Việt Nam đã sẵn sàng thực thi REDD+: Sắp tham gia thị trường tín chỉ các bon
Các chương trình REDD+ tại Việt Nam đang chuyển từ giai đoạn hỗ trợ sẵn sàng thực hiện REDD+ sang giai đoạn chính thức thực thi REDD+, với trọng tâm là mua bán quyền phát thải khí nhà kính. Dự tính Việt Nam có thể nhận được khoản tiền từ REDD+ khoảng 80 – 100 triệu USD mỗi năm, gấp 3-4 lần vốn ODA cho lâm nghiệp hiện nay.
TS. Phạm Xuân Phương, Chuyên gia cao cấp về thể chế chính sách cho biết, nhằm đạt được mục tiêu về giảm biến đổi khí hậu, các nước trên thế giới đã đồng thuận với cơ chế buôn bán quyền phát thải khí nhà kính (KNK). Trong đó, REDD+ trở thành sáng kiến, một cách tiếp cận mới nhằm tạo nguồn tài chính bền vững cho những ai tham gia bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Với lý thuyết được quốc tế đồng tình là, những quốc gia, các nhà máy phát thải khí Co2 ra môi trường phải bỏ tiền ra để mua quyền phát thải KNK. Như vậy, đang hình thành thị trường mua bán tín chỉ các bon, các nước công nghiệp mua bán tín chỉ các bon trực tiếp với các nước đang phát triển. Người mua mua tín chỉ các bon có nghĩa là họ mua quyền được phát thải khí thay cho việc phải cắt phát thải khí nhà kính. Tiền này sẽ được trả cho các đối tượng, các quốc gia trồng rừng và bảo vệ rừng, vì rừng có tác dụng hấp thụ KNK.
Các quốc gia tham gia chương trình này phải phải có chiến lược hoặc kế hoạch hành động quốc gia về REDD+, hệ thống giám sát rừng quốc gia (NFMS), hệ thống cung cấp thông tin liên quan. Các Quỹ để điều phối khoản tiền mua bán quyền phát thải KNK ở cấp độ toàn cầu đã được thiết lập, bao gồm UN-REDD+, Quỹ đối tác các bon toàn cầu, GCF, FCPF…
GS.TS. Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam cho biết, những năm qua, trong giai đoạn 2008-2015, Chương trình UN-REDD+ đã tài trợ cho 56 quốc gia thực hiện REDD+ trên thế giới, với tổng số tiền 246 triệu USD. Với các hoạt động chính gồm: cải thiện thể chế chính sách; cải thiện tính minh bạch và giải trình trong quản trị REDD+ quốc gia; xây dựng và hoàn thiện hệ thống đo đạc, báo cáo xác minh. Trong đó, pha 2 tại Việt Nam được tài trợ hơn 30 triệu USD.
Vào năm 2014, Quỹ đối tác các bon toàn cầu tuyên bố đã nhận được tổng số tiền tài trợ 830 triệu USD từ các nước phát triển để phân bổ cho các quốc gia thực hiện Chương trình REDD+. Trong tổng số 47 nước được tài trợ, thì có 19 nước đã được giải ngân. Trong đó, Việt Nam thuộc nhóm 7 nước giải ngân với tỷ lệ thấp, chỉ đạt 20-50%. Việt Nam có nhiều dự án lớn. Điển hình như Dự án LEAF: Giảm phát thải của rừng châu Á (2011 – 2016), với sự tài trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, tổ chức thực hiện bởi các tổ chức Winrock International, SNV, Climate Focus, RECOFTC. Dự án CARBI: Giảm thiểu suy thoái rừng tại vùng biên giới Nam Lào và miền Trung Việt Nam, với mục tiêu quản lý bảo vệ cho phức hợp rừng xuyên biên giới có lượng các bon và tính đa dạng sinh học cao với diện tích khoảng 200.000 ha, giảm thiểu sự phát thải của 1,8 triệu tấn CO2. Theo ông Võ Đại Hải, thực hiện các dự án REDD, Việt Nam đã nhận được cam kết tài trợ vốn ODA từ các tổ chức chính phủ hoặc song phương: JICA; USAID; AUSAID; kfw; BMUB… hoặc tài trợ từ các tổ chức tài trợ đa phương và các quỹ như quỹ FCPF; chương trình UN-REDD với tổng số vốn cam kết lên đến 83 triệu USD. Thế nhưng đến nay sau 5 năm thực hiện, Chương trình mới giải ngân được khoảng 35 triệu USD.
GS.TS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho hay, triển khai REDD+, Việt Nam đề ra nhiều giai đoạn. Giai đoạn 2011 - 2015: xây dựng và vận hành thí điểm các cơ chế, chính sách, hệ thống tổ chức và năng lực kỹ thuật sẵn sàng ở cấp quốc gia; nâng cao nhận thức và năng lực; tổ chức thực hiện các dự án thí điểm REDD+ tại ít nhất 8 tỉnh. Giai đoạn 2016 – 2020: chính thức thực thi REDD+ trên phạm vi cả nước, để bán quyền phát thải KNK cho các nước phát triển. Các nước đang phát triển thực hiện nhiệm vụ trồng rừng để hấp thụ khí Co2 sẽ nhận được nguồn “tài chính dựa vào kết quả” khi các hành động đó được đo đạc, báo cáo và kiểm chứng hiệu quả (tấn các bon). Bởi vậy, Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tham gia dự án nghiên cứu thiết lập phương án tính toán mức độ hấp thụ khí Co2 cho từng khu rừng để làm cơ sở chi trả tiền REDD+ cho các chủ rừng. Đến nay, đã xác lập được phương pháp đo đạc sinh khối rừng, từ đó tính ra lượng các bon hấp thụ. Phương pháp này đã được các chuyên gia thế giới chấp thuận cho thực thi.
Cho dù lạc quan với REDD+, nhưng TS Hoàng Liên Sơn, Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam chỉ ra nhiều thách thức nếu thực hiện REDD+. Đó là, quyền sở hữu đất vẫn là một trong những rào cản: tranh chấp ranh giới, các luật tục ở các địa phương, các chi phí đo đạc, thẩm định cao khi tính toán mức hấp thụ Co2 cho từng chủ rừng. Các dự án REDD đ̀òi hỏi vốn lớn, nhưng các tổ chức tư nhân chưa mặn mà đầu tư vì rủi ro cao. REDD+ là quá trình dài hạn, những lợi ích kinh tế, môi trường được xác định trong thời gian dài, nhưng chi phí thực hiện phải đầu tư luôn ở thời điểm hiện tại; đây là áp lực lớn đối với người ngh̀èo. Mặt khác, cũng có những nguy cơ có thể xảy ra nếu thực hiện REDD+ không bài bản. Đó là gia tăng sự chuyển đổi rừng tự nhiên thành rừng trồng, mất đi những truyền thống văn hóa ở các bản làng gần rừng, mất đi hoặc giảm sự tiếp cận với các lâm sản truyền thống, các lợi ích khác của rừng bị đánh đổi bằng chi phí cao bỏ ra để đạt được tiền REDD+. “Cần nh̀ìn nhận thực tế là: REDD không rẻ và cũng không nhanh, thực hiện khá phức tạp. Để đảm bảo thành công, các dự án REDD+ cần tập trung vào tạo nguồn sinh kế thay thế cho các cộng đồng địa phương sống dựa vào rừng”.
Theo ông Hoàng Liên Sơn, các chương trình, dự án REDD+ trên thế giới đang chuyển từ giai đoạn hỗ trợ sẵn sàng thực hiện REDD+ sang thực hiện chi trả tiền giảm phát thải KNK. Chỉ còn vài tháng nữa, Việt Nam sẽ kết thúc giai đoạn chuẩn bị (thí điểm, xây dựng kỹ thuật và cơ chế thực hiện), để chuyển sang chính thức thực thi REDD+. Tức là, tới đây thay vì nhận tài trợ ODA cho Chương trình này, thì chúng ta sẽ bán quyền phát thải KNK cho các quốc gia phát triển. Cả nước hiện có 13,86 triệu ha rừng, dự tính Việt Nam có thể nhận được khoản tiền từ REDD+ khoảng 80 – 100 triệu USD mỗi năm, gấp 3-4 lần vốn ODA hiện đang đầu tư trong lâm nghiệp. Trong khuôn khổ của REDD+, các chủ rừng trồng vào bảo vệ rừng, để tăng hấp thu và lưu trữ các bon sẽ được nhận khoản tiền chi trả, đây sẽ là khoản thu nhập tương đối cho nghề rừng.
Gỗ Việt No 70 - Chu Khôi
- Phân quyền trong Lâm nghiệp: Xu hướng trên thế giới và thực tế tại Việt Nam
- Ứng dụng gỗ cứng Hoa Kỳ trong kiến trúc: Tìm sự đồng điệu ở Việt Nam
- Chế biến dăm gỗ tăng mạnh
- Cú “bắt tay” của ngành gỗ và cao su
- Quy chế gỗ EUTR: Nhìn từ trường hợp của Vương Quốc Anh
- Tiến trình đàm phán FLEGT giữa Việt Nam và EU:Tìm điểm chung để ngành gỗ vươn xa
- Thực hiện chính sách về quản lý sử dụng đất tại Nông lâm trường: Vẫn còn nhiều nỗi lo
- 10 điều khiến người dân trên toàn thế giới ngưỡng mộ Singapore
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu