Thương mại gỗ Việt nam - Eu: Thực trang và Xu hướng

13/01/2016 09:18
Thương mại gỗ Việt nam - Eu: Thực trang và Xu hướng

Liên minh Châu Âu (EU) với 28 nước thành viên hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2014 kim ngạch thương mại giữa EU và Việt Nam về tất cả các sản phẩm hàng hóa đạt khoảng 37,6 tỉ đô la Mỹ (USD), trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đạt 29,4 tỉ USD, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt 8,2 tỉ USD. Với khoảng 500 triệu dân và những nền kinh tế phát triển, nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ của các nước EU hiện đạt khoảng 1/4 nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ toàn cầu (Lê Khắc Côi, 2015).  

Báo cáo Thương mại gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam – EU: Thực trạng và xu hướngtập trung phân tích thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và các nước EU. Báo cáo là sản phẩm hợp tác giữa Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) và tổ chức Forest Trends. Báo cáo tập trung chủ yếu vào mô tả thương mại giữa 2 bên. Các khía cạnh khác của thương mại như quy mô và thị hiếu của thị trường về từng chủng loại sản phẩm hay cạnh tranh thương mại giữa Việt Nam và các nước khác nhập khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ vào EU nằm ngoài khuôn khổ của Báo cáo này.

Các số liệu thống kê trong Báo cáo được thu thập từ nguồn số liệu thống kê xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Việt Nam xuất khẩu nhiều sản phẩm gỗ sang EU, chủ yếu thuộc 2 mã hàng hóa HS 94 (các mặt hàng đồ gỗ) và mã HS 44 (các sản phẩm gỗ). Đến nay EU là thị trường quan trọng thứ tư của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc) nếu tính cả các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Tuy nhiên, EU là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ) về các mặt hàng đồ gỗ. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam từ EU đạt 703 triệu USD, tăng gần 100 triệu USD so với năm 2013 (608 triệu USD). Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2015 kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU đạt 442 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng về kim ngạch xuất gỗ và sản phẩm gỗ khẩu của Việt Nam vào EU giai đoạn 2012-2014 bình quân đạt 2,2%/năm. Trong khối EU các quốc gia quan trọng nhất đối với thương mại gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam bao gồm Anh, Đức, Pháp. Kim ngạch từ 3 thị trường này chiếm 2/3 trong tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam từ EU.

Các mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam vào EU bao gồm đồ gỗ ngoài trời, ghế gỗ, đồ nội thất phòng ngủ và đồ nội thất văn phòng. Năm 2014 Việt Nam xuất khẩu khoảng 263 triệu USD ‘đồ gỗ khác’ (bao gồm đồ gỗ ngoài trời, không bao gồm các mặt hàng ghế gỗ) sang EU, tăng từ con số 217 triệu USD năm 2013. Xuất khẩu đồ gỗ nội thất văn phòng của Việt Nam sang EU cũng có xu hướng mở rộng tương tự. Năm 2014 kim ngạch từ các mặt hàng nội thất phòng ngủ đạt 94 triệu USD, tăng từ 80 triệu USD năm 2013. Đối với các mặt hàng nội thất văn phòng, kim ngạch xuất khẩu tăng từ 30,9 triệu USD năm 2013 lên 35,4 triệu USD năm 2014.

Việt Nam xuất khẩu một số loại mặt hàng thuộc nhóm sản phẩm gỗ (HS 44) sang EU, bao gồm các sản phẩm như khung tranh, đồ mỹ nghệ và tay vịn cầu thang và một số sản phẩm khác. Tuy nhiên, đối lập với động lực thị trường ngày càng mở rộng đối với các mặt hàng đồ gỗ (HS 94), kim ngạch xuất khẩu các mặt thuộc nhóm sản phẩm gỗ (HS 44) có xu hướng ngày càng giảm.

Nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào sử dụng trong các sản phẩm xuất khẩu sang EU chủ yếu là nguồn gỗ rừng trồng trong nước như keo, bạch đàn và từ nguồn gỗ nhập khẩu như sồi, thông. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại một số sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam vào EU vẫn chưa được khai báo về chủng loại gỗ.

EU không chỉ quan trọng đối với Việt Nam về thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ mà còn là một trong những nguồn cung gỗ nguyên liệu. Gỗ nhập khẩu từ EU vào Việt Nam được sử dụng để chế biến phục vụ xuất khẩu và cả thị trường nội địa. Các mặt hàng gỗ Việt Nam nhập khẩu chính bao gồm gỗ tròn, gỗ xẻ, vơ nia và gỗ dán. Trong giai đoạn 2012-2014, Việt Nam nhập một lượng gỗ tròn và xẻ tương đương với trên 1 triệu m3 gỗ quy tròn. Năm 2014 kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ EU của Việt Nam đạt gần 172 triệu USD, chiếm 1/4 so với tổng kim ngạch gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập khẩu khoảng 111 triệu USD gỗ nguyên liệu từ EU.

Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế. Trong khuôn khổ của Chương trình Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (FLEGT), Chính phủ Việt Nam hiện đang đàm phán với EU về Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA). Trong tương lai khi Hiệp định được ký kết Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra những cơ chế chính sách chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo các sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam vào EU là hợp pháp. Quy chế Gỗ của Châu Âu (gọi tắ là EUTR) có hiệu lực từ tháng 3 năm 2013 yêu cầu các cá nhân và tổ chức tiêu thụ các sản phẩm gỗ (trừ các mặt hàng ghế gỗ) tại trường này phải đảm bảo tính hợp pháp. Chính phủ Việt Nam cũng đã kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới với EU (VN FTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hội nhập sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Hội nhập cũng sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam thu hút các dòng vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến gỗ, đẩy mạnh sức cạnh tranh và phát huy được lợi thế về lao động và nguồn nguyên liệu hiện nay của Việt Nam.

Tuy nhiên hội nhập cũng đồng nghĩa với những khó khăn và rủi ro mà các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam phải đối mặt. Tập trung vào các rủi ro có liên quan đến tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu, Báo cáo cho thấy nhìn chung các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU đáp ứng được các yêu cầu và quy định của thị trường EU ở mức cao. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại một số rủi ro liên quan đến tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu. Cụ thể, hiện vẫn còn một số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào chưa rõ nguồn gốc và một số sản phẩm xuất khẩu chưa được khai báo nguồn gốc và chủng loại gỗ.

Nhìn chung, các rủi ro trong thương mại gỗ giữa Việt Nam – EU hiện tồn tại ở mức thấp. Tuy rủi ro không chỉ là vấn đề của các doanh nghiệp trực tiếp liên quan mà còn là vấn đề sống còn của cả ngành chế biến và xuất khẩu gỗ trong việc duy trì hình ảnh của toàn ngành trên trường Quốc tế. Giảm thiểu các rủi ro này có vai trò tối quan trọng trong thương mại song phương giữa Việt Nam và EU, đặc biệt với EU là một trong những thị trường quan trọng nhất của Việt Nam. Nhằm giảm thiểu rủi ro trong thương mại song phương, đặc biệt là các rủi ro có liên quan đến tính pháp lý của nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào, Báo cáo kiến nghị các doanh nghiệp hiện đang tham gia thị trường EU và các doanh nghiệp gỗ nói chung tăng cường trách nhiệm giải trình. Chính phủ và các hiệp hội gỗ cần xác định cụ thể những doanh nghiệp hiện đang trực tiếp liên quan đến các rủi ro, từ đó yêu cầu các doanh nghiệp này loại bỏ nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào không rõ nguồn gốc, hoặc/và thực hiện khai báo nguồn gốc và tính pháp lý của nguồn gỗ nguyên liệu khi tham gia xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng cần được cấp các thông tin về các yêu cầu từ thị trường EU cũng như về các quy định của Chính phủ Việt Nam có liên quan đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong bối cảnh hội nhập, giảm thiểu các rủi ro không những giúp cho ngành gỗ duy trì thị trường EU như hiện nay mà còn giúp mở rộng thị trường, trực tiếp góp phần vào phát triền bền vững ngành gỗ trong tương lai.

Gỗ Việt