luật và giúp các cơ quan quản lý đứng trên luật pháp để cân nhắc thiệt hơn khi từ chối hoặc cấp phép đầu tư vào ngành.
PV: Để có được biện pháp hiệu quả nhất hạn chế các doanh nghiệp nhập khẩu các bộ phận của sản phẩm,lắp ráp tại Việt Nam sau đó xuất khẩu sang Mỹ nhằm né thuế suất, chúng ta phải làm gì?
Ông Nguyễn Liêm: Tất cả các cơ quan quản lý, các hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam đều đang đau đầu vì vấn đề này khi có dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài nhập các bộ phận khác nhau của sản phẩm rồi lắp ráp tại Việt Nam, mượn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, họ né được thuế suất cao, nhưng chúng ta, những doanh nghiệp Việt làm ăn chân chính đang chịu ảnh hưởng nặng nề.
PV: Chúng ta biết rằng, dù có phát hiện được hành vi gian lận thương mại nhưng các cơ quan quản lý của Việt Nam chỉ có thể xử phạt hành chính ở mức khá thấp và không đủ sức răn đe, theo ông, chúng ta lên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Liêm: Tôi đồng ý với ý kiến này, với một doanh nghiệp lớn, thì mức xử phạt hành chính chỉ vài chục triệu hoặc 100 triệu đồng không tạo ra sức mạnh trong quản lý và bảo vệ thương hiệu cũng như ngành chế biến, sản xuất gỗ của Việt Nam. Một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tư hàng triệu USD để mượn xuất xứ gỗ Việt Nam, thì chỉ cần xuất khẩu một vài container gỗ là đã có thể xử lý những quyết định xử phạt, như thế là không đủ sức nặng trong luật pháp. Và tôi nhận thấy rằng, chúng ta không có đủ khung hình phạt, có khá nhiều luật nhưng lại thiếu khung pháp lý chuẩn mực để xử lý vấn đề này. Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần nghĩ đến việc khởi tố hình sự các vụ gian lận thương mại xuất xứ để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Chúng ta cần tìm sự công bằng cho doanh nghiệp chế biến gỗ. Sự công bằng ở đây nghĩa là, nếu doanh nghiệp Việt Nam không chịu đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chế biến, sáng tạo và thay đổi cách quản lý, thì việc thất bại trên sân nhà là đương nhiên. Nhưng với những doanh nghiệp kinh doanh bài bản, liên tục cập nhật công nghệ, nâng cao chất lượng quản lý, chúng ta không thể để tình trạng bất bình đẳng như vậy diễn ra. Việt Nam đón chào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành gỗ với công nghệ hiện đại, kinh doanh minh bạch và công khai, nhưng không chấp nhận sự gian dối cũng như gây thiệt hại tới mỗi doanh nghiệp gỗ nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
PV: Vậy, nếu chúng ta nâng tiêu chuẩn hàng rào kĩ thuật trong nước lên để hạn chế gian lận thương mại và xuất xứ trong ngành gỗ, theo ông, biện pháp này có khả thi hay không?
Ông Nguyễn Liêm: Đây là vấn đề khó khăn, vì thực tế chúng tôi nhận thấy rằng, sản phẩm được các công ty có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu để lắp ráp ở Việt Nam có tiêu chuẩn cao hơn so với các tiêu chuẩn kĩ thuật trong nước.
PV: Theo ông, chúng ta có nên cấp giấy phép cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khi xuất, nhập khẩu gỗ vào và ra khỏi Việt Nam giống như Philippines, Malaysia, Hàn Quốc đang áp dụng hay không, ở đó, có quy định về tiêu chuẩn môi trường, đầu tư, kĩ thuật...?
Ông Nguyễn Liêm: Đây có thể là một ý kiến chúng ta có thể cân nhắc. Chúng ta đang ở trong nền kinh tế mở toàn cầu, các nước, các doanh nghiệp sản xuất lớn đều tham gia vào chuỗi cung, chẳng hạn như một chiếc máy bay Boeing không hoàn toàn được sản xuất ở nước Mỹ, động cơ nó có thể sản xuất ở Anh, những mô tơ nhỏ sản xuất ở Việt Nam... Hiện nay, các nước trên thế giới hạn chế gian lận thương mại bằng cách yêu cầu chứng minh chuỗi cung ứng, một công ty xuất khẩu sản phẩm phải chứng minh được mình nằm trong chuỗi cung ứng của sản phẩm đó. Nếu không, chắc chắn công ty đó gian lận xuất xứ. Việt Nam cần phải làm như vậy mới có thể tránh được việc các công ty đầu tư nước ngoài chen ngang sản phẩm và mượn xuất xứ Việt Nam. Nhưng để làm được điều này, chúng ta cần phải kiểm soát cả đầu ra và đầu vào, cũng như cả các doanh nghiệp trong nước nữa.
Vâng, đây là một ý kiến rất quan trọng mà các cơ quan quản lý có thể tham khảo để có được chính sách và biện pháp chống gian lận xuất xứ không chỉ của ngành gỗ mà cho cả các ngành công nghiệp khác. Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Xuân Lâm (Gỗ Việt số 131, tháng 03/2021)
- Xây tổ đón "đại bàng" ngành gỗ
- Khánh thành Nhà máy sản xuất nội thất 4.0 đầu tiên tại Việt Nam
- Ông Võ Quang Hà: Tôi muốn người Việt Nam được thụ hưởng những sản phẩm tốt nhất
- Vướng mắc trong thực hiện Nghị định 102: Cần tiếng nói đồng nhất
- "Đại bàng" cho ngành gỗ, tại sao không?
- Ông Nguyễn Phúc Thắng: Người dẫn dắt thị trường sàn gỗ trong tương lai
- Xu hướng kinh doanh tại Nhật: Sự đối nghịch giữa đồ nội thất và rượu whisky
- Sản phẩm gỗ mới: Cuộc cách mạng của ngành gỗ Việt Nam
- Tủ bếp: Cuộc chiến trong lòng nước Mỹ
- Giá dăm giảm: Doanh nghiệp hòa vốn, người dân chờ thời
-
Nhân rộng mô hình nhóm liên kết thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tập huấn phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ
-
Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý gỗ xuất khẩu
-
Chứng chỉ FSC – 30 năm với hành trình bảo vệ rừng và đảm bảo giá trị xanh