Nhân lực ngành gỗ: Đột phá trong năm 2020

03/10/2020 11:34
Nhân lực ngành gỗ: Đột phá trong năm 2020

Dịch Covid-19 đã tạo ra một tác động không thể lường trước được với ngành công nghiệp gỗ Việt Nam, không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà còn ở khía cạnh nguồn nhân lực, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động và thu hẹp qui mô sản xuất. Nhưng để vực dậy ngành gỗ, nhân lực vẫn là một trong những yếu tố quan trọng trong tiến trình này.

Khi cả thế giới vẫn đang gặp trục trặc với Covid-19, những thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản hay Hàn Quốc vẫn đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan và chưa thể dự báo được chính xác điều gì sẽ xảy ra thì ngành gỗ Việt Nam vẫn chịu tác động không nhỏ.

Nhưng khi hàng nghìn lao động bị mất việc và hàng nghìn lao động khác trở về từ các nước có trình độ phát triển cao, rõ ràng đặt ra một chủ đề mà ngành gỗ cần giải đáp thỏa đáng, làm sao có thể tận dụng được hết chất xám từ nguồn lao động trở về mà vẫn không lãng phí nguồn lao động tại chỗ và có kinh nghiệm sản xuất. 

Đồng thời, nâng cao chất lượng cho lao động khi ngành gỗ đang cần nguồn nhân lực cao để đáp ứng được những mục tiêu mới về giá trị xuất khẩu, tạo ra thương hiệu gỗ mạnh và biến Việt Nam trở thành một trung tâm mới của ngành công nghiệp gỗ thế giới. Trong đó, công nghệ cao bắt buộc các dây chuyền sản xuất sẽ tự động hoá, điều khiển số và áp dụng trí tuệ nhân tạo và đương nhiên sẽ đòi hỏi nhân lực phải có trình độ cao.

Nguồn nhân lực ở đây không chỉ là cần công nhân có trình độ cao, có khả năng làm việc trên những dây chuyền sản xuất hiện đại và có sự hiểu biết cao về sản phẩm và cách thức sản xuất nó, mà nó còn là nguồn nhân lực ở khía cạnh quản lý, những người có thể định hướng và vạch ra lộ trình phát triển ở mỗi doanh nghiệp, là những nhà thiết kế có sức sáng tạo, có khả năng tạo ra những sản phẩm độc đáo, có giá trị, để từ đó tạo ra thương hiệu riêng cho doanh nghiệp, trước khi tiến tới tạo thương hiệu cho ngành gỗ Việt Nam.

Các con số thống kê cho thấy, ngành gỗ đang thiếu các nhà thiết kế chuyên sâu các sản phẩm gỗ, khi chỉ chiếm 1 đến 2%, một con số quá bé nhỏ để tạo ra sự thúc đẩy và sức sáng tạo cho ngành gỗ. Bên cạnh đó, chỉ có 30% lao động được đào tạo bài bản còn lại là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, nên năng suất lao động của ngành gỗ thấp, chỉ bằng chỉ bằng 50% so với Philipines, 40% Trung Quốc và 20% Liên minh châu Âu (EU).

 

Nguồn nhân lực cao trong thiết kế, định vị sản phẩm và tạo ra xu hướng hoặc có khả năng dẫn dắt thị trường cũng như thuyết phục người tiêu dùng trong nước và trên thế giới chính là một trong những yếu tố cần thiết để đưa ngành gỗ vượt qua được giai đoạn khó khăn này, khi cả thế giới bị chi phối vì dịch Covid-19 và có lẽ xu hướng tiêu dùng và kinh doanh sẽ thay đổi một cách căn bản.

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng tổng cục lâm nghiệp, để đạt mục tiêu xuất khẩu 20 tỉ USD vào năm 2020, tỉ lệ nhân lực qua đào tạo cần chiếm khoảng 50% tổng số lao động của ngành. Hiện tại ngành gỗ cần khoảng trên 500.000 người lao động trong ngành và hơn 1 triệu người phụ thuộc vào ngành. Với mục tiêu 20 tỉ USD thì dự kiến năm 2025 ngành sẽ cần khoảng 106.800 người có trình độ đại học trở lên và có trên 445.200 công nhân kỹ thuật cao ngành gỗ. 

Trong khi đó, Giáo sư Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, đào tạo nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy ngành gỗ phát triển và hoàn thành mục tiêu mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra là mục tiêu lớn trong thời gian tới. 

 

Quang Huy  (Gỗ Việt số 126, tháng 9/2020)