Nguyên liệu đầu vào vẫn thách thức ngành gỗ Việt Nam

27/08/2021 11:18
Nguyên liệu đầu vào vẫn thách thức ngành gỗ Việt Nam

Các nhà chế xuất gỗ Việt Nam đang đứng trước bài toán cân đối giá nguyên liệu đầu vào trong bối cảnh duy trì sản xuất trở thành thách thức lớn.

Gỗ nhập khẩu hiện đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành gỗ. Nguyên liệu tăng giá, nỗi lo không đủ nguyên liệu để sản xuất do chuỗi cung ứng bị đứt gãy khiến doanh nghiệp khó càng thêm khó.

Mất cân đối

Giá gỗ nguyên liệu tiếp tục tăng cao trong những tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) tăng 11% trong tháng 6/2021, trong khi giá trị nhập G&SPG chỉ đạt 268,74 triệu USD, giảm 4,5% so với tháng 5 trước đó (đạt 281,48 triệu USD).Các mặt hàng nhập khẩu ghi nhận giảm trong tháng 6 so với tháng trước đó như veneer giảm 18,2% chỉ đạt 25,4 triệu USD; gỗ xẻ giảm 8,7% chỉ đạt 86,17 triệu USD; gỗ dán giảm 3,0% chỉ đạt 28,33 triệu USD.

Đối với nhập khẩu gỗ tròn trong năm 2020, Việt Nam nhập trên 2,01 triệu m3, giảm 13% so với năm 2019, trong 6 tháng lượng nhập đạt 1,0 triệu m3 tăng 4% so với cùng kỳ 2020.

Nếu xét về các thị trường cung gỗ tròn chính cho Việt Nam, trong nửa đầu năm 2021 lượng nhập khẩu từ các thị trường này đều giảm, Cameroon đạt 141,06 nghìn m3, chiếm 14% tổng lượng nhập, giảm 21%; Mỹ đạt 105,65 nghìn m3 chiếm 11% tổng lượng nhập, giảm 24%; Papua New Guinea đạt 56,89 nghìn m3 chiếm 6% lượng nhập, giảm 29% và Đức đạt 35,72 nghìn m3 chiếm 4% lượng nhập, giảm 10%. Hai thị trường có lượng nhập tăng nhẹ là Bỉ lượng nhập khẩu đạt 118,81 nghìn m3 chiếm 12% tổng lượng nhập, tăng 10% và Pháp lượng nhập khẩu 48,07 nghìn m3 chiếm 5%, tăng 2%.  Mặc dù có sự tăng/giảm khác nhau về lượng trong 6 tháng đầu năm 2021 nhưng điểm chung là giá gỗ tròn nhập từ các thị trường này đều tăng ở mức trung bình 15% so với cùng kỳ 2020.

 

Các thị trường cung chính gỗ tròn cho Việt Nam có xu hướng giảm trong nửa đầu năm 2021 (nghìn m3)

Cameron thị trường cung gỗ tròn chính cho Việt Nam, mức giá nhập nhập khẩu gỗ tròn đều tăng trong 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ 2020. Giá gỗ gõ nhập khẩu trung bình trong 6 tháng đầu năm 2021 ở mức 598 USD/m3 tăng 13% so với cùng kỳ 2020, giá trung bình nhập khẩu gỗ lim là 386 USD/m3 tăng 12%, gỗ xoan nhập với mức giá trung bình 383 USD/m3 tăng 11%.

Giá gỗ nhập từ Mỹ cũng tăng cao trong nửa đầu năm 2021 so với cùng kỳ 2020, gỗ óc chó nhập với giá trung bình 775 USD/m3 tăng 17%, gỗ dương nhập 269 USD/m3 tăng 9%; gỗ sồi nhập 482 USD/m3 tăng 7%.

Thị trường Đức, giá nhập trung bình các loài gỗ như dẻ gai, sồi, tần bì trong nửa đầu năm 2021 lần lượt ở mức 245 USD/m3; 370 USD/m3 và 218 USD/m3 tăng 32%,14% và 2% so với cùng kỳ 2020. Tương tự ở thị trường Pháp giá nhập các loài gỗ dẻ gai (238 USD/m3); tần bì (228 USD/m3) đều tăng 31% và 8% so với năm trước.

Bỉ, thị trường cung tới 12% tổng lượng gỗ tròn cho Việt Nam cũng ghi nhận mức giá nhập trung bình tăng cao, giá nhập gỗ dẻ gai ở thị trường này trong 6 tháng đầu năm 2021 là 234 USD/m3 tăng 31% so với cùng kỳ 2020, gỗ tần bì là 232 USD/m3 tăng 9% và gỗ sồi ở mức 305 USD/m3 tăng 5%.

 

Giá nhập khẩu gỗ tròn trung bình tăng từ các thị trường chính giai đoạn 6 tháng 2020 và 2021 (USD/m3)

Đối với gỗ xẻ, lượng nhập năm 2020 đạt 2,54 triệu m3 giảm 1,4% so với năm trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2021 lượng nhập tăng 36% so với cùng kỳ đạt 1,52 triệu m3, nhưng lượng nhập trong tháng 6 lại giảm 8,7% so với tháng trước đó chỉ đạt 223,81 nghìn m3. Các thị trường cung gỗ xẻ chính cho Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm về lượng nhập nhưng giá nhập gia tăng.

Thị trường Mỹ cung gỗ xẻ hàng đầu cho Việt Nam, 6 tháng đầu năm lượng nhập khẩu từ thị trường này đạt 251,18 nghìn m3 chiếm 17% tổng lượng nhập, giảm 6% so với cùng kỳ 2020. Giá gỗ xẻ trung bình nhập từ thị trường này trong nửa đầu năm 2021 tăng 21% so với cùng kỳ. Gỗ dương giá nhập 370 USD/m3 tăng 21%; gỗ sồi giá 548 USD/m3 tăng 12%; óc chó nhập giá 958 USD/m3 tăng 13%.

Chi lê, thị trường cung gỗ xẻ đứng thứ 2, lượng nhập từ thị trường này đạt 183,45 nghìn m3 trong 6 tháng đầu năm tăng 33% so với cùng kỳ 2020, giá nhập trung bình tăng 16%. Thông là loài gỗ chính nhập từ Chile giá nhập trung bình ở mức 261 USD/m3 tăng 17% so với 6 tháng năm 2020.

Tương tự mức giá nhập gỗ xẻ cũng tăng ở thị trường Bazil, Newzeland ở mức 6% và 17%. Trong 6 tháng năm 2021, giá nhập gỗ thông xẻ từ Brazil ở mức 230 USD/m3 tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, giá nhập từ Newzeland là 281 USD/m3 tăng 17%.

 

Giá trung bình nhập gỗ xẻ từ các thị trường chính so 6 tháng 2020 với 6 tháng năm 2021 (USD/m3).

Hiện, ngành chế biến gỗ sử dụng nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong nước và nhập khẩu, không chỉ nguồn nhập khẩu tăng giá mà nguồn trong nước cũng tăng mạnh, giá gỗ cao su xẻ trong tháng 5/2021 ở mức 16,7 triệu đồng/m3 tăng 19,29%, gỗ keo có mức giá 5,7 triệu đồng/m3 tăng 39,02% so với cùng kỳ 2020. Hơn nữa chất lượng gỗ từ rừng trồng trong nước hiện vẫn còn thấp. Việt Nam vẫn phải nhập khẩu trên 10 triệu m3 gỗ nguyên liệu để chế biến sản phẩm xuất khẩu.

Dịch chuyển đơn hàng

Thời điểm này, những khó khăn, lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay đến từ cả phía cung và cầu. Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đặc trưng của ngành công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính. Các khó khăn về lưu thông, vận chuyển hàng hóa do yêu cầu phòng dịch sẽ dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng – trong đó đặc biệt là chuỗi cung ứng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu vào sản xuất của doanh nghiệp.

Về phía cầu, đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo, các doanh nghiệp có thể có thêm các đơn hàng xuất khẩu mới. Tuy nhiên, nếu không sớm có các giải pháp giúp doanh nghiệp khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, sớm quay trở lại sản xuất, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, và đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.

Kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khởi sắc trở lại nhờ chiến lược tiêm chủng vắc-xin Covid-19 được thực hiện đồng loạt trên toàn thế giới, thương mại hàng hóa toàn cầu hồi phục nhanh.

Sự phục hồi của các nền kinh tế như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… là các thị trường chính của ngành gỗ Việt chính là yếu tố thúc đẩy mạnh sự tăng trưởng của ngành trong những tháng đầu năm. Mỹ, gia tăng nhu cầu nhà ở, theo Hiệp hội môi giới bất động sản quốc gia, doanh số bán nhà ở tăng 23% so với 6 tháng năm 2020. Thị trường Nhật Bản, chính phủ dự báo nền kinh tế phục hồi và đạt mức tăng trưởng 3,7% trong năm 2021.

Việc tận dụng cơ hội này của Việt Nam trong việc giành được các đơn hàng lớn để phục hồi sản xuất trong nước trong bối cảnh dịch bệnh trong thời gian tới là hết sức quan trọng. Do đó, một số quy định về phòng chống dịch bệnh cần phải được điều chỉnh, sửa đổi để đảm bảo mục tiêu vừa duy trì sản xuất cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng cho người lao động và cộng đồng.

Cùng với việc điều kiện nhanh nhất và đảm bảo nhu cầu tiêm vắc-xin cho công nhân ngành gỗ, trước tiên ưu tiên 100% cho lao động vùng dịch và các nhà máy đang thực hiện sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ”. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần có phương án thống nhất cả trong sản xuất lưu thông để đảm bảo chuỗi sản xuất, cũng như xuất nhập khẩu thuận lợi, nhất là trong giai đoạn những tháng cuối năm, vì đây là thời điểm nóng nhất của nhiều ngành hàng trong đó có ngành Gỗ.

Cao Cẩm (Gỗ Việt, Số 136)