VIFOREST gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp

09/08/2021 06:14
VIFOREST gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp

Ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều khó khăn trong thực hiện “3 tại chỗ”

Theo VIFOREST, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã phải ngừng sản xuất, tổ chức sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ”, đàm phán hoãn/giãn thời gian giao hàng, hoặc phải chịu phạt để hủy đơn hàng.

Kết quả khảo sát nhanh tại thời điểm từ cuối tháng 7 đến ngày 3/8/2021 đối với 162 doanh nghiệp gỗ trên địa bàn các địa phương: TP Hồ Chí Minh; các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh, với tổng số lao động gần 68 nghìn người trước dịch cho thấy có 84/162 doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động, chiếm 52%; 78/162 doanh nghiệp duy trì sản xuất 3 tại chỗ, chiếm 48%; số lao động tạm nghỉ việc trên 44,1 nghìn người, chiếm  65%, chỉ có 35% lao động có làm việc và có 893 ca F0 ở 21 doanh nghiệp. Đối với 78 doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ, số lao động giảm gần 50% so với trước dịch (23.687/47.066 người).

Theo đánh giá của các Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, ở 3 trung tâm chế biến xuất khẩu gỗ lâm sản lớn nhất cả nước (Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh ) có khoảng 60% số doạnh nghiệp duy trì được sản xuất theo quy định “3 tại chỗ”, số còn lại (40%) phải ngừng sản xuất do không đáp ứng được quy định. Việc thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”  là chủ trương đúng đắn, để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, giữ một phần các đơn hàng và duy trì được thị trường.

Tuy nhiên, khi thực hiện, gặp một số khó khăn. Cụ thể, doanh nghiệp phải bỏ chi phí cho người lao động để test nhanh cách 3 ngày/lần và test PCR cách 7 ngày/lần. Theo phản ánh của doanh nghiệp, giá bộ test nhanh nhập về khoảng 100 ngàn đồng/bộ, nhưng giá test cho doanh nghiệp với hợp đồng từ 100 người trở lên ở mức 280 ngàn đồng/bộ, mức giá test ở phòng khám khi thực hiện test lẻ từ 300- 350 ngàn/bộ, ở tỉnh Đồng Nai chi phí xét nghiệm RT-PCR cho công nhân tăng cao từ khoảng 1,5 triệu đồng - 2 triệu đồng/người/lần test. Với quy mô hàng nghìn lao động thì doanh nghiệp đang phải chi phí dịch vụ xét nghiệm rất cao sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp. Ngoài ra, do lực lượng lao động nhiều, nên việc tập trung đông người để kiểm tra, test mẫu cũng làm tăng nguy cơ lây truyền nhiễm cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ nguồn lực khi dịch kéo dài 2 năm qua, nay khi thực hiện sản xuất 3 tại chỗ thì doanh nghiệp phải bố trí chỗ ăn ngủ, chi phí y tế, hậu cần tại chỗ … Do đó, chi phí đầu vào liên tục tăng cao; doanh nghiệp phải giảm công nhân sản xuất chỉ còn khoảng 20-40% tổng số lao động thực tế, nên công suất nhà máy sụt giảm, kéo theo doanh thu của doanh nghiệp cũng giảm mạnh, nếu duy trì sản xuất 3 tại chỗ kéo dài, có thể sẽ có nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, đóng cửa, thậm chí phá sản.

Khi thực hiện sản xuất 3 tại chỗ, doanh nghiệp không thể hoàn toàn cách ly với môi trường bên ngoài vì phải nhập nguyên liệu gỗ, vật tư phụ liệu, hóa chất, bao bì, các nhu yếu phẩm, vẫn phải thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu, ngân hàng, hải quan, cảng biển. Do vậy vẫn còn lỗ hỏng để lây nhiễm virus Covid-19 và doanh nghiệp vẫn có thể trở thành ổ dịch trong phương thức sản xuất này.

Về thực hiện trách nhiệm pháp lý trong việc phòng chống dịch, nhiều doanh cũng gây lo ngại khi quyết định triển khai thực hiện 3 tại chỗ tại nhà máy. Trong điều kiện bình thường nếu tình trạng xử lý y tế không quá tải thì việc doanh nghiệp liên hệ, xử lý các trường hợp cụ thể sẽ thuận lợi. Nhưng nếu dịch bệnh bùng phát nhanh, diễn biến phức tạp tại địa phương thì những doanh nghiệp, nhà máy có ca nhiễm F0 có thể sẽ gặp khó khăn trong việc liên hệ với các cơ quan chức năng để xử lý.

Do đặc điểm của doanh nghiệp chế biến gỗ có sự đa dạng về chủng loại nguyên vật liệu với hệ thống cung ứng ở nhiều tỉnh thành. Tuy nhiên, theo Văn bản số 4181 ngày 27/7/2021 của Bộ Công Thương quy định cho phép lưu thông các mặt thiết yếu đối với nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất bao gồm: “sắt, thép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi”. Quy định này có thể sẽ bị hiểu sai, gây khó khăn khi kiểm soát vận chuyển nguyên vật liệu ngành gỗ ở một số địa phương.

Ngành gỗ có gần 1 triệu lao động, trong đó có tới 90% ở độ tuổi lao động. Họ là trụ cột, là xương sống của từng doanh nghiệp ngành gỗ; nếu lực lượng này bị nhiễm Covid-19 sẽ kéo theo 1 loạt hệ lụy cho gia đình, doanh nghiệp. Nhưng tới thời điểm này, đội ngũ người lao động của ngành gỗ tại các địa phương được tiêm Vắc xin phòng dịch còn rất hạn chế. Qua phản ánh ở các địa phương, mới có khoảng từ 10-15% số lao động trong doanh nghiệp được tiêm vắc-xin.

Tình trạng thiếu container rỗng, chi phí thuê container và giá cước vận tải biển tăng quá cao (từ 2-4 lần so với trước đây khi chưa có dịch bệnh), gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc hợp đồng vận chuyển sản phẩm xuất khẩu.

“Thuốc giải” vẫn là vắc-xin

Trước những khó khăn trên, lãnh đạo VIFORESR kiến nghịChính phủ xem xét quy định chương trình xét nghiệm Covid-19 là loại dịch vụ phi lợi nhuận, do Chính phủ điều tiết với khung giá thống nhất và giao cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất ở nhưng nơi dịch bệnh đang bùng phát, đặc biệt là đối với doanh nghiện sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ”.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện nhanh nhất và đảm bảo nhu cầu tiêm vắc-xin cho công nhân ngành gỗ, trước tiên ưu tiên 100% cho lao động vùng dịch và các nhà máy đang thực hiện sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ”; cho phép các Hiệp hội gỗ, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vắc-xin tự tìm kiếm để tiêm miễn phí cho công nhân, kinh phí sẽ do các doanh nghiệp và Hiệp hội tự chi trả.

Đề nghị Chính phủ có chương trình hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp. Cụ thể, được giảm, hoãn nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế liên quan và hoãn nộp Bảo hiểm xã hội; được miễn tiền thuê đất năm 2021 và thực hiện giá thuê đất 5 năm giai đoạn sau; được phép gia hạn nợ, giãn nợ, cơ cấu lại khoản nợ mà không bị ảnh hưởng tới nhóm nợ nhất là đối với các khoản nợ phát sinh từ sau 30/6/2020, tiếp tục được tiếp cận với nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo việc chi trả cho người lao động. Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan có giải pháp tháo gỡ để giảm khó khăn về tăng giá cước vận chuyển (đặc biệt là thuê tàu, container cho doanh nghiệp xuất khẩu).

Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Công Thương có hướng dẫn quy định danh mục hàng hóa được lưu thông, trong đó có nguyên, vật liệu của ngành gỗ, tránh trường hợp bỏ sót hoặc hiểu sai quá trình áp dụng tại các địa phương về lưu thông những mặt thiết yếu là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Đề nghị các địa phương có dịch bệnh bùng phát cân nhắc việc áp dụng phương án sản xuất “3 tại chỗ” đối với doanh nghiệp duy trì sản xuất. Tùy từng khu vực, vùng có mức độ dịch bệnh khác nhau sẽ áp dụng phù hợp. Ví dụ đối với doanh nghiệp ở những khu vực, vùng chưa xuất hiện F0 và việc đi lại của công nhân tập trung chủ yếu trên một tuyến đường, có cự ly ngắn thuận lợi cho việc giám sát phòng dịch thì cho áp dụng mô hình “2 tại chỗ, một cung đường”, doanh nghiệp có trách nhiệm phải đưa đón công nhân đi về và thực hiện nghiệm ngặt việc phòng chống dịch.

Gỗ Việt