Khi làng nghề online

28/06/2020 11:14
Khi làng nghề online

Là một trong những thành phần chịu tác động nhiều nhất của dịch Covid-19, các làng nghề gỗ truyền thống dĩ nhiên gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian vừa qua khi hoạt động sản xuất phần lớn sụt giảm tới 80%, nhưng trong tình trạng tệ nhất thì cũng chính làng nghề cũng là nơi tự thích ứng và xoay xở nhanh nhất. Ông Nguyễn Phi Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Bách Việt, đơn vị chuyên sản xuất giường, tủ, bàn ghế cho thị trường nội địa thuộc làng nghề gỗ Liên Hà, huyện Đan Phượng cho biết: “Đơn hàng bị ảnh hưởng nhiều so với trước khi dịch xảy ra… do dịch các cửa hàng đóng cửa và lệnh của Thủ tướng về cách ly xã hội”.

 

Trong khi Đồng Kỵ, một trong những làng nghề gỗ truyền thống nổi tiếng nhất của cả nước với các loại sản phẩm như bàn, ghế, giường, tủ… được làm bằng gỗ tự nhiên cũng lao đao không kém khi các hoạt động sản xuất và kinh doanh bị đình trệ. Theo ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Đồng Kỵ, người cũng là chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ gia đình thì, hoạt động sản xuất của các hộ tại địa bàn sụt giảm so với thời điểm trước dịch nên tác động trực tiếp đến nguồn thu của các hộ. Trước dịch, bình quân mỗi tháng mỗi hộ sản xuất thu khoảng 1 tỷ đồng, hiện tại nguồn thu mỗi tháng chỉ còn khoảng 200 triệu. 

Giảm mạnh quy mô sản xuất cũng thấy ở các làng nghề khác, bao gồm cả làng nghề Hữu Bằng, huyện Thạch Thất của Hà Nội. Trước dịch, có khoảng trên 2.500 hộ tại Hữu Bằng tham gia vào sản xuất đồ gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước. Nhưng hiện tại, theo ông Nguyễn Duy Khiêm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát hoạt động sản xuất kinh doanh tại Hữu Bằng bắt đầu hoạt động nhiều hơn so với hai tháng qua. Chúng ta biết rằng, chỉ có hai lựa chọn trong đại dịch, đó là tìm giải pháp để tồn tại và chuẩn bị các bước tiếp theo để khi nào bệnh dịch qua đỉnh thì tăng tốc trở lại vị trí trước dịch. Hai là đóng cửa và phá sản. Tất nhiên, không một hộ gia đình hay doanh nghiệp nào muốn lựa chọn phương án thứ hai.

Chuyển đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang trực tuyến là phương thức đầu tiên được tính tới tại các làng nghề. Như Hiệp hội gỗ Đồng Kỵ từ trong tâm dịch Covid-19 ở Việt Nam đã thành lập nhóm thương mại trên zalo, viber và facebook, bao gồm các hộ gia đình sản xuất, hộ chuyên làm thương mại và hộ cung cấp nguyên liệu đầu vào, với ít nhất 179 thành viên tham gia vào các nhóm bán hàng này. Các thành viên trong nhóm thường xuyên chia sẻ các mặt hàng mà hộ mình làm ra, chào giá bán trên nhóm và nhờ các thành viên trong nhóm kết nối với người mua có nhu cầu. Sáng kiến thành nhập nhóm và bán hàng qua mạng cũng xuất hiện tại làng nghề Hữu Bằng. Theo ông Nguyễn Duy Khiêm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát tại Hữu Bằng, Công ty hiện tại hoạt động chủ yếu theo phương thức bán hàng online, qua zalo, viber và sản xuất theo các đơn đặt hàng theo các kênh đặt hàng trên các nhóm này. 

Bán hàng online không chỉ được các công ty lớn hay các chuyên gia đầu ngành phát kiến ra, mà ngay trong lòng những đơn vị sản xuất nhỏ nhất của ngành gỗ nó là cầu nối giúp duy trì sự liên lạc giữa doanh nghiệp, hộ gia đình, làng nghề với thị trường và với người tiêu dùng. Thứ hai, một số cơ sở sản xuất chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, sản xuất các mặt hàng thay thế các mặt hàng trước đó được nhập khẩu tại thị trường nội địa. Việc đứt gãy các chuỗi cung, bao gồm cả các chuỗi cung nhập khẩu các mặt hàng gỗ từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc vào Việt Nam phục vụ tiêu dùng nội địa đã tạo ra khoảng trống về các mặt hàng này tại thị trường nội địa. Một số cơ sở sản xuất, bao gồm các hộ tại các làng nghề, nắm bắt cơ hội thị trường này, thực hiện chuyển đổi cơ cấu dòng sản phẩm của mình, nhằm sản xuất ra các sản phẩm lấp chỗ trống thị trường trong nước.

Một ví dụ điển hình là Công ty TNHH Hoàng Phát hiện nay đang nghiên cứu về các mặt hàng như cũi trẻ em, ghế ăn trẻ em… trước đó Việt Nam thường nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện Công ty đang có hướng chuyển đổi loại hình sản phẩm để sản xuất các sản phẩm này cung ứng cho thị trường nội địa. Ông Khiêm, Phó Giám đốc Công ty cho biết, các mặt hàng phụ vụ trong nước nhiều, và nhiều công ty đang xoay sang sản xuất các mặt hàng này để tạo công việc cho lao động, cũng như tìm hướng phát triển trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đại dịch cũng cho thấy, thị trường nội địa có độ ổn định và sức chống chịu tốt hơn so với thị trường xuất khẩu. Với dân số gần 97 triệu và tầng lớp trung lưu đông đảo và ngày càng phát triển, quy mô của thị trường nội địa không hề nhỏ. 

Trong khi các thị trường xuất khẩu hầu như đóng băng, thị trường nội địa vẫn đang tiếp tục hoạt động mặc dù có sự suy giảm mạnh về quy mô. Khoảng 20-30% các cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình tại các làng nghề gỗ như Đồng Kỵ và Hữu Bằng vẫn đang hoạt động. Trong khi các xưởng xẻ quy mô hộ gia đình tại các vùng gỗ nguyên liệu như Phú Thọ chuyên cung cấp phôi gỗ cho các nhà máy gỗ chế biến xuất khẩu đã có khoảng 50% các xưởng xẻ tại đây dừng hoạt động, 50% xưởng xẻ còn hoạt động cung gỗ nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất đồ gỗ phục vụ thị trường nội địa như cho các làng nghề tại Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội vẫn tiếp tục hoạt động. Bên cạnh đó, một số cơ sở quy mô nhỏ tại các làng nghề như Hữu Bằng đang chuyển sang các dòng sản phẩm tiêu thụ nội địa mà trước đó được nhập khẩu. 

Phát triển thị trường nội địa đang đóng vai trò dẫn dắt tại các làng nghề, khi các chính sách của Chính phủ về các dự án nhà ở xã hội và các gói tài chính khác sẽ tạo ra sự khuyến khích và sức sản xuất cho các làng nghề truyền thống, hình thành liên kết và chuỗi cung nội địa nhằm phục vụ phân khúc thị trường mua sắm công - một phân khúc không hề nhỏ. Liên kết này sẽ thành công sẽ tạo ra cơ hội cho sự lan tỏa sang các phân khúc thị trường khác trong thị trường nội địa. 

MẠNH HÙNG - GV 123