Kinh doanh mặt hàng viên nén: Tránh tư duy ăn xổi

30/06/2021 11:02
Kinh doanh mặt hàng viên nén: Tránh tư duy ăn xổi

"Nếu không có chiến lược kinh doanh, phát triển tổng thể và bài bản, các doanh nghiệp sản xuất viên gỗ nén có thể sẽ tự giẫm vào chân nhau, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng tới uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp, cũng như của cả ngành hàng viên gỗ nén Việt Nam nói chung", đó là cảnh báo của ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài, trong cuộc trò chuyện với Tạp chí Gỗ Việt về việc phát triển khá nóng của viên nén trong những năm gần đây. 

Thưa ông, có phải việc xuất hiện quá nhiều doanh nghiệp đầu tư hoặc mở rộng sản xuất khiến cho giá xuất khẩu viên gỗ nén của Việt Nam không như kì vọng?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Đó là một hiện trạng chúng ta cần đánh giá kĩ và sớm có giải pháp cụ thể. Theo tôi, ở đây có hai khía cạnh, một số doanh nghiệp đã có hợp đồng trong dài hạn và họ mở rộng sản xuất. Và một số doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội thị trường và nhảy vào đầu tư mà chưa tìm hiểu kỹ. Việc nhiều nhà máy sản xuất viên gỗ nén được mở ra, dẫn đến nhu cầu nguyên liệu tăng lên, đẩy giá nguyên liệu tăng và trong tương lai, việc cạnh tranh nguồn nguyên liệu sẽ rất khốc liệt.

Thực tế, nguồn cung viên gỗ nén của Việt Nam đang thừa, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tranh giành đơn hàng nên tự dìm giá nhau. Nếu ngồi lại với nhau được, phân chia nhau thị trường thì sẽ không bị các nhà nhập khẩu ép giá. Và mặt khác, chúng ta cần biết rằng, hai thị trường xuất khẩu viên gỗ nén chính của Việt Nam là Nhật Bản và Hàn Quốc đang có các nguồn cung khác có chất lượng tốt để lựa chọn mặc dù họ chấp nhận mua giá cao hơn, nên họ sẽ sẵn sàng ép giá doanh nghiệp của chúng ta. Trong ngắn hạn các doanh nghiệp viên gỗ nén của Việt Nam sẽ thực sự khó khăn vì nguồn cung thừa. Nếu có phục hồi thì phải từ năm 2024 trở đi theo lộ trình sử dụng viên nén nhiên liệu của thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ông vừa nói đến vấn đề nguyên liệu, và theo chúng tôi được biết, mặt hàng này không chỉ cạnh tranh nguyên liệu với nhau mà còn cạnh tranh với  dăm gỗ hiện cũng đang xuất khẩu rất tốt, ông có cho rằng, chúng ta đang tự làm khó nhau nhiều hơn?

Tôi cho rằng, xu hướng cạnh tranh nguyên liệu giữa hai mặt hàng sẽ xảy ra, vì thị trường xuất khẩu và chất lượng sản phẩm mới là yếu tố quyết định việc sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào như thế nào. Chúng ta nhìn thấy rõ rằng, với tình hình như hiện nay, các vùng nguyên liệu từ rừng trồng ở miền Trung và miền Bắc thì viên gỗ nén không cạnh tranh được với ngành hàng dăm, vì giá xuất khẩu viên gỗ nén quá thấp. Hiện nay những doanh nghiệp ở miền Nam tận thu được nguồn nguyên liệu từ ngành chế biến gỗ nên giá thành thấp, đa phần xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản đối cho các hợp đồng ngắn hạn.

Ông nhận định như thế nào về xu hướng trong năm nay và những năm tới?

Tôi cho rằng, trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023 mức giá sẽ không tăng. Mức giá xuất khẩu mặt hàng này duy trì ở mức quá thấp, xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc chỉ từ 98 USD đến hơn 100 USD/tấn và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản cho các hợp đồng ngắn hạn chỉ từ 100 USD đến 110 USD.

Là người làm trong ngành, tôi cũng băn khoăn về việc các doanh nghiệp làm thế nào có thể cân bằng được bài toán chi phí và giá xuất khẩu.

Bài học từ các nhà sản xuất viên gỗ nén của Mỹ và Canada, các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm kiếm các đơn hàng dài hạn của các khách hàng Nhật Bản hoặc Hàn Quốc để duy trì sự ổn định cho doanh nghiệp và giảm sự cạnh tranh khốc liệt vào các đơn hàng ngắn hạn. Thực hiện được điều này, ngành viên gỗ nén của Việt Nam sẽ đi vào giai đoạn ổn định trong tương lai.

Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp Viêt Nam nên tập trung vào viên gỗ nén có chất lượng tốt để cạnh tranh với các nguồn cung khác từ các nước Đông Nam Á. Chúng ta nên sản xuất sản phẩm có chất lượng cao và sản lượng vừa đủ để bán giá cao sẽ tốt hơn nhiều so với hiện nay sản xuất số lượng nhiều và chất lượng không cao rồi tranh nhau bán giá thấp. Việt Nam đang là nước xuất khẩu viên gỗ nén lớn nhất vào thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản nên nếu chúng ta đoàn kết thì chúng ta có thể tác động được giá xuất khẩu vào hai thị trường này. Điều này mang lại lợi ích to lớn cho các đơn vị sản xuất trong nước.

Hiện nhiều doanh nghiệp FDI đang đầu tư vào ngành viên gỗ nén, nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc, ông nhận định như thế nào về xu hướng đầu tư này?

Theo tôi, việc đầu tư này sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp lớn cả FDI và doanh nghiệp trong nước. Họ sẽ góp phần tạo được mặt bằng chất lượng của thị trường.

Như tôi nói ở trên, hiện tại khu vực miền Nam xuất khẩu chủ sang thị trường Hàn Quốc, với phân khúc nhóm hàng chất lượng không cao. Việc này, khiến tâm lý chung của khách hàng là viên nén nhiên liệu của Việt Nam là hàng chất lượng không cao. Do đó, việc thu hút nhiều doanh nghiệp FDI giúp định vị lại bản đồ chất lượng viên nén nhiên liệu của Việt Nam trên thị trường thế giới. Hiện tại về sản lượng sản xuất viên gỗ nén, Việt Nam là nước đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Canada.

Bên cạnh những mặt tích cực, thì cũng có những mặt tiêu cực. Chẳng hạn, doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất viên nén nhiên liệu ở Việt Nam sẽ tiếp cận khách hàng Nhật Bản tốt hơn doanh nghiệp Việt Nam. Họ có thị trường tốt hơn, giá bán cao hơn nên có thể mua nguyên liệu giá cao hơn. Việc này sẽ gây cạnh tranh trực tiếp lên doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, đây là sự cạnh tranh lành mạnh và sẽ làm cú hích để đẩy ngành viên gỗ nén Việt phát triển có nền tảng, ổn định và bền vững hơn. Loại bỏ dần các đơn vị nhỏ lẻ, máy móc lạc hậu.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Nguyễn Hạnh-Cao Cẩm (Gỗ Việt số 134, tháng 6/2021)