Ngành gỗ: Trợ lực để ngành gỗ tăng tốc hậu dịch Covid- 19
Lâu nay, ngành gỗ luôn tự hào về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt từ 10- 20%/năm, dịch Covid- 19 khiến nguồn cung đứt gãy và lần đầu tiên trong lịch sử ngành gỗ đối diện với mức tăng trưởng 0%. Không chỉ ngồi đợi dịch Covid- 19 qua để bắt lại nhịp kinh doanh cũ, đây còn là thời điểm để ngành gỗ, doanh nghiệp trong ngành nhìn lại để bước xa hơn. Và sự trợ lực từ Chính phủ là hết sức cần thiết.
Kinh doanh online hay offline?
Ông Điền Quang Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương (BIFA) - Tổng Giám đốc Công ty Minh Phát 2 (MIFACO)- đánh giá, cần nhìn nhận dịch Covid- 19 ở nhiều góc cạnh trong nguy có an và trong họa có phúc. Bởi lẽ, chỉ khi Covid- 19 xảy ra, ngành gỗ mới nhìn nhận lại chính mình và mới thấy mình “chưa khỏe”.
Ông Hiệp cho hay, trước khi Covid- 19 xảy ra ngành chế biến gỗ là ngành vô cùng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng 10- 20%/năm, và được đánh giá là một trong những ngành rất mạnh của nền kinh tế của Việt Nam, mang lại lượng ngoại tệ rất lớn khi liên tục xuất siêu trong thời gian vừa qua.
Khi hệ thống bán hàng theo mô hình thông thường truyền thống (offline) bị ảnh hưởng dữ dội thì mới lộ diện ra điểm yếu nhất của các doanh nghiệp ngành gỗ là chưa tận dụng được hệ thống bán hàng online. Đây là hình thức được ông Hiệp đánh giá là“dù nhìn không thấy” nhưng lại rất hiệu quả và đang phát triển với tốc độ rất nhanh trên toàn cầu.
Hiện tại BIFA đang hợp tác với 2 công ty thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu Amazon và Alibaba trong việc chuyển đổi hình thức bán hàng. Cụ thể, hai đối tác này đang tiến hành các hoạt động đào tạo cho một số công ty thành viên của BIFA và kỳ vọng trong tương lai các bên sẽ phối hợp để hình thành kênh thương mại online.
Tuy nhiên, theo ông, việc bắt kịp nhanh hay chậm tùy thuộc vào định hướng kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, họ có thực sự thấy được tính hiệu quả của mô hình kinh doanh này và thực sự mong muốn online trở thành môi trường để họ kinh doanh hiệu quả hay không? Theo nhận định của ông Hiệp thì hiện nhiều doanh nghiệp vẫn có tâm lý đợi dịch đi qua và tiếp tục phương thức kinh doanh truyền thống.“Đây là một trong những tư tưởng tôi cho là rất nguy hiểm ở thời điểm hiện nay. Trong khi kinh doanh online đã có những nền tảng sẵn sàng. Cần chạy song song cả online và offline”, ông Hiệp khuyến nghị.
Lâu nay, phần lớn các doanh nghiệp mới định hướng bán hàng xỉ. Các doanh nghiệp càng lớn lại càng có xu hướng quản lý không quá nhiều mà tập trung vào những người mua hàng rất lớn phù hợp với mô hình sản xuất của mình. Và những người mua hàng lớn họ cũng tìm đến những nhà sản xuất lớn để có đủ khả năng cung ứng cho họ. Tuy nhiên, theo ông Hiệp, các doanh nghiệp cần nhìn nhận lại vấn đề này. Cần nhìn thị trường là thị trường toàn cầu với khoảng 7 tỷ người- đây là những khách hàng mua cuối cùng chứ không còn là khách hàng trung gian như hiện nay.“Trong kinh doanh, yếu tố quan trọng nhất là có thị trường, và kinh doanh online sẽ giúp giải bài toán thị trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”, ông Hiệp nói.
Chuyển đổi phương thức bán hàng sang hình thức online cũng đòi hỏi một nền tảng công nghệ phát triển, cho phép các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi. Ông Hiệp kiến nghị, Chính phủ cần cung cấp nguồn lực để hỗ trợ xây dựng nền tảng công nghệ này. Đây cần được coi là cơ sở hạ tầng cần ưu tiên phát triển nhằm thúc đẩy mở rộng thương mại. Bên cạnh đó, Chính phủ và các Hiệp hội cũng cần đẩy mạnh khâu truyền thông nhằm chỉ ra xu hướng thương mại online này cho các doanh nghiệp trong ngành, từ đó giúp cho các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động thay đổi cần thiết, nhằm đáp ứng với các yêu cầu mới.
Liên kết chuỗi hay liên kết mạng lưới?
Tuy nhiên, kinh doanh online hay offline mới là một nửa vấn đề, đối với các doanh nghiệp vấn đề ở đây còn là sản xuất và liên kết. Ông Hiệp cho rằng, thay vì liên kết chuỗi ngành gỗ đã đến lúc phải chuyển sang liên kết mạng lưới.
Phân tích kỹ hơn vấn đề này, ông Hiệp cho hay, lâu nay chúng ta mới nói đến liên kết chuỗi. Theo đó, một đơn vị sản xuất cần đầu vào là nguyên vật liệu và các loại nguyên phục kiện. Sau đó, họ cần bán hàng đi thì cần thông qua các công ty thương mại. Tuy nhiên, lâu nay, liên kết chuỗi mới hình thành mang tính chất kỹ thuật, không phải là các liên kết thực sự bền vững từ bên trong. Điều này dẫn đến tình trạng liên kết không chặt chẽ, làm tăng chi phí vận chuyển và các chi phí khác như: đảm bảo chất lượng, vật liệu mới, mẫu mã mới… do các doanh nghiệp không chủ động.
Ông Hiệp cho rằng, đã đến lúc cần phải chuyển sang khái niệm liên kết mạng lưới. Tại đây, các doanh nghiệp sản xuất đầu vào và đầu ra sẽ gắn bó và cộng hưởng với nhau từ đó hình thành chuỗi chặt chẽ và sử dụng nguồn lực của nhau. Tuy nhiên, để làm được việc này, cần sự hỗ trợ của nhà nước trong việc tạo cơ chế hỗ trợ đất đai, chính sách nhằm xây dựng hình thành các khu công nghiệp tập trung chuyên ngành.
Sản xuất tủ bếp tại Công ty Fusion VN Bắc Ninh
Khi đó, các doanh nghiệp trong cùng một ngành, các chuỗi cung ứng sẽ cùng tập trung tại một chỗ, việc này giúp giảm chi phí vận chuyển, chi phí logistics. Tại đây, doanh nghiệp sản xuất chỉ cần lên một kế hoạch sản xuất, các công việc tiếp theo như cung ứng nguyên vật liệu các doanh nghiệp liên kết cứ theo kế hoạch đó để làm. Doanh nghiệp cũng không cần phải mua trước nguyên vật liệu về để trong kho. Khi các doanh nghiệp cùng ở khu công nghiệp chuyên ngành tập trung cũng có thể trao đổi được với nhau để từ đó thấy được nhu cầu thật sự, sáng tạo, phát minh và cho ra những sản phẩm mới. Việc này còn có thể giải quyết được cả vấn đề môi trường, nâng cao năng suất lao động.“Cùng với việc hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nền tảng số, nhà nước cần nhìn nhận việc xây dựng các khu công nghiệp chuyên ngành tập trung như là một cơ hội để doanh nghiệp các ngành nói chung và doanh nghiệp ngành gỗ nói riêng phát triển hậu dịch Covid- 19 để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp”, ông Hiệp nói.
Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – nhận định, dịch bệnh sẽ qua nhưng chắc chắn sự vận hành của ngành không thể duy trì theo cách trước khi dịch xảy ra. Ngành cần có những thay đổi căn bản để phát triển bền vững. Các thay đổi căn bản này liên quan tới việc xác định các dòng sản phẩm và thị trường chiến lược, hình thành và phát triển các liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, thay đổi phương thức bán hàng truyền thống và phát triển thị trường nội địa. Thực hiện các thay đổi này đòi hỏi cần có sự ưu tiên và tập trung nguồn lực từ cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Nguyễn Hạnh – Gỗ Việt số 122, tháng 5/2020
- Doanh nghiệp Việt trong cuộc chiến duy trì tăng trưởng: Nuôi dưỡng ý chí, quật khởi ngày trở lại
- Đón cơ hội từ nguồn nguyên liệu châu Âu
- EVFTA: Coi trọng bản sắc sản phẩm gỗ Việt Nam
- Chuyển đổi kỹ thuật số trong ngành gỗ: Nhanh tay bắt cơ hội
- Triển vọng thị trường gỗ xẻ toàn cầu năm 2020
- Ngành gỗ năm 2020: Phát triển chuỗi giá trị, tạo sức bền vững cho ngành gỗ
- Gỗ sạch cho năm 2020: Vì một ngành gỗ bền vững
- Gỗ Việt với luồng đỏ: Cần giải pháp kiểm soát xuất xứ tốt hơn
- TẠO KÊNH THÔNG TIN ĐỂ KIỂM SOÁT RỦI RO
- Nguồn vốn FDI trong ngành gỗ: Đón nguồn vốn với sự thận trọng
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu