Làng nghề gỗ Vạn Điểm và nỗi trăn trở của những người tiên phong
Trong sự xoay chuyển của thị trường đòi hỏi mỗi hộ sản xuất tại làng nghề cũng phải thay đổi để thích ứng. Trong đó, cần có những người tiên phong, dẫn lối để người làng nghề giữ được nghề và sống được với nghề. Bà Đặng Thị Én - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề đồ gỗ Vạn Điểm – đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Gỗ Việt xung quanh vấn đề này.
? Thưa bà, được biết, mấy năm gần đây, ngành gỗ nói chung và các làng nghề gỗ, đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ yêu cầu thị trường cũng như nguồn nguyên liệu, câu chuyện cụ thể với Vạn Điểm là gì?
Cũng giống như nhiều làng nghề gỗ khác, tại Vạn Điểm, thị trường nội địa là đầu ra chính hiện nay của các hộ sản xuất. Thu nhập từ các hoạt động sản xuất này vẫn là nguồn thu duy nhất của hộ gia đình.
Nhiều làng nghề hiện đang sử dụng gỗ nguyên liệu đầu vào là gỗ tự nhiên quý như lim, hương, gõ đỏ, mun... được nhập khẩu từ các nước châu Phi, Lào, Campuchia. Lượng gỗ này mỗi năm lên tới hàng triệu m3. Đây là các loại gỗ được coi là có rủi ro cao về tính pháp lý theo tiêu chí quy định tại Nghị định 102/2020/ NĐ- CP của Chính phủ.
Việc vẫn tiếp tục sử dụng nguồn cung gỗ rủi ro này sẽ đem lại một số bất ổn trong tương lai, như nguồn gỗ này càng ngày càng hiếm, các chính sách quản lý khai thác, chế biến và thương mại ngày càng chặt chẽ. Trong tương lai, nguồn cung này có thể sẽ giảm hoặc không còn nữa. Điều này sẽ gây ra tác động rất lớn tới sinh kế của hàng trăm nghìn hộ làng nghề.
Các hộ nhận thức được rằng chuyển đổi gỗ nguyên liệu đầu vào từ gỗ tự nhiên nhập khẩu rủi ro cao sang các loại gỗ nhập khẩu ít rủi ro hơn như thông, sồi, dẻ và gỗ rừng trong nước là xu hướng bắt buộc trong tương lai.
Gần đây, đã hình thành mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và hộ gia đình tại một số làng nghề nhằm chuyển đổi nguyên liệu đầu vào tại các làng nghề này. Trong đó, mô hình liên kết giữa Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) và các làng nghề phía Bắc là một điểm sáng. Trong mối liên kết này, Công ty TAVICO cung cấp gỗ nguyên liệu đầu vào để các hộ thay thế nguồn gỗ rủi ro, tư vấn công nghệ và cách thức quản lý, hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đầu ra.
? Trong bối cảnh làng nghề gặp khó đầu ra, là nữ chủ xưởng duy nhất hiện nay của làng nghề gỗ Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội), tiên phong trong việc hợp tác với TAVICO trong câu chuyện bắt tay chuyển đổi nguyên liệu cũng như tìm hướng đi mới, kết quả đến nay như thế nào?
Việc hợp tác giữ các làng nghề và các công ty chuyên nhập khẩu gỗ, việc đầu tiên chúng tôi nghĩ đến đó là gỗ thông, vì đây là gỗ rừng trồng cho thu hoạch nhanh hơn các loại gỗ khác nên dễ vào thị trường hơn và giá thành thấp hơn, điều này sẽ giúp có nhiều khách hàng hơn. Tuy nhiên, cái vấp đầu tiên mà chúng tôi gặp phải đó là vấn đề mối mọt.
Làm gỗ rừng trồng cần có kho lưu trữ lớn, cần mặt bằng lớn để lưu trữ gỗ và gỗ này phải để trong nhà chứ không để được ngoài trời. Việc tìm kiếm mặt bằng cực kỳ vất vả. Tại làng nghề Vạn Điểm chưa có một lò sấy nào. Chúng tôi đang có dự kiến xây dựng một khu sấy gỗ. Tuy nhiên, chúng tôi lại vướng vấn đề mặt bằng và vốn.
? Với những vấn đề vướng mắc trong khâu nguyên liệu, hướng giải quyết của bà như thế nào.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ không tính đến mặt hàng gỗ thông mà chuyển sang gỗ óc chó và gỗ tần bì. Bởi phân khúc thị trường của chúng tôi vẫn là khách hàng cao cấp tại thị trường trong nước. Gỗ óc chó cứng hơn, khó bị mối mọt hơn, mặt gỗ đẹp hơn.
Là người tiên phong, dù chưa thu được những kết quả có thể cân đong đo đếm được. Thị trường thay đổi từng ngày, do đó, tôi mong muốn bà con làng nghề cần có sự thay đổi, cần đi ra thị trường, cập nhật xu hướng mới và tiếp cận với khách hàng nhiều hơn. Việc tìm ra định hướng khách hàng là hết sức quan trọng, chúng ta cần biết được khách hàng của mình là ai từ đó biết được cách đi.
Bản chất các hộ sản xuất tại làng nghề Vạn Điểm giống như những con tằm, mọi người cứ sản xuất và khách hàng tìm đến để mua.
Bài toán rõ ràng là không dễ. Bởi độ ì, bởi với suy nghĩ chúng tôi không cần tiếp thị hay quảng bá, khách hàng cũng sẽ tự tìm đến, hoặc chúng tôi chỉ cần làm đến như vậy là đủ. Tuy nhiên, việc này sẽ không dẫn đến sự phát triển bền vững và lâu dài. Việc cập nhật thị trường trong nước cũng sẽ chậm hơn.
? Câu chuyện thị trường nội địa và xuất khẩu vẫn luôn là nỗi băn khoăn của các doanh nghiệp, vì sao, bà lại hướng đến thị trường nội địa?
Nếu như nhìn về phương diện làm ăn kinh doanh thì rõ ràng cần hướng đến xuất khẩu. Nhưng nếu nhìn về phương diện làng nghề thì chúng tôi đặt ra một bài toán.
Thứ nhất, chúng tôi muốn thuê một khu đất công để làm xưởng cũng đã là không có, vậy làm sao chúng ta có đủ nguồn lực để mua cả một khu đất để làm nhà máy sản xuất, đây là một bài toán quá khó. Mặt bằng là bài toán không dễ đối với các cơ sở làng nghề miền Bắc.
Thứ hai, tại các làng nghề là sản xuất hộ gia đình và mang tính chất manh mún, chưa có tư duy cổ phần, hợp tác.
Thứ ba, định hình tiêu chuẩn của sản phẩm làng nghề khác với định hình tiêu chuẩn của sản phẩm xuất khẩu. Như bản thân tôi cũng mong muốn có được các đơn hàng xuất khẩu, để làm đơn hàng xuất khẩu vấn đề tay nghề người lao động chúng tôi không sợ. Nhưng vấn đề đơn hàng xuất khẩu thường lớn và đòi hỏi phải có máy móc, nhà xưởng. Điều này lại quay lại cái khó đầu tiên mà tôi đã chia sẻ. Do đó, việc lựa chọn trước mắt đối với các làng nghề vẫn là thị trường trong nước, sau đó gỡ dần nút thắt.
Năm 2001 làng Vạn Điểm đã được UBND Tỉnh Hà Tây (cũ) cấp bằng công nhận Làng nghề mộc cao cấp theo Quyết định số 351/QĐ-UB ngày 27/3/2001. Dù có khó khăn nhưng hiện đang trên đỉnh hình của hình Sin. Chúng tôi cũng hi vọng những thế hệ hiện nay và kế cận có thể tìm được con đường để giữ nghề, giữ làng nghề. Rõ ràng, rất cần những người tâm huyết.
Thị trường là rất rộng mở. Ví dụ như nếu các làng nghề vào được và phục vụ được phân khúc thị trường bất động sản cũng là một cách. Hiện tại Việt Nam, các khu đô thị đang mọc lên rất nhiều. Đây là tệp khách có kinh tế, họ quan tâm đến sức khỏe. Đa phần khách hàng tại đây không dùng gỗ công nghiệp.
Với đà phát triển của Việt Nam, nếu doanh nghiệp nắm bắt được thời cơ, thì phục vụ tại ngay thị trường nội địa cũng không đủ sức. Mảng thị trường trong nước rất lớn nhưng đang bị xáo trộn. Nhiều người cho rằng hàng nhập khẩu tốt hơn, đẹp hơn nhưng thực tế sản phẩm nhập khẩu chỉ hơn hàng Việt nước đánh bóng, còn về kỹ thuật hoặc chi tiết sản phẩm không thể bằng hàng Việt. Với sản phẩm làng nghề, khách hàng có thể kiểm tra được chất lượng đầu vào. Sản phẩm được làm thủ công 100%. Trong khi thị trường nước ngoài đề cao thợ thủ công thì tại Việt Nam, thợ thủ công lại rất rẻ. Hiện đang có sự đối lập. Đôi khi câu chuyện quảng bá sản phẩm chưa đúng và chưa đủ khiến khách hàng chưa biết đến.
Rõ ràng, dẫn lối thị trường phải là từ khâu tư vấn khách hàng. Với xu thế hiện nay, đội ngũ kiến trúc sư là hết sức quan trọng, họ là người tiếp xúc với khách hàng cuối cùng. Do đó, tôi cho rằng, các doanh nghiệp ngành gỗ hay các làng nghề cần có sự phối hợp, hợp tác với đội ngũ kiến trúc sư, Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ Việt Nam, Hội kiến trúc Việt Nam…
Xin cám ơn bà!
"Một người bạn của tôi bảo rằng, làng nghề gỗ bụi, độc hại và không còn thịnh hành. Câu trả lời của tôi đó là: Bụi vì các làng nghề vẫn còn dùng máy móc thô sơ, còn làng nghề sẽ không bao giờ mai một bởi vì bất cứ thế hệ nào, thời đại nào thì gỗ vẫn là nguyên vật liệu cực kỳ thân thiết với con người. Quan trọng là chúng ta tìm ra con đường hay hướng phát triển."
Uyển My (Gỗ Việt - Số 167)
- Sự tinh tế của không gian
- Xu hướng tiêu dùng và sự thành công của doanh nghiệp
- Thị trường đồ nội thất Ấn Độ dự kiến sẽ tăng thêm 4% về trị giá vào năm 2025
- Brazil xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ tăng 12% trong tháng 1/2024
- Hạnh phúc không chỉ nằm ở đích đến
- Thị trường máy móc thiết bị ngành gỗ: Chờ cơ hội phục hồi
- Đơn hàng đồ gỗ nội thất Mỹ tăng trở lại
- Thời điểm vàng để đầu tư vào công nghiệp nội thất
- Nhập khẩu gỗ thông giảm mạnh
- Dự báo, đồ nội thất gia đình khu vực châu Á Thái Bình Dương tăng trưởng 5%
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu