Doanh nghiệp chủ động thích ứng với EUDR
Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu sang EU gần 700 triệu USD gỗ và các sản phẩm gỗ. Để giữ vững cũng như mở rộng thị trường này, ngành gỗ Việt Nam và hiệp hội nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ nói riêng cần phải rất chủ động và tích cực trong việc thực hiện Quy định chống mất rừng của EU (EUDR).
Nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội
Các mặt hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng trong nước và gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các nguồn rủi ro thấp, có chứng chỉ bền vững như từ EU và Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có các con số thống kê về lượng gỗ rừng trồng trong nước được sử dụng trong các sản phẩm xuất khẩu vào EU. Việt Nam hiện đang thực hiện chính sách đóng cửa rừng tự nhiên và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động chuyển đổi rừng tự nhiên sang các mục đích sử dụng khác nên diện tích rừng tự nhiên không có biến động đáng kể. Do đó, ít có khả năng Việt Nam bị EU xếp loại rủi ro mất rừng cao nếu cung cấp đầy đủ bằng chứng chứng minh điều này.
Hơn nữa, các nhà mua tại EU đã và đang áp dụng nhiều tiêu chuẩn sản xuất và tiêu dùng bền vững tự nguyện đối với các sản phẩm gỗ, ví dụ các sản phẩm có chứng chỉ rừng quản lý rừng bền vững FSC.
Đồng thời, Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định VPA/FLEGT, cam kết tất cả các mặt hàng gỗ xuất khẩu sang EU là hợp pháp và không gây mất rừng. Hiện Việt Nam đang tích cực nội luật hóa và xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp VNTLAS để kiểm soát toàn bộ chuỗi cung, bao gồm cả chuỗi cung nội địa và xuất khẩu.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm giải trình đối với chuỗi cung ứng của mình. Theo EUDR, gỗ có chứng chỉ FLEGT nhìn chung đáp ứng được các yêu cầu đối với tính hợp pháp của sản phẩm. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa thể cấp phép FLEGT cho các lô hàng xuất khẩu sang EU do hệ thống chưa sẵn sàng vận hành.
EU là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Khi Quy định chống mất rừng EUDR đi vào thực thi, các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào EU cần phải đáp ứng được các yêu cầu về tính hợp pháp và không gây mất rừng của sản phẩm trong toàn bộ chuỗi cung, đồng thời nộp cam kết thẩm định chuỗi cung (due diligence statement) cho cơ quan thẩm quyền của EU.
Các yêu cầu của EUDR sẽ được các nhà nhập khẩu EU truyền tải tới các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu này sẽ tiếp tục chuyển các yêu cầu này tới các bên trực tiếp tham gia chuỗi cung ứng của mình, bao gồm các cơ sở chế biến, đại lý thu mua và nông hộ sản xuất.
Vì vậy, vai trò của các doanh nghiệp trong việc thực thi EUDR có ý nghĩa quyết định đối với quá trình đánh giá và xếp loại rủi ro của EU theo hướng thuận lợi cho ngành gỗ Việt Nam.
Các doanh nghiệp cần chủ động rà soát chuỗi cung ứng hiện tại của mình, xác định các rủi ro và từ đó đưa ra các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro này. Đối với chuỗi cung của mình, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan trong chuỗi, đặc biệt là mạng lưới tư thương và các nông hộ - những người cung nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp, nhằm đáp ứng với các yêu cầu của EUDR, bao gồm yêu cầu về truy xuất nguồn gốc đến tận vị trí của thửa đất sản xuất.
Bên cạnh đó, cần chủ động hợp tác với các doanh nghiệp nhập khẩu của EU để nắm bắt đầy đủ các quy định trong EUDR, tìm kiếm nguồn lực từ nhà nhập khẩu nhằm thay đổi, điều chỉnh chuỗi cung hiện tại của mình, qua đó đáp ứng chặt chẽ các yêu cầu của EUDR.
Các doanh nghiệp nên ưu tiên cho việc xây dựng các chuỗi cung nguyên liệu có chứng chỉ bền vững. Chuỗi cung này giúp đáp ứng được các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc này cần có sự hỗ trợ từ Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cũng như các hiệp hội thành viên trong cả nước.
Các hiệp hội có thể chủ trì việc xây dựng các báo cáo tổng quan về ngành để cung cấp thông tin về thực trạng sản xuất, các vùng nguyên liệu, chuỗi cung ứng, mối liên kết trong khâu sản xuất với nguồn tài nguyên rừng... và chia sẻ thông tin rộng rãi với các bên liên quan để các bên cập nhật được các thông tin khách quan về ngành, bao gồm cả những rủi ro liên quan tới mất rừng cũng như các nỗ lực phục hồi rừng và quản lý rừng bền vững.
Đồng thời, các hiệp hội cần tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để tập huấn, tuyên truyền thông tin về các yêu cầu của EUDR đến các doanh nghiệp cũng như đội ngũ thương lái và nông hộ sản xuất tham gia chuỗi.
Và những lưu ý cho doanh nghiệp
Theo EUDR, để chứng minh sản phẩm thỏa mãn cả hai điều kiện không gây mất rừng và hợp pháp, trước khi đưa sản phẩm vào lưu thông tại thị trường EU, doanh nghiệp cần nộp bản Cam kết thẩm định chuỗi cung (due diligence statement– gọi tắt là “Cam kết”) và sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ thông tin trong Cam kết này. Quá trình thẩm định chuỗi cung (due diligence) gồm 3 bước là thu thập thông tin, đánh giá rủi ro, và giảm thiểu rủi ro.
Mặt khác, EUDR yêu cầu các doanh nghiệp không thuộc diện vừa và nhỏ (SME) phải báo cáo công khai hàng năm về hệ thống trách nhiệm giải trình (due diligence system) và các việc đã làm để thẩm định chuỗi cung của mình.
Chúng tôi lưu ý rằng, cơ quan kiểm soát nhập khẩu của EU sẽ đánh giá thông tin rủi ro làm mất rừng có liên quan tới quá trình sản xuất sản phẩm tại quốc gia sản xuất (country benchmarking). Các quốc gia bị xếp loại rủi ro cao sẽ chịu mức kiểm tra 9% doanh nghiệp và 9% lô hàng nhập khẩu hàng năm. Ngược lại, chỉ có 1% doanh nghiệp nhập khẩu từ các quốc gia được xếp loại rủi ro thấp bị kiểm tra (không yêu cầu kiểm tra hàng hóa thực tế).
Trên cơ sở thông tin trong Cam kết thẩm định chuỗi cung của doanh nghiệp và đối chiếu với các nguồn thông khác, bao gồm thông tin chia sẻ từ các cơ quan quản lý hay bên liên quan khác ở nước sản xuất, cơ quan thẩm quyền của EU sẽ ra quyết định về kiểm tra doanh nghiệp và hàng hóa nhập khẩu.
Một số tiêu chí mà cơ quan kiểm soát nhập khẩu có thể sử dụng để khoanh vùng đối tượng cần kiểm tra bao gồm: loại sản phẩm, mức độ phức tạp và độ dài của chuỗi cung ứng, khả năng pha trộn các sản phẩm liên quan, quá trình chế biến sản phẩm, rủi ro lách luật, lịch sử không tuân thủ của doanh nghiệp v.v.
Kết quả đánh giá rủi ro của cơ quan kiểm soát nhập khẩu sẽ quyết định những doanh nghiệp và sản phẩm nào cần kiểm tra. Một số hình thức kiểm tra gồm có kiểm tra hệ thống trách nhiệm giải trình, bao gồm quy trình đánh giá và giảm thiểu rủi ro, thu thập và lưu trữ hồ sơ; kiểm tra hàng hóa thực tế; kiểm tra các biện pháp khắc phục... Việc kiểm tra sẽ không được báo trước cho doanh nghiệp trừ trường hợp cần thiết.
Nếu phát hiện vi phạm, các quốc gia thành viên EU thể ủy quyền cho các cơ quan kiểm soát nhập khẩu yêu cầu doanh nghiệp thanh toán các chi phí kiểm tra như lưu kho, giám định...
Ngoài tỷ lệ kiểm tra hàng năm bắt buộc nêu trên, các cơ quan kiểm soát nhập khẩu có thể tiến hành điều tra đột xuất khi họ phát hiện ra hoặc được tố giác bởi một bên thứ ba về các dấu hiệu vi phạm.
Khi cơ quan thẩm quyền EU xác định doanh nghiệp không tuân thủ quy định của EUDR hay sản phẩm đang được kinh doanh hay xuất khẩu vào thị trường EU không tuân thủ EUDR, cơ quan này sẽ yêu cầu doanh nghiệp hay chủ doanh nghiệp thực hiện các biện pháp khắc phục.
Nếu không thực hiện, các doanh nghiệp phải nộp phạt (tối đa 4% tổng doanh thu của doanh nghiệp trong năm trước đó tại EU), bị tịch thu tiền và hàng hóa trong giao dịch vi phạm, cấm tham gia trong thời hạn 12 tháng vào các gói thầu mua sắm công hoặc các hoạt động sử dụng ngân sách công. Thậm chí, là cấm tạm thời không cho phép doanh nghiệp đưa sản phẩm đó vào thị trường EU nếu vi phạm nặng.
Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp và hiệp hội cần tích cực, chủ động phối hợp với Chính phủ và các ban ngành trong quá trình 18 tháng (hoặc 24 tháng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ) chuẩn bị trước khi EU chính thức áp dụng EUDR vào tháng 12/2024.
Gỗ Việt (Tô Xuân Phúc - Forest Trends)
- Xuất khẩu khó, đã có nội địa
- Xuất khẩu gỗ liệu đã phục hồi?
- Đã có tín hiệu phục hồi của ngành gỗ
- Giữ mạch đập cho ngành gỗ
- Thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản giảm
- Xuất khẩu gỗ: Điểm sáng từ thị trường Ấn Độ và Trung Đông
- Nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Đông Nam Á giảm mạnh
- Xuất khẩu viên nén gỗ đang có xu hướng chậm lại
- Xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp chưa có tín hiệu tích cực
- Kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất văn phòng tiếp tục giảm mạnh
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu