Xuất khẩu viên nén nhiên liệu: Tránh bỏ trứng vào một giỏ
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), dù được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ, tuy nhiên, việc ngành hàng viên nén nhiên liệu tập trung xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản khiến ngành hàng này rơi vào tình trạng bị ép giá và chưa bứt phá như kỳ vọng.
Xuất khẩu tăng liên tục trong gần 10 năm qua
Có thâm niên gia nhập cùng với ngành gỗ chưa đầy 10 năm, ngành hàng viên nén nhiên liệu của Việt Nam đã có những bước tăng trưởng ngoạn mục cả về lượng và giá trị xuất khẩu. Trong đó, năm 2018 được coi là năm phát triển bùng nổ của mặt hàng viên nén. Tính tới quý I/2021 mặt hàng này vẫn tiếp tục tăng mạnh cả về lượng và giá trị xuất khẩu.
Cụ thể, năm 2013, Việt Nam xuất khẩu 175,49 nghìn tấn, tương ứng với 22,98 triệu USD; năm 2014, con số này tăng lên 774,04 nghìn tấn, đạt 117,41 triệu USD tăng 341% về lượng và 411% về giá trị; năm 2015 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về mặt hàng này, xuất khẩu đạt trên 1,005 triệu tấn tăng 30% so với năm trước đó, nhưng lại giảm 11% về giá trị đạt 104,27 triệu USD; năm 2016 và năm 2017, giá trị và lượng xuất khẩu mặt hàng này tăng đều, đạt lần lượt 1,35 triệu tấn (2016) và 1,58 triệu tấn (2017) đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này lên khoảng 150 triệu USD/năm, chiếm trên 2% tổng giá trị xuất khẩu của cả ngành gỗ.
Đáng chú ý, năm 2018 được coi là năm phát triển bùng nổ của mặt hàng viên nén với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2,64 triệu tấn, đạt 362,16 triệu USD tăng 67% về lượng và 120% về giá trị so với năm trước đó, đưa mặt hàng này đạt 4,3% tổng giá trị xuất khẩu của ngành. Năm 2019, lượng xuất đạt 2,79 triệu tấn tăng nhẹ, 6% so với năm trước, nhưng lại giảm 14% về giá trị đạt 311,08 triệu USD, do giá xuất khẩu mặt hàng này giảm trên 25 USD/tấn so với năm trước. Năm 2020 lượng xuất 3,207 triệu tấn, tăng 15% so với năm trước, đạt 352,04 triệu USD tăng 13% về giá trị. Trong 3 tháng đầu năm 2021, lượng xuất đạt 0,81 triệu tấn, tương đương 90 triệu USD, tăng 18% về lượng và 23% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
"Số liệu từ ITC cho thấy, trong vòng 5 năm qua, giá trị tiêu thụ viên nén đã tăng từ 2,5 tỷ USD năm 2016 lên 4,35 tỷ USD vào năm 2020, tương đương với lượng viên nén xuất khẩu tăng từ 16,8 triệu tấn (2016) lên 28,7 triệu tấn (2020). Xu hướng tăng trưởng thị trường tiêu thụ viên nén tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong những năm tới khi Chính phủ Mỹ chính thức ủng hộ và trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. "
Tránh bỏ trứng vào một giỏ
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất mặt hàng viên nén nhiên liệu tại Quảng Ninh, ông Lê Thanh Tùng- Giám đốc Công ty TNHH Thanh Lâm - chia sẻ, hiện sản phẩm của doanh nghiệp được xuất khẩu thông qua bên thứ 3 với thị trường chủ yếu là Nhật Bản. Hiện công ty cũng đang xúc tiến xuất khẩu trực tiếp sang thị trường này. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên các đối tác không sang để làm việc trực tiếp cũng như kết nối hợp tác xuất khẩu. Đầu vào nguyên liệu cho sản xuất viên nén chủ yếu được doanh nghiệp này khai thác ở Quảng Ninh và khu vực miền núi phía Bắc. Có một chút lo lắng với nguồn cung đầu vào bởi đôi khi phải cạnh tranh với ngành dăm gỗ, tuy nhiên, theo ông Tùng, đây không phải là vấn đề quá lớn đối với ngành hàng này. Thị trường rất rộng mở, đầu vào không gặp khó khăn, doanh nghiệp cũng đang có những kế hoạch để mở rộng sản xuất. Bởi theo ông Tùng cho biết, hiện nhiều quốc gia quan tâm đến Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, ngành sản xuất viên nén tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những năm tới.
Ngành hàng viên nén nhiên liệu không chỉ toàn màu sáng. Theo các chuyên gia, nhu cầu viên nén có chứng chỉ rừng (FSC, PEFC) ngày càng có nhu cầu cao hơn, tuy nhiên, dư lượng gỗ sau chế biến làm nguyên liệu đầu vào cho viên nén chưa đảm bảo nguồn cung lớn và thường xuyên, ảnh hưởng tới ký kết đơn hàng. Mặt khác, việc giá cước vận chuyển đường bộ trong nước và cước phí đường biển tăng cao sẽ ảnh hưởng đến giá xuất khẩu của doanh nghiệp.
Khác với các mặt hàng khác, thị trường xuất khẩu viên nén của Việt Nam tập trung ở hai thị trường chủ lực là Hàn Quốc và Nhật Bản, chiếm tới 99% cả về lượng và giá trị, phần nhỏ còn lại thuộc về các thị trường như Đài Loan, Trung Quốc. Với 60% tổng lượng xuất khẩu tập trung vào thị trường Hàn Quốc, do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước dễ bị đối tác ép giá. Số liệu phân tích từ nguồn Hải quan cho thấy, giá xuất khẩu viên nén sang thị trường Hàn Quốc có sự biến động mạnh theo tháng, trung bình ở mức 98-99 USD/ tấn. Có thời điểm mức giá xuất khẩu sang thị trường xuống thấp này chỉ đạt 77 USD/tấn, nhưng có thời điểm mức giá xuất đạt 144 USD/tấn.
Đối với thị trường Nhật Bản, chiếm khoảng 36-38% trong tổng lượng và giá trị xuất khẩu viên nén của Việt Nam. Mức giá xuất trung bình mặt hàng này duy trì ổn định ở mức 131 USD/tấn. Có thời điểm mức giá trung bình đạt 143 USD/tấn vào tháng 3/2019. Mặt khác, tiềm lực của các doanh nghiệp sản xuất viên nén nhiên liệu của Việt Nam không lớn, chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Hơn nữa, việc các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang quá phụ thuộc vào thị trường Hàn Quốc như kiểu “bỏ trứng vào một giỏ” nên khi thị trường này ngừng mua, sản xuất và tiêu thụ sẽ bị ứ đọng.
Tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu cho viên nén ngoài Hàn Quốc.
Thị trường tiềm năng nhất có thể mở rộng là Nhật Bản, Vương quốc Anh và EU. Bởi các thị trường này ngày càng chú trọng hơn tới việc sử dụng nguồn nhiên liệu sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường. Năm 2020, các nước tiêu thụ viên nén chính trên thế giới đã chi gần 4,55 tỉ USD để nhập khẩu 25,85 triệu tấn viên nén, tăng 4% về giá trị và 5% về lượng so với năm 2019. Theo VIFOREST, nhu cầu về viên nén trên thế giới được dự báo ngày càng tăng. Hiện nay Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ sản phẩm này nhiều nhất nhưng từ năm 2023, Nhật Bản sẽ vươn lên dẫn đầu về lượng tiêu thụ. Việt Nam có điều kiện về nguồn nguyên liệu sinh khối cũng như vị trí thuận lợi để vận chuyển sản phẩm đến các thị trường tiêu thụ lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc. VIFOREST khuyến nghị, thị trường Nhật Bản khắt khe về nhiều mặt nhưng việc chinh phục được những khách hàng khó tính nhất tại thị trường này sẽ mở đường vươn ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng đang là bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm này.
Hà Anh (Gỗ Việt số 134, tháng 06/2021)
- Bảo vệ giá trị sản xuất từ Vaccine
- Dự báo nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ thị trường Mỹ trong thời gian tới sẽ tăng
- Châu Âu chiếm 75% nhu cầu viên gỗ toàn cầu
- Xuất khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn tăng mạnh
- Nhập khẩu gỗ từ châu Phi tiếp tục tăng trong quý I/2021
- Bất động sản, hay là câu chuyện về sự phát triển ngành gỗ
- Mỹ áp thuế bán phá giá 668,38% đối với sản phẩm nệm của Việt Nam
- Nhập khẩu bộ phận mặt hàng tủ bếp cần kiểm soát chặt
- Canada áp thuế bán phá giá và trợ cấp với sản phẩm ghế ngồi bọc nệm của Việt Nam và Trung Quốc từ ngày 5/5/2021
- Hi vọng mới, áp lực cũ