Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: Đã đến lúc lựa chọn nguồn vốn FDI

01/12/2023 09:24
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: Đã đến lúc lựa chọn nguồn vốn FDI

Cùng với nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mới, vấn đề chất lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam cần được đặt ra. Tạp chí Gỗ Việt đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về các chính sách thu hút đầu tư FDI hiện nay?

Việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam ngày càng tốt hơn. Môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện. Các cơ chế chính sách cũng dần thay đổi phù hợp với tính hình thực tế của sự phát triển kinh tế trong nước cũng như quốc tế.

Tuy nhiên, vốn đầu tư thu hút lớn lên rất nhiều nhưng việc phát huy tác dụng của vốn đầu tư đến các ngành nghề sản xuất trong nước, tạo ra được các chuỗi sản xuất kinh doanh, cũng như tạo sự liên kết hỗ trợ với doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp FDI thì vẫn còn có những vướng mắc.

Trong nhiều biện pháp thu hút, Việt Nam thường sử dụng nhiều các biện pháp ưu đãi về thuế, phí. Từ đó, giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài có được lợi nhuận cao hơn và họ tích cực đầu tư vào Việt Nam hơn.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, cùng với sự thay đổi của thế giới và chính sách áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cũng đang xem xét và chính thức áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu này từ 1/1/2024.

Như vậy, rõ ràng, chúng ta đang cần phải thay đổi hàng loạt các cơ chế chính sách về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, về ưu đãi, cũng như cải thiện môi trường đầu tư để từ đó thay vì chúng ta khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài bằng các ưu đãi về thuế thì sẽ phải chuyển sang các chính sách khuyến khích bằng việc giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi, các liên kết tốt hơn, từ đó, giúp cho các doanh nghiệp FDI giảm được chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm. Đây cũng là một trong những biện pháp chủ yếu để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Tất nhiên, để làm được việc này chúng ta sẽ phải thay đổi từ luật pháp, chính sách, cũng như nhiều vấn đề trong nền kinh tế quốc dân.

Hiện, đang có nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách thu hút đầu tư của nhà nước hiện nay mới nghiêng về việc ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI mà thiếu sự công bằng cho các doanh nghiệp trong nước, ông bình luận gì về ý kiến này?

Trước đây, việc ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI tương đối nhiều và đâu đó có sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, sau khi có Luật Doanh nghiệp 1999, chúng ta đã thống nhất các cơ chế chính sách, các điều kiện ưu đãi về đầu tư, các chính sách về hoạt động của doanh nghiệp trong nước. Do đó, thực tế, chúng ta cũng đã có sự đối xử công bằng, bình đẳng hơn với giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI.

Trong thực tế, chúng ta vẫn còn có các chính sách ưu tiên, ưu đãi về công nghệ cao, đầu tư lớn,… Các chính sách này không chỉ dành riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài mà dành cho các nhà nùa đầu tư của Việt Nam.

Tuy nhiên, thông thường, các doanh nghiệp Việt Nam vốn nhỏ, công nghệ không phải là hiện đại. Trong khi các doanh nghiệp FDI thường có nguồn vốn lớn, công nghệ hiện đại. Do đó, nhưng ưu tiên, ưu đãi về công nghệ cao, vốn đầu tư lớn này lại rơi vào các doanh nghiệp FDI.

Đây cũng là lý do khiến trong cả việc tiếp cận thị trường, cũng như được hưởng các chế độ ưu đãi, các doanh nghiệp FDI thường được hưởng các chính sách ưu đãi lớn.

Hiện đang có thực trạng, các dự án cứ đầu tư mà thiếu các quy hoạch tổng thể dẫn tới các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài dẫm chân nhau về vùng nguyên liệu, giải pháp như thế nào về việc này?

Trong một số ngành, một số lĩnh vực, việc chồng chéo, cạnh tranh với nhau giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đã xảy ra. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hoạt động này vẫn cứ tiếp tục xảy ra. Việc này đang phản ánh một điều, đó là quy hoạch vốn đầu tư FDI và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cũng như quy hoạch ngành nghề đều không đạt được kết quả như mong muốn.

Quy hoạch là có, nhưng không đầy đủ, không có độ bền vững và không đủ thời gian. Vì thế, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài không những không hợp tác với nhau mà còn cạnh tranh lẫn nhau, từ đó, tạo nên những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc này, đây là tồn tại từ lâu. Đây cũng là một trong những vấn đề mà trong Luật Quy hoạch của Việt Nam đang nêu ra và đang cố gắng giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, trong thu hút FDI, chúng ta phải xem xét lại quy hoạch, ngành nghề của chúng ta có những gì tốt, những gì chưa tốt, cái gì cần phải chỉnh sửa, từ đó, chúng ta mới xem xét có cần thu hút đầu tư FDI hay không. Nếu cần thu hút thì yêu cầu đặt ra là gì? Bởi đến bây giờ Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài, chứ không phải “vơ bèo, vạt tép”.

Và câu chuyện ở đây là chúng ta muốn có công nghệ cao, công nghệ đầu nguồn, thay đổi về năng suất, chất lượng. Cần xác định chúng ta đang ở đâu, như thế nào và cần gì thì mới thu hút. Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần xem xét, lựa chọn, trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Xin cám ơn ông!

Gỗ Việt (Nguyễn Hạnh)