Đáp ứng EUDR đối với sản phẩm gỗ và cao su thiên nhiên theo tiêu chuẩn PEFC EUDR

25/09/2024 08:17
Đáp ứng EUDR đối với sản phẩm gỗ và cao su thiên nhiên theo tiêu chuẩn PEFC EUDR

Từ tháng 6/2023, Quy định EUDR của Ủy ban Châu Âu EC chính thức có hiệu lực, và sau ngày 30/12/2024, các tổ chức (trừ tổ chức vừa và nhỏ được gia hạn đến tháng 6/2025) nhập khẩu hàng hóa vào EU phải đáp ứng yêu cầu EUDR. Vì vậy hàng hóa từ các nước ngoài EU khi xuất khẩu vào thị trường EU cũng phải đáp ứng yêu cầu này. 

Để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu này, tổ chức khi xuất/nhập khẩu vào hoặc ra khỏi thị trường EU phải thực hiện một tuyên bố trách nhiệm giải trình. Trước đó, các doanh nghiệp cần xây dựng và hệ thống có trách nhiệm giải trình.

Để hỗ trợ các tổ chức đáp ứng yêu cầu EUDR, Tổ chức Chứng nhận Chứng chỉ rừng PEFC đã ban hành Mô-đun Tiêu chuẩn PEFC ST 2002- 1:2024 - Yêu cầu thực hiện Hệ thống trách nhiệm giải trình của PEFC đối với quy định sản xuất hàng hóa không gây mất rừng (sau đây gọi tắt là Mô-đun tiêu chuẩn PEFC EUDR DDS). Có thể tải bản tiếng Anh và tiếng Việt của mô-đun theo mã QR được cung cấp.

Nội dung và các bước thực hiện Mô-đun tiêu chuẩn PEFC EUDR DDS là một tùy chọn mà các doanh nghiệp có chứng nhận PEFC CoC có thể bổ sung vào phạm vi chứng nhận hiện tại để hỗ trợ việc chứng minh tuân thủ EUDR. Mô-đun tiêu chuẩn này bao gồm các yêu cầu cụ thể để đảm bảo rằng bất kỳ nguyên liệu gỗ nào được đưa vào hệ thống PEFC đều phải qua Hệ thống trách nhiệm giải trình (Due Diligence System - DDS) theo quy định của EUDR và không có nguy cơ đến từ các nguồn gốc gây tranh cãi hoặc không tuân thủ. 

Hệ thống này gồm 5 bước chính bao gồm: Thu thập thông tin, đánh giá rủi ro, xác định các mối quan ngại có căn cứ, giảm thiểu rủi ro, đệ trình và phê duyệt DDS. Các bước thực hiện được trình bày ở sơ đồ sau.

Đối với bước thu thập thông tin, doanh nghiệp hoặc tổ chức cần có số tham chiếu; Thông tin mô tả nguyên liệu và sản phẩm có liên quan; Quốc gia sản xuất nguyên liệu, sản phẩm có liên quan; Thông tin về tọa độ địa lý của tất cả các lô đất nơi sản xuất các sản phẩm có liên quan; Thời gian khai thác, sản xuất; Thông tin về nhà cung cấp (tên, địa chỉ, giấy phép khai thác, chứng nhận hợp pháp); Thông tin kết luận đầy đủ và có thể kiểm chứng rằng các sản phẩm liên quan không phá rừng; Kết luận và thông tin đầy đủ có thể kiểm chứng hàng hóa liên quan đã sản xuất phù hợp với pháp luật có liên quan của nước sản xuất.

Bước đánh giá rủi ro phải xác định liệu có rủi ro sản phẩm liên quan đầu vào dự định được đưa vào hoặc xuất khẩu từ thị trường EU có nguồn gốc từ các nguồn gây tranh cãi và/hoặc không tuân thủ hay không. Đánh giá rủi ro của tổ chức phải dẫn đến việc phân loại đầu vào sản phẩm liên quan vào các hạng mục không rủi ro hoặc rủi ro không đáng kể. Nó dựa trên các yếu tố như đánh giá rủi ro các sản phẩm liên quan có nguồn gốc từ các hoạt động gây mất rừng và/hoặc suy thoái rừng sau ngày 31 tháng 12 năm 2020. Các sản phẩm liên quan có nguồn gốc từ các hoạt động không tuân thủ pháp luật có liên quan của nước sản xuất hay không. Đánh giá rủi ro mà các sản phẩm liên quan có nguồn gốc từ các hoạt động mà khả năng của rừng để sản xuất một loạt các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ trên cơ sở bền vững không được duy trì hoặc mức khai thác vượt quá tỷ lệ có thể duy trì bền vững về lâu dài hoặc xuất hiện cây biến đổi gen. Đánh giá các sản phẩm có liên quan bị trộn lẫn với các nguồn gây tranh cãi hoặc các sản phẩm không tuân thủ ở cấp độ chuỗi cung ứng.

Đối với việc xác định các mối quan ngại có căn cứ cần thu thập, điều tra và xử lý bất kỳ thông tin nào có thể chỉ ra rằng sản phẩm có nguy cơ từ các nguồn gây tranh cãi hoặc không tuân thủ EUDR. Những mối quan ngại này phải được xử lý theo quy trình đánh giá rủi ro (Chương 6 của module tiêu chuẩn) và thực hiện hành động giảm thiểu rủi ro (Chương 8 của module tiêu chuẩn). Nếu tổ chức phát hiện thông tin về rủi ro vi phạm EUDR phải ngay lập tức báo cáo thông tin cho cơ quan có thẩm quyền. Khi có căn cứ, cần được điều tra kịp thời, không muộn hơn 10 ngày làm việc kể từ khi xác định các mối quan ngại. Tổ chức có được hoặc biết về thông tin mới có liên quan, bao gồm các mối quan ngại có căn cứ của EUDR về rủi ro rằng một sản phẩm có liên quan mà họ đã cung cấp hoặc đưa vào thị trường Liên minh không tuân thủ EUDR phải ngay lập tức báo cáo thông tin cho cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan.

Bước giảm thiểu rủi ro sẽ yêu cầu nhà cung cấp cung cấp thêm tài liệu chứng minh tính hợp pháp và nguồn gốc của gỗ. Thực hiện các kiểm tra tại chỗ hoặc đánh giá độc lập đối với các nguồn có rủi ro cao. Thực hiện các biện pháp khắc phục cần phù hợp với mức độ nghiêm trọng của rủi ro. Điều này có thể bao gồm việc hủy bỏ hoặc đình chỉ hợp đồng hoặc đơn đặt hàng cho đến khi nhà cung cấp chứng minh được rằng các biện pháp giảm thiểu rủi ro đã được thực hiện.

Bước đệ trình và phê duyệt tuyên bố trách nhiệm giải trình, doanh nghiệp phải nộp tuyên bố trách nhiệm giải trình về sản phẩm cho cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thành viên EU trước khi sản phẩm được đưa vào hoặc xuất khẩu khỏi thị trường EU. Cung cấp thông tin cho khách hàng hoặc các bên liên quan trong chuỗi cung ứng để chứng minh rằng hệ thống PEFC EUDR DDS đã được thực hiện và không có rủi ro hoặc chỉ có rủi ro không đáng kể. Tuyên bố trách nhiệm giải trình có thể được đệ trình bởi tổ chức hoặc đại diện của tổ chức, nhưng trách nhiệm tuân thủ EUDR luôn thuộc về tổ chức. Doanh nghiệp không phải vừa và nhỏ phải giữ tuyên bố trách nhiệm giải trình ít nhất 5 năm từ khi nộp vào hệ thống của EU; Nếu là vừa và nhỏ phải giữ số tham chiếu liên quan đến sản phẩm ít nhất 5 năm và cung cấp thông tin này khi có yêu cầu. Công khai báo cáo về hệ thống PEFC EUDR DDS của doanh nghiệp hàng năm, bao gồm các bước đã thực hiện để tuân thủ. Theo yêu cầu của mô đun tiêu chuẩn, doanh nghiệp không đưa ra thị trường các sản phẩm có liên quan từ các nguồn không xác định và/hoặc các nguồn gây tranh cãi và / hoặc không tuân thủ sẽ không được đưa vào nhóm sản phẩm PEFC khi PEFC EUDR DDS này được triển khai. Nếu biết rằng sản phẩm liên quan không thuộc phạm vi chuỗi hành trình sản phẩm PEFC có nguồn gốc từ các nguồn bất hợp pháp và/hoặc không được sản xuất theo luật pháp liên quan của nước sản xuất thì sẽ không được đưa ra thị trường.Nếu các mối quan ngại có căn cứ liên quan đến từ nguồn bất hợp pháp hoặc và/ hoặc không được sản xuất theo luật pháp có liên quan của nước sản xuất sẽ không được đưa ra thị trường, trừ khi các mối quan ngại đã được giải quyết.

Khuyến nghị Trong bối cảnh EU chưa đưa ra hướng dẫn thực hiện EUDR và thời gian chuẩn bị để đáp ứng EUDR không còn nhiều, đây là tài liệu hữu ích để các tổ chức, doanh nghiệp có thể tham khảo để xây dựng hệ thống trách nhiệm giải trình đáp ứng yêu cầu EUDR. Đối với các tổ chức đã có chứng nhận PEFC CoC hoặc đang xây dựng hệ thống quản lý theo hệ thống PEFC CoC, có thể thực hiện thêm các yêu cầu tại mô-đun tiêu chuẩn này để mở rộng phạm vi nhứng nhận PEFC CoC thành chứng nhận PEFC EUDR và thực hiện khai báo PEFC EUDR như một cơ chế để chứng minh rằng thông tin cần thiết đã được thu thập và hệ thống trách nhiệm giải trình đã được thực hiện cho thấy không có hoặc có rủi ro không đáng kể về việc tuân thủ yêu cầu EUDR.

Ở Việt Nam, Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) là tổ chức thực hiện Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) theo Quyết định số 1288/QĐTTg ngày 01/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia là thương hiệu được Tổ chức chứng nhận chứng chỉ rừng quốc tế PEFC công nhận vào tháng 10 năm 2020. VFCO được PEFC ủy quyền quản lý chứng nhận PEFC CoC, VFCS/PEFC và cấp phép sử dụng nhãn PEFC tại Việt Nam. VFCO sẽ tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn theo yêu cầu tiêu chuẩn PEFC EUDR DDS trong thời gian tới. Tổ chức có nhu cầu hỗ trợ, tìm hiểu về tiêu chuẩn PEFC EUDR DDS có thể liên hệ theo thông tin sau:

Gỗ Việt (Số 169 - Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững)