Thị trường máy móc thiết bị ngành gỗ: Chờ cơ hội phục hồi

05/01/2024 14:22
Thị trường máy móc thiết bị ngành gỗ: Chờ cơ hội phục hồi

Cầu giảm, doanh nghiệp ngành chế biến gỗ không có nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị mới nhằm tăng năng suất cũng như mở rộng sản xuất khiến thị trường máy móc thiết bị ngành này cũng rơi vào cảnh “đìu hiu” và dự báo phải hết 2024 mới phục hồi.

Là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cơ khí máy móc, trong đó có lĩnh vực cung cấp máy biến gỗ, đại diện Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Aquavie (Công ty Aquavie) cho biết, thị trường đầu ra cho sản phẩm này năm nay rất thấp, giảm khoảng 60 - 70% so với năm 2022. Doanh số bán sản phẩm còn lại chủ yếu là các dòng hàng lẻ và cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, làng nghề vì doanh nghiệp lớn sử dụng dây chuyền đồng bộ hoá và công nghệ cao.

“Tình hình kinh doanh năm nay giảm nhiều. Đặc biệt là vào nửa cuối năm 2023, bắt đầu từ tháng 7 đến nay tụt dốc không phanh”, đại diện doanh nghiệp than thở.

Nguyên nhân, theo đại diện Công ty Aquavie, là do thị trường đầu ra của ngành chế biến gỗ gần như đóng băng. “Những doanh nghiệp nào đóng cửa thì đã đóng rồi. Những doanh nghiệp nào đang sống thì đang cố gắng cầm cự, còn một số ít doanh nghiệp vẫn có đơn hàng và thi thoảng vẫn tăng ca nhưng không nhiều. Trong bối cảnh này, vẫn có những doanh nghiệp đầu tư nhưng thay bằng việc họ mua máy mới thì tìm máy cũ mua để tiết kiệm chi phí”, đại diện doanh nghiệp giải thích.

Trong bối cảnh thị trường đầu ra gặp khó khăn. Doanh nghiệp cũng đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại cũng không nhiều, bởi quan trọng là không có cầu thì dù có giảm giá, khuyến mại sâu thì cũng không có khách hàng.

“Đợt tháng 7 vừa rồi, chúng tôi cũng tham gia hội chợ, triển lãm máy móc thiết bị ngành gỗ. Tuy nhiên, dù doanh nghiệp có giảm giá sâu, thậm chí bán hoà nhưng vẫn không chốt được đơn. Như mọi năm chỉ cần khuyến mãi, giảm giá là có thể chốt được vài đơn”, đại diện doanh nghiệp cho biết.

Đầu ra của máy móc thiết bị là các doanh nghiệp chế biến gỗ. Thị trường các doanh nghiệp chế biến gỗ có cả xuất khẩu và trong nước. Tại thị trường xuất khẩu, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, phục hồi chậm, lạm phát vẫn neo ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm,… những yếu tố này đã tác động đến các doanh nghiệp Việt Nam.

Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thiếu đơn hàng là bức tranh chung của toàn ngành gỗ. Doanh nghiệp gỗ thu hẹp sản xuất, công nhân nghỉ đã ảnh hưởng lớn đến những doanh nghiệp vệ tinh. Tất nhiên, đấy không phải tất cả nhưng hầu hết đều khó khăn.

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó, các doanh nghiệp cũng trông vào thị trường nội địa. Tuy nhiên, thị trường bất động sản trong nước cũng không mấy khả quan khiến cho nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ cũng rất chậm.

Trong bối cảnh thị trường khó khăn, nhiều doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu máy móc cho biết hoạt động duy nhất hiện tại là “nằm chờ” bởi càng xoay xở càng vướng mắc. Một số doanh nghiệp thu hẹp quy mô trưng bày nhằm tiết giảm chi phí. Các doanh nghiệp cho hay, tình trạng này kéo dài thêm một năm nữa thì những doanh nghiệp lớn có thể vẫn cầm cự được, nhưng với các doanh nghiệp nhỏ rất dễ giải thể và phá sản.

Nhận định về tình hình thị trường năm 2024, các doanh nghiệp hi vọng thị trường bất động sản ấm lên sẽ có cơ hội phục hồi, dù chưa ngay lập tức quay lại đà tăng trưởng những năm 2016, 2017, 2018.

Là công ty đi đầu trong lĩnh vực cung cấp máy móc trang thiết bị với công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất tại thị trường Việt Nam từ năm 1996. Với hơn 20 năm kinh nghiệm, chúng tôi đã và đang phát triển không ngừng trong lĩnh vực cung cấp máy móc thiết bị và ngũ kim phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trong và ngoài nước, bà Nguyễn Thị Lành – Giám Đốc Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Thuận Hiền – nhận định, thị trường dòng máy móc chế biến không chỉ khó khăn trong năm 2023 mà có thể còn kéo dài đến hết năm 2024. Trong bối cảnh khó khăn này, duy trì quy mô hiện tại, thu hồi nợ cũ và với những nhà máy đã đầu tư xây dựng thì doanh nghiệp có kế hoạch cho đối tác thuê. Có lẽ, đây là hướng để doanh nghiệp có thể ít nhất còn tồn tại được vào lúc này.

Nhu cầu đầu tư mới, thay thế, nâng cấp máy móc, trang thiết bị của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ trong nước tăng cao khi ngành này đang tăng trưởng tốt. Trong bối cảnh các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ vẫn đang “ngóng” thị trường thì các doanh nghiệp vệ tinh, trong đó, có các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mảng máy móc thiết bị chế biến gỗ cũng chưa thể thoát khỏi cảnh “đìu hiu” trong một sớm, một chiều.

Gỗ Việt (Số 162 - Cao Cẩm)