Cần có hình thức bảo lãnh rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ
Việc Noble House nộp đơn tuyên bố bảo hộ phá sản trong thời điểm kim ngạch xuất khẩu gỗ sụt giảm có thể không phải là những thông tin tích cực với các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước nhưng câu chuyện đặt ra sau đó chính là chúng ta làm thế nào để bảo lãnh những rủi ro cho doanh nghiệp gỗ trong quá trình thương mại sau này với các đối tác trên thế giới. Tạp chí Gỗ Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sỹ Hòe, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phú Tài về vấn đề này.
Hiện đang có những nhận định trái chiều về xu hướng thị trường Hoa Kỳ, là doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này, quan điểm của ông như thế nào?
Theo tôi, về cơ bản, đây đang là mùa bán hàng và thị trường tiêu dùng có sự phát triển hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán hàng có vẻ tốt hơn nhưng tôi chưa đánh giá được chi tiết vì thiếu số liệu cụ thể.
Riêng về tủ bếp và đồ gỗ nội thất trong nhà, Phú Tài có một khách hàng không phải là nhà phân phối lớn tại thị trường Mỹ, đặt hàng của Phú Tài với lượng sản phẩm vừa phải. Tuy nhiên, lượng đặt và lượng bán là khác nhau. Do vậy, ta không căn cứ vào số lượng đặt hàng để đánh giá số lượng bán.
Theo tôi, trong thời gian tới sẽ tùy phân khúc khách hàng mà doanh thu có thể tăng hay giảm, nhưng nhìn chung là xu hướng thị trường Mỹ đang tích cực, dù không mạnh như kỳ vọng.
Liên quan đến câu chuyện Noble House đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 vào ngày 11/9 lên Tòa án Phá sản Hoa Kỳ dành cho quận Nam Texas, Phân khu Houston (“Tòa án xử các vụ Phá sản”), ông có thể chia sẻ về việc này?
Nguyên nhân dẫn đến tình huống này gồm hai yếu tố, thứ nhất là vấn đề tài chính. Noble House cùng với hai công ty khác vay cùng một ngân hàng, hiện có hai doanh nghiệp phá sản (cùng thuộc lĩnh vực đồ gỗ nội ngoại thất), trong đó, một doanh nghiệp phá sản vào tháng 12/2022 và một doanh nghiệp phá sản vào tháng 7/2023. Thứ hai, Noble House đang gặp vấn đề về kho bãi. Hai yếu tố cộng lại khiến Noble House phải đệ đơn lên tòa án tuyến bố bảo hộ phá sản theo Chương 11. Theo đó, doanh nghiệp giữ nguyên tên hệ sinh thái, chỉ là tái cơ cấu lại.
Do đó, các khoản nợ đối với các đối tác (bao gồm các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam) trước mắt đều phải dừng trả nợ và việc nhận hàng cũng sẽ bị đình lại. Sau khoảng 30 - 60 ngày, khi bước đầu tòa án chấp nhận việc cơ cấu do nhà mua mới hay tái cơ cấu lại. Khi đó, doanh nghiệp sẽ có thể lấy lại hàng.
Về các khoản nợ cũ thì các nhà cung cấp (thường là các chủ nợ cũ không đảm bảo) sẽ phải thương lượng với lãnh đạo mới của Noble House. Việc lấy lại hàng mới hay hợp tác lại cũng sẽ do ban lãnh đạo mới của Noble House quyết định.
Tuy nhiên, sau khi tái cơ cấu, các phiên điều trần hay vấn đề liên quan đến tiền bạc sẽ do tòa án kiểm soát. Các chủ nợ không đảm bảo có quyền kiện hoặc đòi quyền lợi ở các phiên điều trần và sẽ mất nhiều thời gian.
Theo những gì tôi tìm hiểu được thì khả năng doanh nghiệp có thể lấy lại tiền là khá cao. Hiện tại, tòa án đã gửi cho các đơn vị đối tác, với khoảng 30 nhà chủ nợ không đảm bảo thư đăng ký thành viên của Ủy ban của các chủ nợ không đảm bảo. Việt Nam có khoảng hơn 18 doanh nghiệp cung cấp hàng cho Noble House, tuy nhiên, Tòa án Hoa Kỳ chỉ mời khoảng 8 doanh nghiệp đủ tư cách.
Có thể doanh nghiệp được chọn hoặc không, trong trường hợp được chọn nhưng không tham gia phiên tòa vẫn có thể tham dự theo hình thức trực tuyến và thuê luật sư để bảo vệ tài sản của mình. Với các doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi đang thống nhất để các doanh nghiệp gửi mẫu thông tin, đồng thời tìm luật sư để bảo hộ cho cả nhóm doanh nghiệp. Dù vậy, đây là con đường còn dài và nhiều chông gai.
Là một trong những doanh nghiệp cung cấp nguồn hàng cho Noble House, hiện thiệt hại với doanh nghiệp là như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi đang ở cuối vụ, vì vậy thiệt hại giảm hơn, nhưng lượng hàng tồn kho vẫn còn tương đối lớn, khoảng 30 - 40% so với số mà doanh nghiệp đang nợ. Giải pháp của Phú Tài tìm các biện pháp để giải phóng hàng tồn kho, ngừng cung cấp hàng cho đơn vị này.
Sau này trong quá trình doanh nghiệp có thể thương lượng với chủ mới của Nobel House để lấy lại theo phương thức thanh toán mới hay bằng cách nào đó. Để lấy lại tiền nợ sẽ cần phải thương lượng vì theo Luật tòa án Hoa Kỳ, việc bảo hộ phá sản sẽ bảo hộ cho việc trả kéo dài hơn, kể cả với các con nợ đảm bảo.
Nói cách khác, theo Chương 11 này, họ bảo hộ cho con nợ, để con nợ còn sống để tái cơ cấu. Trong thời gian tái cơ cấu mà không tái cơ cấu được thì nó sẽ tuyên bố phá sản hoàn toàn, khi đó, sẽ phát mãi, trả cho người lao động, thuế,… và sẽ chia theo tỷ lệ theo Chương 7 và Chương 13.
Bước sắp tới của các doanh nghiệp trong vụ việc này là gì, thưa ông?
Giải pháp của doanh nghiệp hiện nay là tìm cách khoanh nợ và tìm cách giảm nhẹ tổn thất. Đồng thời, thuê luật sư để giảm nhẹ thiệt hại cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tìm kiếm khách hàng để bù vào lượng hàng hao hụt do mất đơn hàng từ doanh nghiệp này. Đồng thời, phải làm việc với ngân hàng để tránh tình trạng ngân hàng phát mãi tài sản,…
Về lâu dài, phía Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cần thống nhất với nhau về các phương thức thanh toán. Bởi tình hình kinh tế thế giới hiện nay biến động khó lường, dự báo, tình trạng phá sản sẽ còn diễn ra nhiều nữa. Trong bối cảnh ngành gỗ dễ bị tổn thương do phải đầu tư nguyên vật liệu, nhà xưởng rất lớn, trong một thời gian dài mới lấy lại được tiền.
Doanh nghiệp có thể phải chấp nhận lợi nhuận ít, nhưng về phương thức thanh toán phải thống nhất, không để tình trạng khi đối tác ép và khi đối tác bị phá sản thì doanh nghiệp ngành gỗ rơi vào thế không thể thu hồi được tiền.
Hiện nay, có nhiều hình thức như bảo hiểm tài sản, ngân hàng bảo lãnh hợp đồng, một công ty tài chính đứng ra bảo lãnh thanh toán với một khoản chi phí tương đối cao.
Tuy nhiên, liên quan đến ngân hàng thì phải là chính sách từ nhà nước, giống như bảo hộ xuất khẩu, bảo hộ kinh doanh, bảo hộ rủi ro. Việt Nam cũng chưa có hình thức này. Do đó, đề xuất, cần nghiên cứu kỹ các hình thức bảo lãnh rủi ro.
Về phía các doanh nghiệp cũng cần phải có sự gắn kết, trao đổi thông tin với nhau và các doanh nghiệp trong Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam có thể cam kết làm việc đó được với nhau nhằm nắm bắt thông tin từ các thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần hoạch định, xây dựng cơ chế tài chính phòng ngừa rủi ro. Hiện, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang đi theo kiểu tự tìm hiểu, mày mò, nghiên cứu thị trường. Những vấn đề này, các doanh nghiệp của Việt Nam chưa quan tâm, hoặc thực hiện chưa đúng phương pháp.
Xin cám ơn ông!
Gỗ Việt (Số 159 - Cao Cẩm)
- "Bảo hiểm" cho doanh nghiệp gỗ thế nào?
- EU đặt ra giới hạn mới về Formaldehyde trong sản phẩm tiêu dùng
- Cảnh báo nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm liên quan tới mặt đá thạch anh nhập khẩu
- Tránh “BÃO” lạm phát, xuất khẩu gỗ lại đối mặt với rủi ro hàng rào thương mại
- Các tiêu chuẩn Formaldehyde mới đối với các sản phẩm gỗ composite
- Hoàn thuế VAT: Đừng để “trên nóng, dưới lạnh”
- Cảnh báo: Hàn Quốc sẽ thay đổi một phần tiêu chí về kích thước và chất lượng tiêu chuẩn của sản phẩm gỗ
- Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm tuyển dụng Giám Đốc Kinh doanh
- Giá gỗ cao su Trung Quốc nhập khẩu từ Thái Lan giảm
- XUẤT NHẬP KHẨU GỖ VÀ SẢN PHẨM GỖ CỦA VIỆT NAM TRONG QUÝ I NĂM 2023
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu