BIFA Wood Vietnam 2023: Lấy lại đà tăng trưởng

30/05/2023 04:57

Nhiều năm nay, ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng hai con số nhờ sự lớn mạnh nhanh chóng của qui mô thị trường thế giới và sức hút từ năng lực sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm đòi hỏi tay nghề cao.

Sự phát triển thuận lợi đấy đã khiến các doanh nghiệp trong ngành được coi là phát triển không đều cả hai chân, đó là mới sản xuất tốt, xây dựng nhiều nhà máy nhưng khâu xúc tiến thương mại và kết nối với thị trường chưa tương xứng.

Sự khập khiễng này được phản chiếu rõ nét khi nhu cầu thị trường thế giới suy giảm vì lạm phát, trong khi các doanh nghiệp trong nước đứt gãy đơn hàng còn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn sản xuất đều đặn.

Điều đó gây nhiều khó khăn cho sự tồn tại của ngành, xuất khẩu những tháng đầu năm sụt giảm nghiêm trọng và tình hình được chưa là vẫn còn bất ổn cho ít nhất là hết 6 tháng đầu năm. Mặt khác, sự chênh lệch giữa khâu sản xuất và xúc tiến thương mại còn biểu hiện ở chỗ nhiều năm qua, thị trường xuất khẩu của gỗ Việt Nam vẫn là những cái tên quen thuộc như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Và hầu hết những thị trường này đều giảm từ 20% kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm. Tham dự hoặc tổ chức các hội chợ quốc tế được coi là cách tiếp cận khách hàng, khai thác thị trường ngách cũng như tìm hiểu xu hướng sản phẩm mới trong thời điểm hiện tại.

Trong khi đó tiềm năng các thị trường khác không nhỏ. Chẳng hạn, theo điều tra, Ả rập Xê út đang lên kế hoạch xây dựng hơn 550.000 đơn vị dân cư, khoảng 275.000 khách sạn, hơn 4,3 triệu mét vuông không gian bán lẻ và hơn 6,1 triệu mét vuông diện tích văn phòng mới.

Quy ra lượng nội thất để lấp đầy những con số trên, cơ hội cho các doanh nghiệp nội thất toàn cầu không hề nhỏ. Cùng với Trung Đông, các thị trường khu vực khác, như Ấn Độ cũng đang bùng nổ…

Tiếp cận được các thị trường mới chính là gỡ khó cho các doanh nghiệp gỗ trong ngắn hạn, cũng như dài hạn, để duy trì được lực đẩy và sự bền vững của ngành gỗ. Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, muốn vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện tại, các hiệp hội và doanh nghiệp phải liên kết và đầu tư đúng mức cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, cập nhật thông tin, năng lực cung ứng đến khách hàng quốc tế…

Từ đầu năm cho đến nay, 5 hiệp hội gỗ lớn nhất Việt Nam (Vifores, Hawa, Dowa, Bifa, Fpa) đã bắt tay nhau để tổ chức các triển lãm quốc tế về nội thất và máy móc chế biến gỗ nhằm hỗ trợ ngành gỗ phát triển xuất khẩu đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỉ USD cho đến hết năm 2025.

Sau HAWA Expo 2023 là Hội chợ Bifa Wood Vietnam 2023, đã mở ra cơ hội giao thương sâu rộng và bền vững lâu dài, cập nhật những công nghệ hiện đại, tiên tiến và tự động hoá phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nguồn cung ứng gỗ nguyên liệu đa dạng, dồi dào từ các thị trường khắp thế giới cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ Việt Nam.

Bifa Wood Vietnam 2023 năm nay với quy mô 800 gian hàng với sự tham gia của hơn 180 doanh nghiệp đến từ các quốc gia Mỹ, Canada, Châu Âu như Đức, Pháp, Ý và Bỉ, từ Chau Á như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hồng Kông, Việt Nam và Úc cùng đông đảo khách tham quan đến từ trong nước và quốc tế, được kỳ vọng thành công tốt đẹp, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm được và thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài với các đối tác phù hợp cho hoạt động kinh doanh của mình.

Các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng tìm được những công nghệ, máy móc thiết bị phù hợp, nguồn cung ứng gỗ hợp lý cho mục tiêu phát triển của mình hướng đến mục tiêu xuất khẩu 20 tỉ USD vào năm 2025 mà Thủ tướng Chính Phủ đã đặt ra cho ngành gỗ Việt Nam, trong đó Bình Dương đóng vai trò là trung tâm và thủ phủ ngành gỗ của cả nước.

"Sự hợp tác này nhằm mang lại sức mạnh chung, tạo thêm nhiều điều kiện để doanh nghiệp trong ngành có môi trường kinh doanh thuận lợi, rộng mở. Xa hơn, là nâng cao vị thể ngành chế biến gỗ Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu nội thất thế giới", ông Lập nói.

Các doanh nghiệp tham gia hội chợ đều nhận thức được rằng, cơn sóng lạm phát vẫn chưa dừng lại nhưng các doanh nghiệp gỗ Việt Nam cũng không dừng lại mà tiếp tái cấu trúc, đầu tư nhiều vào khâu thiết kế, phát triển sản phẩm mới, đội ngũ bán hàng, phát triển kinh doanh để tiếp cận thị trường mới.

Và Bifa Wood Vietnam 2023 là một cơ hội lớn để tìm kiếm tệp khách hàng, khai thác những sản phẩm ngách và cùng nhau mở ra cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam trong nửa cuối năm nay.

Ông Đỗ Xuân Lập cho biết, trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ, cụ thể ở đây là Bộ Công Thương hỗ trợ rất nhiều về công tác tổ chức sự kiện, hội chợ và xúc tiến thương mại để tạo ra độ nhận diện cao với sản phẩm, hình ảnh và giá trị của đồ gỗ Việt Nam.

Ông cũng cho biết sẽ thông qua hệ thống các cơ quan thương vụ Việt Nam tại các nước, kết nối với hội chợ, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong ngành tiếp cận các đoàn doanh nghiệp quốc tế, tổ chức các buổi kết nối cung - cầu nội thất giữa Việt Nam và các thị trường tiềm năng như Canada, Anh, Trung Đông...

Trong khi đó, ông Allan Kjaer, Giám Đốc phát triển kinh doanh Fine Scandinavia, cũng cho rằng dù tăng trưởng chậm trong năm 2022 nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng của các nhà mua hàng nội thất quốc tế. Hội chợ Bifa Wood Vietnam 2023 chính là cơ hội kết nối giao thương để các doanh nghiệp nội thất Việt lấy lại đà tăng trưởng.

Cẩm Lê