Nhập khẩu gỗ nguyên liệu giảm nhẹ trong tháng 8 năm 2021
Tháng 8 năm 2021, ước tính nhập khẩu gỗ nguyên liệu giảm nhẹ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhập khẩu gỗ nguyên liệu giảm nhẹ
Theo số liệu tính toán từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam tháng 8/2021 ước đạt 569,1 nghìn m³, trị giá 201,4 triệu USD, giảm 4,3% về lượng và giảm 4,5% về trị giá so với tháng 7/2021; so với tháng 8/2020 tăng 2,3% về lượng và tăng 22,2% về trị giá. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu gỗ nguyên liệu ước đạt 4,73 triệu m³, trị giá 1,55 tỷ USD, tăng 27,2% về lượng và tăng 37,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tuần từ ngày 17/8/2021 đến 24/8/2021, Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các thị trường trên thế giới đạt 48,4 triệu USD, giảm 36,3% so với tuần trước. Nhập khẩu gỗ nguyên liệu giảm mạnh trong tuần qua là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến một số doanh nghiệp phải tạm thời cắt giảm quy mô sản xuất, cùng với đó tình trạng thiếu lực lượng công nhân bốc xếp, dỡ hàng hóa tại cảng và việc lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng do một số tỉnh thực hiện Chỉ thị 16. Trong đó, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ một số thị trường giảm so với tuần trước như: từ Trung Quốc giảm 61,3%; Hồng Kông giảm 48,6%; Mỹ giảm 8,2%; Brazil giảm 49,4%; Lào giảm 54,5%; Đài Loan giảm 51,5%; Pháp giảm 26,0%... Trái lại, nhập khẩu mặt hàng này từ một số thị trường tăng so với tuần trước như: từ Đức tăng 29,8%; Thái Lan tăng 59,5%; UAE tăng 164,5%; Lebanon tăng 4,5%; Đảo British Virgin tăng 218,8%;...
Trong 2 tháng đầu quý III/2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm do ảnh hưởng của dịch Covid -19 bùng phát lần thứ 4, khiến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Điều này dẫn tới nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng cao, đóng cửa nhà máy vì giãn cách xã hội… có thể ảnh hưởng tiêu cực xuất khẩu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về dài hạn, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng.
Nhập khẩu gỗ nguyên liệu có xu hướng giảm nhẹ trong tháng 8/2021
Chủ động từ nguồn cung trong nước
Việt Nam là thị trường xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 3 trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng bình quân trong xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam rất cao là 25,4%, trị giá xuất khẩu bình quân đạt 5,64 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2015 – 2020. Đáng chú ý, tỷ trọng xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam tăng gần gấp 3 lần trong giai đoạn năm 2015-2020, từ 5,8% trong năm 2015 tới 14,5% trong năm 2020.
Vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam khai thác, đặc biệt là việc tận dụng hiệu quả ưu đãi lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, UKVFTA….
Để chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tăng mạnh, mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 84/NQ- CP ngày 5/8/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản. Đồng thời, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng và diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp.
Chương trình đặt mục tiêu cụ thể là bảo vệ và phát triển bền vững đối với toàn bộ diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021-2025; quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc khoảng 42%; tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng…
Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng 7/2021 ước tính đạt 13,1 nghìn ha, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước đạt 123,6 nghìn ha, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 51,9 triệu cây, tăng 1,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt 9.495,6 nghìn m3, tăng 5,5%; sản lượng củi khai thác đạt 11,4 triệu ste, giảm 0,3%.
Trong tháng 7/2021, cả nước có 418,5 ha rừng bị thiệt hại, trong đó diện tích rừng bị cháy là 330,6 ha, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng bị chặt, phá là 87, ha, giảm 5,8%. Tính chung 7 tháng năm 2021, cả nước có 1.398,3 ha rừng bị thiệt hại, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm diện tích rừng bị cháy là 629,3 ha, tăng 40,5%; diện tích rừng bị chặt, phá là 76 ha, tăng 43,8%.
Với nguồn cung gỗ trong nước đang dần đáp ứng nhu cầu, dự báo, nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam trong các tháng cuối năm sẽ tăng chậm lại.
Gỗ Việt
- Gia hạn thời hạn ban hành quyết định đối với yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bàn văn phòng và ghế có xuất xứ từ Trung Quốc và Ma-lai-xi-a
- Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 2 cho Australia
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh trong nửa đầu tháng 8/2021
- Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu xuất khẩu đồ nội thất đạt 10 tỷ USD vào năm 2023
- VIFOREST gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp
- Luật Lâm nghiệp sửa đổi của Trung Quốc: Thúc đẩy nỗ lực chống khai thác gỗ bất hợp pháp
- Nửa đầu năm 2021 xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp tăng 67%
- Mỹ là thị trường cung nguyên liệu lớn thứ hai cho Việt Nam
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU tăng 37%
- Xuất khẩu viên nén nhiên liệu: Tránh bỏ trứng vào một giỏ