Sản phẩm mới, sức sống mới

01/07/2020 07:54
Sản phẩm mới, sức sống mới

Xây dựng chiến lược sản phẩm mới đang trở thành một trong những yêu cầu cấp thiết của ngành gỗ để quá trình phục hồi giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu trong thời gian tới.

 

Các chuyên gia trong ngành gỗ đều có chung nhận định, dịch Covid-19 dù tác động tiêu cực nhưng đã giúp những nhà quản lý ở mọi cấp độ có cái nhìn thực tế và chất lượng hơn vào sự phát triển chiến lược cũng như sự phát triển bền vững của ngành thời điểm này.

Chúng ta đã không có định vị tốt nhất về sản phẩm và có thể nói bỏ lỡ nhiều cơ hội để tăng giá trị xuất khẩu suốt thời gian qua, khi cơ cấu sản phẩm không có sự hợp lý, chỉ tập trung vào sản xuất các sản phẩm không có nhu cầu lớn và không có giá trị gia tăng trong tương lai.

Xây dựng chiến lược sản phẩm hoặc đơn giản hơn để phục hồi sản xuất, doanh nghiệp cần chuyển đổi cơ cấu dòng sản phẩm theo nhu cầu của cả thị trường quốc tế lẫn trong nước. Cần nhớ, nhóm nhóm đồ gỗ phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm hiện đang chiếm khoảng 60% trong tổng cầu của tất cả các loại đồ gỗ trên toàn thế giới. Đây là dòng sản phẩm chiến lược có thể khai thác trong thời gian tới và nó giúp các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu có được sự ổn định và không lo sự biến động nào đó bất kì.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam khi mà thế giới bắt đầu xác định việc sống chung với đại dịch là hiển nhiên, là sự vận hành của một xã hội bình thường mới, cùng những nhu cầu bình thường mới về tiêu dùng thì các dòng sản phẩm dùng cho sân vườn gia đình (Pos chair, stacking chair, bench v.v…), dòng sản phẩm dùng cho nhà bếp, phòng tắm, phòng ngủ (chiếm 60% đồ gỗ cho gia đình người Mỹ) được ưu tiên số 1 và cũng là sản phẩm có nhu cầu cực lớn trên thế giới.

Thực tế là các doanh nghiệp Việt Nam trụ vững được suốt thời gian qua là nhờ những đơn hàng như vậy, bên cạnh sự linh hoạt trong việc nắm bắt thị trường trong tâm dịch Covid-19. Thời gian sắp tới, như các chuyên gia nội thất Mỹ dự báo, nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ và phần lớn các nước phương Tây sẽ lần hồi trở lại vào tháng 6 hoặc tháng 7, khi các nước xác định sống chung với dịch bệnh, cũng như nới lỏng các biện pháp cách ly.

Đồng thời, nhiều chuyên gia đánh giá, người dân thế giới sẽ có xu hướng ở lại nhà nhiều hơn trong thời gian này, ít nhất là tới cuối năm 2020, vì vậy, những dòng sản phẩm cho gia đình được cho là có cơ hội phát triển khá cao.

Theo nghiên cứu và phân tích, trong 5 tháng đầu năm nay, mặc dù là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19, nhưng Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, khi đạt giá trị 2,01 tỉ USD, chiếm 49 % tổng giá trị xuất khẩu, tăng 9,52% so với cùng kỳ năm trước. Còn thị trường  Hàn Quốc trong 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu đạt 344,94 triệu USD, riêng tháng 5 đạt 77,71 triệu USD, tăng 3,62% so với tháng trước đó. Trong khi thị trường Nhật Bản, có giá trị xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 552,76 triệu USD, chiếm 13% tổng giá trị xuất khẩu.

Rõ ràng là chúng ta đã chào hàng vào các thị trường khống chế dịch tốt hoặc đang hoặc vẫn mở cửa thị trường như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Trung Quốc, Mỹ, v.v…). Đây cũng là những thị trường lớn tiêu thụ đồ gỗ của Việt Nam cho cả trước mắt và lâu dài cho ngành chế biến gỗ Việt Nam. 

Đối với thị trường nội địa, theo ông Đỗ Xuân Lập không có thời cơ nào tốt hơn việc chiếm lĩnh thị trường nội địa vào lúc này, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất, phát triển mẫu mã chiếm lĩnh thị trường trong nước. chuỗi cung ứng đứt gãy mang lại cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước do vậy các nhà máy với khả năng sẳn có liên kết với chuỗi cung ứng trong nước cũng là tiền đề thay đổi văn hóa tiêu dùng, thích dùng gỗ rừng tự nhiên chuyển sang gỗ công nghiệp với nhiều kiểu dáng đa dạng và phong cách mới.

Đồng tình với nhận định này, ông Huỳnh Văn Hạnh, phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thị trường nội địa với 97 triệu dân với giá trị 4 tỉ USD sẽ mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp chế biến gỗ. Chúng ta cần phải tận dụng và chiếm lại nhóm sản phẩm chiến lược như đồ gỗ nội thất, đồ tủ bếp hay sản phẩm gỗ ngoài trời từ các doanh nghiệp nước ngoài, những nước đang chịu ảnh hưởng lớn vì Covid-19 và chưa thể phục hồi sản xuất như mong đợi, hoặc sẽ chậm chân hơn các doanh nghiệp Việt Nam thời điểm này.

Lợi thế về sự hiểu biết xu hướng tiêu dùng, thói quen mua sắm, và quan trọng hơn là chúng ta đang bắt đầu tái cơ cấu doanh nghiệp, định hướng sản phẩm và thị trường sẽ giúp các doanh nghiệp đạt được mục tiêu đặt ra.

Nam Anh – Gỗ Việt số 123, tháng 6/2020