Hạnh phúc không chỉ nằm ở đích đến
V ề đích là một thuật ngữ phổ quát được dùng rộng rãi ở Việt Nam, và không bị bó hẹp trong nghĩa đen của nó mà xuất hiện trong mọi lĩnh vực kể cả văn hóa, thể thao hay kinh tế, nó được mô tả cho việc một ngành, một lĩnh vực, một giải đấu hay sự kiện nào đó diễn ra an toàn, đúng như kế hoạch đặt ra hoặc đạt được mục tiêu của mình.
Chúng ta đang đi đến những ngày cuối cùng của năm 2023 cùng với một quán tính tương đối của nền kinh tế - xã hội đang chuyển động, dù không có được tốc độ như kì vọng nhưng có hi vọng và sự lạc quan.
Năm trước, bất chấp những khó khăn từ dư chấn Covid-19, thị trường xuất khẩu thế giới bị thu hẹp, sự bất ổn về địa chính trị, chi phí nguyên liệu và vận chuyển tăng cao, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những bước phát triển ấn tượng. Không chỉ bức tranh tổng thể và toàn diện nổi bật với những điểm sáng, các ngành công nghiệp mũi nhọn như ngành gỗ đã đạt được cột mốc tăng trưởng đáng tự hào là 16,5 tỉ USD.
Con số ấn tượng đấy đã tạo ra một sự thôi thúc cho ngành gỗ và hầu hết đều tin tưởng ngành có thể đạt cột mốc xuất khẩu 17 tỉ USD trong năm 2023, bởi ngành gỗ đã trải qua thời gian tăng trưởng liên tục trong 10-15 năm với mức tăng trưởng mỗi năm đạt 10-15%. Đó là sự phát triển bền vững của ngành gỗ trong hai thập kỉ qua.
Tuy nhiên, sau quãng thời gian tăng trưởng mạnh mẽ, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam được cho là bắt đầu đi vào vùng an toàn khi sản xuất sản phẩm xuất khẩu nhưng sản xuất ở nội địa, chờ nhà mua hàng quốc tế đến.
Điều này cũng không khó để giải thích, bởi vì chúng ta có xu hướng thận trọng trước sự phát triển quá nhanh, có một sự lo ngại về khả năng không kiểm soát được qui mô và tốc độ phát triển dẫn đến đổ vỡ.
Và khi nhìn lại năm qua, trước bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại thị trường Mỹ đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, nhất là về giá cả. Nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng, khi hàng tồn kho giảm và thị trường bất động sản Mỹ hồi phục, ngành gỗ sẽ có nhiều đơn hàng và hồi phục mạnh hơn về cuối năm, thế nhưng đây vẫn chỉ là dự báo.
Bởi kim ngạch xuất khẩu gỗ cho đến hết tháng 11 đạt hơn 12 tỉ USD giảm so với cùng kì năm trước, mặc dù tăng trưởng còn âm nhưng đà giảm đã thu hẹp lại, đấy cũng là một dấu hiệu tốt trong bức tranh tổng thể hiện tại.
Từ đó, các chuyên gia tính toán, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm 2023 sẽ chỉ đạt hơn 14 tỉ USD thấp hơn gần 3 tỉ USD so với mục tiêu đề ra từ đầu năm và ngành đã không về đích như kì vọng.
Nhưng về đích trong trường hợp này là một khái niệm mang tính ước lệ, nó không bao trùm toàn bộ bối cảnh của nền kinh tế thế giới, về sự tác động của những thay đổi địa chính trị, những biến đổi về chi phí nguyên liệu hay vận chuyển.
Vì vậy, dù không đạt được cột mốc 17 tỉ USD như chờ đợi nhưng xét trên tổng thể, nếu xuất khẩu cả năm đạt 14,5 tỉ USD vẫn là kết quả tốt hơn giai đoạn trước dịch, tức từ 2020 trở về trước và chỉ kém hơn các năm 2021, 2022. Đây là giai đoạn Covid-19 ảnh hưởng khiến nhiều người ở nhà, có nhu cầu tân trang không gian sống hoặc đổi nơi ở.
Điều đó có nghĩa, trong khó khăn và muôn vàn thách thức, từ việc giảm đơn hàng, giảm lao động, giờ làm, ngành gỗ vẫn đứng vững và đạt được con số xuất khẩu rất đáng tự hào. Dù đối diện với nhiều khó khăn nhưng ngành gỗ vẫn là ngành xuất khẩu thuộc nhóm chủ lực của cả nền kinh tế trong năm 2023.
Mặt khác, những tín hiệu từ thị trường Mỹ (lạm phát giảm, việc làm tăng lên, xây dựng và mua bán nhà tích cực trở lại) đã mang đến một sự lạc quan lớn cho ngành gỗ Việt Nam, dù cho những xung đột địa chính trị vẫn diễn ra nhưng chắc chắn một điều, tồn kho sẽ giảm và các nhà mua hàng Mỹ sẽ bắt đầu nhập hàng trở lại, dù có thể không lớn như trước đây.
Theo báo cáo bán lẻ mùa thu năm 2023 của Colliers mới đây cho biết gần 49% chuỗi bán lẻ ở Mỹ có kế hoạch mở rộng trong 5 năm tới. Và tính đến hết tháng 11, doanh số ngành bán lẻ nước này tiếp tục tăng ngay cả khi người tiêu dùng phải đối mặt với nhiều áp lực kinh tế, đây là những tín hiệu có thể kỳ vọng cho bán lẻ nội thất.
Trong khi các doanh nghiệp gỗ nội thất Việt Nam cũng đang chủ động đón thời cơ từ đầu năm sau. Chúng ta không chỉ hạnh phúc khi về đến đích, mà còn cảm nhận được niềm hạnh phúc đấy trên toàn bộ hành trình của ngành gỗ.
Gỗ Việt (Số 162 - Cẩm Lê)
- Thị trường máy móc thiết bị ngành gỗ: Chờ cơ hội phục hồi
- Đơn hàng đồ gỗ nội thất Mỹ tăng trở lại
- Thời điểm vàng để đầu tư vào công nghiệp nội thất
- Nhập khẩu gỗ thông giảm mạnh
- Dự báo, đồ nội thất gia đình khu vực châu Á Thái Bình Dương tăng trưởng 5%
- Xu hướng xuất khẩu dăm gỗ tới Nhật Bản đang chậm lại
- Ngành Gỗ Việt Nam có thể chịu được áp lực lạm phát hơn?
- Tháng 1/2023, xuất khẩu đồ nội thất của Brazil giảm mạnh
- Nhập khẩu gỗ dương giảm mạnh 50,1% về lượng
- Kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ giảm mạnh
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu