Tránh “BÃO” lạm phát, xuất khẩu gỗ lại đối mặt với rủi ro hàng rào thương mại
Trong khi nhiều thị trường xuất khẩu truyền thống của ngành gỗ tụt giảm nghiêm trọng do “bão” lạm phát, các doanh nghiệp ngành gỗ tìm cách chuyển hướng sang các thị trường chính Bắc Mỹ, Anh, châu Âu và Đông Bắc Á. Tuy nhiên, việc này cũng không hề đơn giản.
Tụt giảm nghiêm trọng tại các thị trường trọng điểm
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,9 tỷ USD giảm 30,6% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm đồ gỗ chỉ đạt 2,6 tỷ USD giảm 38% so với cùng kỳ.
So với 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm trong 4 tháng đầu năm 2023 sang các thị trường chính đều giảm mạnh: Mỹ đạt 2,02 tỷ USD giảm 37,9%; Nhật Bản 556,2 triệu USD giảm 1,5%; Hàn Quốc đạt 273,5 triệu USD giảm 22,2%; Trung Quốc đạt 481,2 triệu USD giảm 12,8%; Anh đạt 60,33 triệu USD giảm 38%; Australia đạt 35,7 triệu USD giảm 39,7%,… Tương tự đối với thị trường EU đã giảm tới 60%, các đơn hàng mới hiện rất ít, mặt dù hiện đang là mùa hàng của EU.
Trước các diễn biến xấu đó, các doanh nghiệp ngành gỗ đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư, mở rộng các mặt hàng gỗ có tính cạnh tranh cao hơn. Trước mắt tập trung vào các thị trường chính Bắc Mỹ, Anh, châu Âu và thị trường Đông Bắc Á.
Tuy nhiên, xúc tiến mở rộng thương mại đòi hỏi những hiểu biết sâu sắc về thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lo ngại bởi đối với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, xuất khẩu càng mở rộng thì các doanh nghiệp Việt tham gia xuất khẩu càng đối mặt với các rủi ro tạo ra bởi các vụ kiện, điều tra từ các thị trường xuất khẩu. Bởi thực tế, các vụ kiện, điều tra từ các thị trường này có xu hướng ngày càng tăng.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tại cuộc họp Giao ban kinh tế tháng 5 với Bộ ngoại giao
và Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài
Mở rộng thị trường song hành với giảm rủi ro cho ngành gỗ
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - thông tin, hiện ngành gỗ đang đối diện với hai vụ kiện phòng vệ thương mại liên quan tới mặt hàng gỗ dán và tủ bếp do Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng điều tra.
Vụ kiện đã kéo dài trong nhiều năm trở lại đây. Như đối với vụ việc điều tra mặt hàng gỗ dán đã gia hạn ra quyết định tới lần thứ 7, và kéo dài 3 năm, tác động nghiêm trọng tới các doanh nghiệp gỗ dán Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất ra không bán được hàng, các nhà mua hàng Hoa Kỳ chuyển dịch sang các thị trường khác mua hàng.
Số liệu của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, trong 6 năm gần đây nhất (tính từ năm 2017 đến nay) Việt Nam phải đối diện với 116 vụ việc. Trong đó, gỗ là một trong số các sản phẩm thường xuyên bị điều tra.
Khẳng định, ngoại giao thương mại có vai trò quan trọng trong việc xác định các loại hình rủi ro phòng vệ thương mại và từ đó đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro. Không chỉ vậy, ngoại giao thương mại còn có vai trò góp phần loại bỏ các rủi ro, trước khi các rủi ro này hình thành và tác động tới ngành.
Do đó, ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị, với vụ việc phòng vệ thương mại liên quan tới mặt hàng gỗ dán và tủ bếp, Chính phủ, các cơ quan ngoại giao trao đổi với DOC đề nghị phía bạn giải quyết vụ việc đúng tiến trình, thời gian đã ấn định. Có sự can thiệp, vận động hành lang để giải quyết các vụ kiện một cách công bằng.
Đồng thời đề nghị, cơ quan chức năng có các thông tin cảnh báo sớm, các thông tin thị trường để định hướng cho các doanh nghiệp nhằm giảm thiểu các tranh chấp thương mại xảy ra.
Hiện, với ngành gỗ, tranh chấp thương mại xảy ra chủ yếu liên quan đến lẩn tránh xuất xứ - chuyển khẩu. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp gỗ cũng mong muốn, khi có sự dịch chuyển của chuỗi cung về Việt Nam đối với các sản phẩm đã bị áp thuế chống trợ cấp, chống bán phá giá, đề nghị Chính phủ, Bộ Ngoại giao có giải pháp cụ thể để ngăn chặn xu thế sẽ bị khởi kiện.
Theo đó, cần kiểm soát việc chuyển khẩu, hạn chế các dự án đầu tư FDI vào sản xuất các sản phẩm đã bị áp thuế chống bán phá giá. Hạn chế và không sử dụng các nguyên liệu cấu thành sản phẩm đã bị áp thuế.
Vận động hành lang đối với Bộ Thương Mại Hoa Kỳ, tổ chức môi trường Hoa Kỳ, Hiệp hội xuất khẩu đồ nội thất của Hoa Kỳ định hướng lại nguồn gốc nguyên liệu cấu thành sản phẩm đối với các doanh nghiệp và thị trường Hoa Kỳ để không xảy ra tình trạng chuyển khẩu hàng hóa là nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp thương mại.
Hỗ trợ về mặt truyền thông cho các doanh nghiệp ngành gỗ, truyền thông này hướng tới mặt hàng có thế mạnh, doanh nghiệp có thể mạnh sản xuất ở các thị trường chủ lực.
Xây dựng và phát triển thị trường, hiện đây là khâu yếu nhất của ngành gỗ Việt. Hiện các sự kiện hội chợ triển lãm trong ngành gỗ diễn ra tại Việt Nam đã được quy tụ về một đầu mối và được tổ chức thông qua Công ty tổ chức hội chợ ngành gỗ. Do đó, Hiệp hội và các doanh nghiệp trong ngành rất cần sự hỗ trợ của Bộ ngoại giao, Đại sứ quán giới thiệu quảng bá về các hội chợ đồ gỗ quốc tế tại Việt Nam.
Đại sứ quán cung cấp các thông tin và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ đồ gỗ quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành gỗ trong việc mở Công ty, Văn phòng đại diện, cửa hàng ở các thị trường tiềm năng. Đây là nền tảng cơ bản cho việc phát triển thị trường.
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ trong việc tìm hiểu thông tin thị trường về sản phẩm, bao gồm nhu cầu tiêu dùng, thị hiếu tiêu dùng và các cơ chế, chính sách của chính phủ về chất lượng, mẫu mã, tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm gỗ nhập khẩu.
Gỗ Việt Số 155 - Hà Anh
- Các tiêu chuẩn Formaldehyde mới đối với các sản phẩm gỗ composite
- Hoàn thuế VAT: Đừng để “trên nóng, dưới lạnh”
- Cảnh báo: Hàn Quốc sẽ thay đổi một phần tiêu chí về kích thước và chất lượng tiêu chuẩn của sản phẩm gỗ
- Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm tuyển dụng Giám Đốc Kinh doanh
- Giá gỗ cao su Trung Quốc nhập khẩu từ Thái Lan giảm
- XUẤT NHẬP KHẨU GỖ VÀ SẢN PHẨM GỖ CỦA VIỆT NAM TRONG QUÝ I NĂM 2023
- Gỗ Thụy Sỹ đang trở nên phổ biến
- Thông tư mới về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản
- Chủ động tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam trong CPTPP
- Lưu ý về ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
-
Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tọa đàm Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu
-
Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn Q-Fair 2025
-
HAWAEXPO 2025 -Triển lãm xuất khẩu đồ gỗ & nội thất đáng mong chờ nhất 2025