Cải thiện năng suất lao động trong ngành gỗ

30/09/2019 04:19
Cải thiện năng suất lao động trong ngành gỗ

Năng suất lao động (NSLĐ) thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành, đến sự cạnh tranh của doanh nghiệp (DN). Trong bối cảnh, DN ngành gỗ đứng trước áp lực về thiếu hụt lao động khi các DN nước ngoài ngày càng tham gia nhiều vào thị trường Việt Nam thì tăng NSLĐ đang là đòi hỏi tất yếu của hội nhập kinh tế quốc tế.

 

 

NSLĐ tại Việt Nam hiện nay ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực chỉ bằng 7,2% của Singapore,18,4% của Malaysia, 37,0% của Thái Lan và 55% của Philippines. NSLĐ của Việt Nam thấp, PGS TS Vũ Thành Hưng - Viện trưởng Viện Quản trị Kinh Doanh, Trường đại học Kinh tế Quốc dân – cho rằng, có hai vấn đề đó là cơ cấu ngành và tổ chức quản lý.

Theo đó, ngành nông nghiệp có NSLĐ thấp vẫn chiếm tỷ trọng và tỷ phần lớn. Ngành được cho là đầu tàu - động lực của tăng NSLĐ là công nghiệp thì tăng rất lẹt đẹt, sau 7 - 10 năm mức tăng thêm chỉ từ 3,1 lên 4,5%.

PGS TS Vũ Thành Hưng Chia sẻ tại Hội thảo Cải thiện năng suất lao động, yếu tố cốt lõi để phát triển doanh nghiệp

Về tổ chức quản lý, theo PGS TS Vũ Thành Hưng, không khó để thấy đây là nguyên nhân chính. Cụ thể, do điều hành, phối hợp, điều phối... không tốt sẽ dẫn đến phải chờ đợi - lãng phí thời gian; sai lệch phải điều chỉnh, mất thời gian và chi phí; sai lỗi phải sửa lại mất thời gian và chi phí; bỏ sót phải làm bù, kéo dài thời gian và tổn hao thêm nguồn lực. Cũng theo PGS TS Vũ Thành Hưng, bất cứ điều gì làm mất thêm thời gian và chi phí không đáng có đều làm giảm NSLĐ và tốc độ tăng NSLĐ. Thực tế, các hiện tượng trên là không hiếm nếu không muốn nói là phổ biến, thậm chí cố hữu và ở mọi cấp: giữa các cá nhân, các bộ phận, các tổ chức các địa phương, các ngành. 

Cải thiện NSLĐ cần nỗ lực chung, liên kết và tích hợp… PGS TS Vũ Thành Hưng Hưng cho hay, việc đầu tư vào kỹ thuật - công nghệ trong các DN hiện đã có sự cải thiện, cũng như đầu tư vào nâng cao tay nghề sẽ không phải vấn đề bức xúc cần giải quyết trong vài năm tới mà điều cần quan tâm là nâng cao năng lực tổ chức và quản lý.

Việc này có rất nhiều “cửa” để thực hiện bởi lên quan đến các từng phòng ban, bộ phận, từng dây chuyền, từng người hay từng khâu từ lúc sản xuất đến khi bán sản phẩm ra thị trường và thu tiền về. “Chỉ cần sao cho hoàn thành một việc hết ít thời gian hơn hay trong cùng một thời gian đó nhưng hoàn thành nhiều việc hơn, làm ra nhiều sản phẩm hơn là NSLĐ đã cải thiện. Sản phẩm ra đúng thị trường, giá trị tăng thêm cũng làm NSLĐ tăng. Điều này nằm trong tầm của DN, chứ chưa cần đầu tư gì cao siêu”, ông Vũ Thành Hưng nhấn mạnh.

Đối với ngành chế biến gỗ, hiện nay có khoảng 500.000 lao động làm việc trong các DN chế biến gỗ và lâm sản, trong đó lao động giản đơn theo mùa vụ chiếm khoảng 40-45% tổng số lao động. Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) – nhận định, không riêng gì ngành chế biến PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Sustainability gỗ mà các ngành hiện nay đều phải có NSLĐ cao, chất lượng tốt. Muốn vậy phải áp dụng công nghệ mới, mà muốn có công nghệ mới phải có kinh phí, phải có người, công nhân vận hành kỹ thuật cao, phải có tay nghề cao. Bên cạnh đó, việc đào tạo công nhân công nghệ cao cũng phải được chú trọng hơn thì mới đáp ứng được yêu cầu vận hành máy móc hiện đại.

Máy chế biến gỗ sử dụng công nghệ tự động

Tổng giá trị xuất khẩu lâm sản 8 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam đạt gần 7,1 tỷ USD (tăng 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Riêng xuất khẫu gỗ và sản phẩm gỗ đạt xấp xỉ 6,7 tỷ USD. Với các đơn hàng hiện hữu đến cuối năm, mục tiêu đạt 11 tỷ USD xuất khẩu của toàn ngành cho năm 2019 là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, ngành này đang phải đối mặt với cạnh tranh sản xuất khi các DN nước ngoài ngày càng tham gia nhiều vào thị trường Việt Nam.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, 49 dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ và trên 60% trong tổng số dự án vào ngành gỗ nhắm vào mảng chế biến gỗ. Điều này khiến DN ngành gỗ đứng trước áp lực về thiếu hụt lao động. Đi cùng thiếu hụt nhân công là cạnh tranh về giá ngày càng quyết liệt và kéo theo bài toán về năng suất - chất lượng.

Ông Michael Chang - Chủ tịch Hiệp hội máy Chế Biến Gỗ Đài Loan, điểm yếu của ngành hiện nay là thiếu lao động, khiến các công ty cạnh tranh thu hút nhân sự và kéo chi phí nhân công tăng cao. Việc phối hợp giữa các bộ phận trong DN nếu có thể nhuần nhuyễn được đánh giá có thể tăng NSLĐ thêm từ 20-25%.

Liên quan đến cải thiện NSLĐ trong ngành gỗ theo nhận định của chuyên gia Nguyễn Đào Duy Tài, bên cạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật, kỹ thuật công nghiệp là công cụ để cải tiến năng suất, cải tiến chất lượng, giảm chi phí, rút ngắn thời gian giao hàng, nâng cao sự an toàn, cải thiện tinh thần làm việc thì nhận dạng chi phí không chất lượng là bước đầu để cải thiện năng suất.

NGUYỄN HẠNH - GV115