"Bảo hiểm" cho doanh nghiệp gỗ thế nào?

03/10/2023 11:56

Một trong những thông tin đáng chú ý nhất với các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đó là Noble House một trong những nhà nhập khẩu đồ gỗ của các doanh nghiệp trong nước đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 vào ngày 11 tháng 9 lên Tòa án Phá sản Hoa Kỳ dành cho Quận Nam Texas, Phân khu Houston (Tòa án xử các vụ Phá sản). Theo báo cáo từ Bankrupt Company News, báo cáo liệt kê khoản nợ dài hạn là 74 triệu USD và nợ kinh doanh là 65 triệu USD.

Theo thông tin Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận được thì có ít nhất khoảng 18 doanh nghiệp lớn trong ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam là nhà cung cấp cho Noble House. Việc Noble House tuyên bố phá sản, các doanh nghiệp cung ứng hàng của Việt Nam đối diện với rủi ro mất tài sản. 

Là một trong những doanh nghiệp đã từng vướng phải trường hợp tương tự, ông Nguyễn Liêm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Việt cho biết, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận buông tay trong tình huống này.

"Cách đây 2-3 năm chúng tôi cũng vướng vào việc này tại thị trường Anh, Lâm Việt mất khoảng 2,6 triệu USD (tương đương 62 tỷ đồng - họ nợ mình), ngoài ra vẫn còn hàng tồn kho”, ông Liêm chia sẻ, “Không chỉ có Lâm Việt mà còn nhiều doanh nghiệp khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự".

Theo Luật phá sản của Anh, ưu tiên số 1 đó là tài sản được thu lại sẽ ưu tiên trả lương cho công nhân. Tiếp theo đó là các khoản thuế, nợ ngân hàng, trả tiền cho thuê mặt bằng, cuối cùng còn lại mới thanh toán cho nhà cung cấp.

Họ không chỉ nợ nhà cung cấp của Việt Nam mà còn nợ các nhà cung cấp ở các nước khác. Tại thời điểm đó các doanh nghiệp cũng bàn cách thuê luật sư, nhưng đội tư vấn khuyên không nên theo đuổi vụ kiện vì họ cũng không còn tiền. Hoặc có lấy lại được thì cũng chỉ vừa đủ tiền đi lại và thuê luật sư.

“Chúng ta vẫn đang phải chờ xem thủ tục cũng như các nội dung như thế nào, tuy nhiên, đây là vấn đề nghiêm trọng bởi các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể mất vốn. Việc doanh nghiệp chờ để đòi được các tài sản đã bán cho ông chủ này theo phán quyết của tòa án cũng là một điều khó khăn”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Bởi theo ông Đinh Trọng Thịnh, có nhiều doanh nghiệp phá sản nhưng tài sản của họ vẫn còn. Về mặt ưu tiên về thanh toán, rõ ràng, có một phần nào đó về người bán hàng được cơ quan, tòa án xử lý, giải quyết. Tuy nhiên, việc giải quyết nếu có sẽ mất thời gian rất lâu, sợ rằng số tiền lấy lại được cũng không đáng bao nhiêu và gây ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Khoảng trống bảo hiểm rủi ro xuất khẩu

Không chỉ tại thị trường Anh, trước và sau dịch Covid-19 rất nhiều doanh nghiệp của Hoa Kỳ bị đóng cửa. Trong khi đó, vấn đề lớn nhất của Việt Nam đó là khoảng trống bảo hiểm rủi ro cho các doanh nghiệp nhất là liên quan đến xuất nhập khẩu.

Ông Đinh Trọng Thịnh cho hay, bảo hiểm xuất nhập khẩu có từ trước đến nay. Đây là hình thức đảm bảo an toàn trong thanh toán xuất nhập khẩu. Việc này sẽ mất chi phí. Có lẽ, đây cũng là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thường không quan tâm và không thực hiện vì nghĩ rằng việc mua bán tốn kém, phiền phức. “Bảo hiểm xuất nhập khẩu hàng hóa là một loại hình bảo hiểm rất phổ biến. Bên cạnh đó là bảo hiểm rủi ro thanh toán. Chỉ có cái các doanh nghiệp không tham gia cái này”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Ngoài ra, tại Trung Quốc còn có hình thức chiết khấu bộ chứng từ cho ngân hàng. Hình thức này trong thanh toán quốc tế là có. Cụ thể, doanh nghiệp mang bộ chứng từ đến ngân hàng chiết khấu lấy tiền và họ trừ đi một tỷ lệ phần trăm. Ngân hàng sẽ tự mang bộ chứng từ đó đi đòi tiền. Việc này là thông lệ trong hoạt động giao thương, thanh toán quốc tế.

Với trường hợp của các doanh nghiệp Việt Nam đối với việc trên thì ra sao? Ông Thịnh cho rằng, hiện các doanh nghiệp không có các biện pháp phòng ngừa rủi ro, do đó, doanh nghiệp cần bình tĩnh xem xét, từ đó có các yêu cầu với người bán hàng và cơ quan chức năng để can thiệp.

Thứ hai, đó là vai trò của các Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phải có trách nhiệm bảo vệ doanh nghiệp của Việt Nam. Cụ thể, đó là phải có trách nhiệm làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của phía bạn hoặc tòa án về các vấn đề, nắm bắt tình hình, xử lý các tình huống xảy ra.

Để từ đó, doanh nghiệp có thể tham gia vào quá trình theo dõi, quản lý, giám sát và thu hồi nợ một cách tốt nhất. Hiện doanh nghiệp buộc phải chờ vào tòa án, chờ vào quá trình phá sản của phía đối tác chứ không biết làm thế nào.

"GIGACLOUD ĐƯỢC COI LÀ BÌNH PHONG CHO NHÀ SẢN XUẤT VÀ BÁN LẺ ĐỒ NỘI THẤT BỊ PHÁ SẢN"

Nhà cung cấp giải pháp thương mại điện tử B2B đầu cuối GigaCloud Technology thông báo rằng họ đã ký một thỏa thuận xác định với tư cách là nhà thầu bình phong để mua lại tất cả tài sản đáng kể của Noble House Home Furnishings và một số chi nhánh của thương hiệu này trị giá 85 triệu USD để xử lý vụ việc xin phá sản theo Chương 11 của Noble House.

Larry Wu - người sáng lập, chủ tịch và giám đốc điều hành của GigaCloud - cho biết, Với hơn 8.000 SKU và hệ thống chuỗi cung ứng mạnh mẽ, chúng tôi tin rằng Noble House sẽ tăng thêm đáng kể hoạt động kinh doanh 1P và 3P của chúng tôi, bổ sung nhiều loại sản phẩm vốn đã đa dạng của chúng tôi. Mặt khác, chúng tôi tin rằng nền tảng B2B của GigaCloud sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của Noble House và mở rộng các kênh bán hàng của Noble House. Với bảng cân đối kế toán lành mạnh và hệ sinh thái thị trường gắn kết, chúng tôi tin tưởng rằng GigaCloud có các nguồn lực và khả năng quản lý để ổn định và phát triển hoạt động kinh doanh của Noble House trong tương lai."

Gỗ Việt (Số 159 - Nguyễn Hạnh)