Ngành gỗ giao hàng theo FOB hay CIF: Covid -19 thúc đẩy nhanh xu hướng bán CIF
Covid-19 thúc đẩy những thay đổi lớn trong thương mại quốc tế, xu hướng xuất khẩu giá CIF và nhập khẩu giá FOB trở nên phổ biến, tác động mạnh lên ngành công nghiệp gỗ Việt Nam.
Nhiều nhà mua hàng muốn chuyển sang mua sản phẩm gỗ theo giá CIF, đơn hàng giao đi bị huỷ do không có phương án về vận chuyển, thúc đẩy các nhà sản xuất thay đổi phương thức giao hàng. Song với thực trạng phát triển ngành gỗ hiện nay, thay đổi phương thức giao hàng không phải việc muốn là có thể làm được ngay.
Gỗ Đông Tây, một công ty đang làm đại diện bán hàng tại Việt Nam cho các nhà máy sản xuất gỗ xẻ tại Mỹ, có thể cung cấp tất cả các loại gỗ các nhà sản xuất Việt Nam cần theo giá CIF đến các cảng tại Hồ Chí Minh, Quy Nhơn, Hải Phòng. CIF là phương thức mua bán trực tiếp với các nhà máy sản xuất gỗ xẻ tại Mỹ, hàng sẽ được giao tại các cảng biển tại Việt Nam. Xuất khẩu gỗ xẻ sang Việt Nam, các công ty của Mỹ chủ yếu theo điều kiện CIF.
Về lý thuyết, giá FOB (Free On Board) là giá bán tính tại cầu cảng của nước xuất khẩu, nghĩa là bên bán phải chịu mọi chi phí cho đến khi hàng đã lên tàu tại cảng bên bán theo qui định. Giá CIF (Cost, Insurance and Freight) là giá tính tại cầu cảng của nước nhập khẩu, nghĩa là bên bán chịu mọi chi phí cho đến khi hàng hóa được giao tại cảng của bên mua theo qui định.
Nguyên liệu theo giá CIF
Tính đến thời điểm này, ngành gỗ Việt Nam vẫn chủ yếu nhập nguyên liệu theo giá CIF. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trung bình có từ 73-75% kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ về Việt Nam được nhập theo giá CIF và xu hướng này đang gia tăng. Năm 2018, Việt Nam nhập 2,3 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ, thì giá trị nhập khẩu theo giá CIF/CFR đạt 1,69 tỷ USD, chiếm tới 73%, trong khi nhập theo giá FOB chỉ đạt 0,42 tỷ USD, chỉ chiếm 18%; 10% còn lại ứng với 0,22 tỷ USD là nhập khẩu theo các phương thức khác. Đến năm 2020, nhập khẩu theo giá CIF/CFR chiếm tới 77%, đạt 1,96 tỷ USD trên tổng giá trị nhập của cả năm là 2,55 tỷ USD, nhập theo giá FOB chỉ đạt 17% đạt 0,421 tỷ USD, còn theo phương thức khác chỉ chiếm 7% đạt 0,171 tỷ USD.
Nhập khẩu gỗ và sản phẩm (G&SPG) theo giá CIF chiếm tỷ trọng lớn
Xu hướng nhập theo giá FOB
Sau những biến động thị trường, nguồn cung đứt gãy, COVID-19 tiếp tục làm thay đổi chuỗi cung ứng ngành gỗ toàn cầu, dẫn đến những thay đổi trong phương thức bán hàng. Dữ liệu của VIFOREST ghi nhận thị trường chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ là Hoa Kỳ, kim ngạch xuất theo giá FOB đang giảm từ mức 98% vào năm 2018, xuống còn 97,2% vào năm 2019 và 96,9% vào năm 2020.
Đại dịch buộc ngành công nghiệp gỗ Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn các nguyên tắc thương mại của thị trường thế giới, bắt đầu từ khâu nhập khẩu nguyên liệu. Số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho thấy, nhập khẩu nguyên liệu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt trên 1,54 tỷ USD, tăng 39% so cùng kỳ. Hiện nay, Thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam bao gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan, Chi Lê với giá trị nhập khẩu ước đạt 894 triệu USD, chiếm 58% giá trị nhập khẩu của cả nước. Như vậy, nửa đầu năm 2021, ngành lâm nghiệp xuất siêu ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 67,4%.
Một thực tế không khó để nhận ra là tỷ lệ nhập khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ theo giá FOB đang tăng mạnh, tạo thành xu hướng mới. Phân tích từ dữ liệu Hải quan, các mặt hàng như gỗ tròn, gỗ xẻ có tỷ trọng về kim ngạch nhập khẩu theo giá FOB cao hơn các mặt hàng như ván sợi, ván dăm, gỗ dán. Gỗ tròn, có 211,85 triệu USD chiếm tới 30,3% tổng giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào năm 2018 được nhập theo giá FOB, con số này vào năm 2019 giảm xuống còn 27,6%, tương ứng với 179,24 triệu USD, đến năm 2020 đạt 173,51 triệu USD, chiếm 30,8% tổng giá trị nhập.
Tính riêng gỗ xẻ, năm 2018 nhập theo giá FOB đạt 117,0 triệu USD chiếm 12,6% tổng kim ngạch gỗ và sản phẩm gỗ; năm 2019 giá trị nhập theo giá FOB tăng 33% so với năm 2018 đạt 155,57 triệu USD và chiếm 16,8% tổng giá trị nhập của cả nước. Năm 2020, trị giá nhập theo giá FOB giảm 30% chỉ đạt 108,85 triệu USD, chiếm 13,0%.
Trong khi đó, ván lạng có tỷ lệ trung bình nhập theo giá FOB chiếm 10% tổng giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước. Năm 2018, doanh nghiệp Việt nhập 12,8 triệu USD ván lạng theo giá FOB, chiếm 10%, năm 2019 giá trị nhập là 19,0 triệu USD, chiếm 11%, con số này vào năm 2020 là 19,01 triệu USD chiếm 9%.
Ván dăm, nhập khẩu theo giá FOB chiếm tỷ trọng rất nhỏ, trung bình 5%. Giá trị nhập theo phương thức này năm 2018 là 1,4 triệu USD chỉ chiếm 2% tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm này của cả nước, đến năm 2019 tăng lên 2,2 triệu USD, chiếm 3% và năm 2020 trị giá nhập theo giá FOB đạt 9,02 triệu USD, chiếm 11%.
Tương như như mặt háng ván dăm, tỷ trọng nhập ván sợi theo phương thức FOB chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 9%. Giá trị nhập qua các năm 2018, 2019 và 2020 lần lượt ở mức 17,01 triệu USD; 13,75 triệu USD và 15,77 triệu USD, tương ứng với tỷ trọng nhập là 10%; 7% và 8%.
Đối với mặt hàng gỗ dán, tỷ lệ trung bình ở mức 6%, giá trị nhập theo giá FOB tương ứng qua các năm 2018, 2019 và 2020 lần lượt là 13,5 triệu USD; 13,7 triệu USD và 10,7 triệu USD chiếm tỷ lệ 7%; 6% và 5%.
Tỷ trọng nhập khẩu các mặt hàng theo các phương thức
Ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam đang tăng cả lượng lẫn chất, xuất khẩu gỗ và lâm sản nửa đầu năm 2021 ước đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng thời gian tới cũng đối mặt với không ít khó khăn do sự thay đổi từ các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là 4 thị trường quan trọng nhất, trong đó có Mỹ. Những thách thức trong thương mại quốc tế, đặc biệt là sự thay đổi phương thức giao hàng trước áp lực giá vận tải tăng cao, đôi khi sẽ bất chấp việc Việt Nam là một trung tâm chế biến gỗ của châu Á.
Vũ Huy (Gỗ Việt số 135, tháng 7 năm 2021)
- Brazil là thị trường cung cấp gỗ bạch đàn lớn nhất cho Việt Nam
- Nga sẽ hủy bỏ hạn ngạch xuất khẩu gỗ tròn từ ngày 1/1/2022
- Kinh doanh mặt hàng viên nén: Tránh tư duy ăn xổi
- Thị trường ván sàn gỗ thế giới dự báo tăng trưởng bình quân trên 2,7%/năm trong giai đoạn năm 2021 - 2027
- Canada tăng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ thị trường Việt Nam
- Một doanh nghiệp gỗ lãi 500 tỷ mỗi năm sắp lên sàn UPCoM
- Hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng gỗ xuất khẩu: Đảm bảo sự minh bạch, công bằng cho các doanh nghiệp!
- Simosol: Cung cấp dịch vụ carbon cho doanh nghiệp gỗ Việt Nam
- AA Corporation: Niềm tự hào Việt Nam
- Cảnh báo rủi ro trong khai báo hải quan về các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu