Luật Lâm nghiệp sửa đổi của Trung Quốc: Thúc đẩy nỗ lực chống khai thác gỗ bất hợp pháp

27/07/2021 05:12
Luật Lâm nghiệp sửa đổi của Trung Quốc: Thúc đẩy nỗ lực chống khai thác gỗ bất hợp pháp

Vào ngày 28/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Trung Quốc lần đầu tiên đã sửa đổi Luật Lâm nghiệp của nước này, bao gồm cả nội dung cấm các công ty và nhà đầu tư Trung Quốc buôn bán gỗ bất hợp pháp. Những người ủng hộ môi trường nói rằng sự thay đổi này là đáng kể và hy vọng đó là tín hiệu cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng trấn áp hoạt động buôn bán gỗ khai thác bất hợp pháp.

Các nội dung sửa đổi là những thay đổi đầu tiên được thực hiện đối với Luật Lâm nghiệp của Trung Quốc trong hơn 20 năm qua. Nếu các quy định mới được thực thi một cách hiệu quả, chúng sẽ có thể thúc đẩy các nỗ lực quốc tế nhằm hạn chế việc buôn bán gỗ tròn khai thác bất hợp pháp, được ước tính trị giá lên tới 150 tỷ USD mỗi năm.

Theo phân tích của Global Witness năm 2019, đơn vị chuyên giám sát các hoạt động buôn bán tài nguyên thiên nhiên bất hợp pháp, 80% lượng gỗ nhiệt đới nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2018 đến từ 10 quốc gia có chỉ số quản trị và trách nhiệm giải trình yếu kém. Các quốc gia này bao gồm Papua New Guinea, Nigeria, Guinea Xích Đạo, và các quốc gia khác.

Buôn bán gỗ tròn bất hợp pháp là một trong những hoạt động phạm tội béo bở nhất trên trái đất, theo ước tính của INTERPOL, việc làm này chiếm từ 15 - 30% tổng thị trường sản phẩm gỗ. Các quan chức nhà nước ở các quốc gia có rừng mưa nhiệt đới có thể thu được lợi ích tài chính khổng lồ từ hoạt động thương mại, làm tồi tệ thêm tình trạng tham nhũng ở các chính phủ vốn đã mỏng manh và đe dọa việc quản lý bền vững những khu rừng đó.

Theo Ngân hàng Thế giới, hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp có thể gây thất thoát thuế toàn cầu lên tới 78 tỷ USD mỗi năm - khoản tiền có thể được các nước thu nhập thấp sử dụng để tài trợ cho nhiều hoạt động vì cộng đồng. Và khi nền kinh tế phát triển vượt bậc, các thị trường nhập khẩu gỗ lỏng lẻo ở Trung Quốc là một trong những động lực chính của việc sửa đổi này.

Lisa Handy - Cố vấn Chính sách Cấp cao của Cơ quan Điều tra Môi trường có trụ sở tại Washington, DC- cho biết: Đây có thể là sự thay đổi cuộc chơi lớn. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất về gỗ bao gồm cả hoạt động gỗ bất hợp pháp. Thực tế là nước này đã trở thành một quốc gia quan trọng tiến hành hoạt động nhập khẩu và chế biến gỗ như vậy đã giúp cho việc buôn bán phát triển mạnh mẽ.

Điều 65 của Luật sửa đổi hiện nay có nội dung “Không một đơn vị hoặc cá nhân nào được mua, chế biến hoặc vận chuyển gỗ mà họ biết rõ là đã bị đốn hạ một cách bất hợp pháp hay bừa bãi trong các khu vực rừng”. Các nội dung sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2020.

Nhưng các nhà phân tích cho hay rằng thử nghiệm thực sự về việc liệu Luật sửa đổi sẽ có ảnh hưởng thực tế đến thị trường hay không phụ thuộc vào cách nó được giải thích rõ ràng và thực thi như thế nào.

Allison Hoare- Nghiên cứu viên cấp cao tại Chatham House- cho biết: Việc đưa ra một phần luật tương đối dễ dàng nhưng phần khó hơn là đảm bảo nó được thực thi một cách hiệu quả.

Luật Lâm nghiệp sửa đổi được soạn thảo chủ yếu để điều chỉnh việc sử dụng rừng trong nước của Trung Quốc thay vì rừng của các đối tác thương mại của nước này ở nước ngoài. Nhưng một bài báo nhấn mạnh khả năng áp dụng của luật đối với các thị trường nhập khẩu của Trung Quốc đã được đăng gần đây lên trang web của Tổng cục Lâm nghiệp và Đồng cỏ Trung Quốc.

Các sửa đổi Luật của Trung Quốc dựa theo một loạt các biện pháp được thông qua ở Châu Âu và Hoa Kỳ trong những năm gần đây, áp dụng các hình phạt khắc nghiệt đối với các công ty bị phát hiện nhập khẩu gỗ tròn bất hợp pháp. Trong khi Trung Quốc tụt hậu so với các đối tác thương mại giàu có hơn trong việc thiết lập các cơ chế quản lý tương tự, các nhà phân tích cho rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc ngày càng có tâm lý muốn bắt kịp.

Gỗ Việt (Theo clientearth.org)