Ngành gỗ kỳ vọng cước tàu biển qua giai đoạn tăng sốc

16/02/2024 05:08
Ngành gỗ kỳ vọng cước tàu biển qua giai đoạn tăng sốc

Cước vận tải container có dấu hiệu hạ nhiệt khi bước vào tuần giảm thứ 3 liên tiếp, khiến nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ kỳ vọng điều tồi tệ nhất đã qua.

Cước vận tải biển có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi đạt đỉnh. “Chúng tôi tin rằng điều tồi tệ nhất đã qua”, Philip Damas, Tổng Giám đốc tại công ty tư vấn nghiên cứu hàng hải Drewry, trả lời phỏng vấn Nikkei Asia.
“Hiện tại chúng ta đang bước vào giai đoạn thứ hai, trong đó các công ty xuất khẩu sẽ dễ kiểm soát và tổ chức hơn. Đồng thời, giá cước vận tải giao ngay (spot rates) sẽ giảm mạnh sau khi tăng sốc trong giai đoạn đầu”, Philip Damas nhận xét.
Tuần trước, chỉ số cước vận tải container toàn cầu của Drewry ghi nhận tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Theo đó, cước vận tải container 40 ft giảm 1% so với tuần trước đó, xuống 3,786 USD.
Tình trạng này tác động tiêu cực đến thương mại quốc tế, làm cho hàng hóa vận chuyển bằng đường biển giữa Châu Á với Châu Âu và Bờ Đông Bắc Mỹ mất nhiều thời gian hơn, đẩy cước phí vận chuyển và phí bảo hiểm cho hàng hóa khu vực này tăng cao.
Biển Đỏ và kênh đào Suez là tuyến vận tải quan trọng giữa khu vực châu Á và châu Âu. Tuyến vận tải này đã bị gián đoạn khi nhóm Houthi bắt đầu tấn công các tàu vận tải container ở Biển Đỏ vào tháng 11/2023.
Tăng cước phí tàu biển trở thành mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ. Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc công ty Viet Products lo lắng sản phẩm sẽ khó cạnh tranh, trong khi công ty vừa mới phục hồi được từ 30% - 40% đơn hàng xuất khẩu đi thị trường châu Âu.
Theo ông Sang, cước phí vận tải biển đã tăng nhanh từ 100% - 150% nên nhiều khách hàng ở khu vực châu Âu, đã đề nghị công ty tạm dừng xuất hàng. Với tình hình hiện nay, ông không chắc chắn về thời gian khách hàng tiếp nhận hàng hóa trở lại.
Cước phí vận tải đang tác động tiêu cực đến các  doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ. Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco), cho rằng: “Cước phí tàu biển đang làm cho chi phí tăng lên”.
Theo ông Mạnh, thách thức lớn nhất của ngành gỗ là chi phí vận chuyển liên tục tăng cao trong suốt 4 năm qua. “Năm ngoái, doanh nghiệp ngành gỗ đã gặp nhiều khó khăn, nếu giá cước tàu biển tiếp tục tăng cao, doanh nghiệp sẽ không thể gượng dậy”, ông nói.
Số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho thấy, từ năm 2020 đến nay, giá cước vận tải tăng trung bình 200 - 300%, thậm chí có thời điểm tăng 500%, kèm theo việc tăng hàng loạt phụ phí như phí xếp dỡ hàng, lưu kho.
Hơn 20 năm gần đây, theo VIFOREST, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ và sản phẩm gỗ đã suy giảm trong năm 2023, kim ngạch ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 16,2% so với năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 9,2 tỷ USD, giảm 22,9% so với năm 2022.
Thời điểm này, VIFOREST đang theo dõi sát sao những biến động về vận tải hàng hóa trên thế giới, thường xuyên cập nhật tình hình đến các doanh nghiệp trong ngành, khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ để giảm thiểu tác động.
VIFOREST cũng khuyến khích các doanh nghiệp nên có điều khoản về bồi thường, miễn trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp. Đặc biệt, cần mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này.
Gỗ Việt ( Thanh Huyền)