Xuất khẩu gỗ liệu đã phục hồi?
7 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 7,21 tỉ USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đã có tín hiệu phục hồi kinh tế ở các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Gỗ Việt xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, sau sự sụt giảm mạnh về xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm của toàn ngành, nhiều ý kiến cho rằng, bức tranh xuất khẩu đang có tín hiệu phục hồi, quan điểm của ông như thế nào?
Tôi cho rằng, đây vẫn chỉ là dự báo. Lạm phát của Hoa Kỳ đang giảm, việc làm tại thị trường này cũng đang tăng lên, đặc biệt là vấn đề xây dựng và mua bán nhà bắt đầu có tín hiệu tích cực trở lại. Từ những tín hiệu này, kỳ vọng xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ - thị trường lớn nhất của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam (chiếm khoảng 60%) sẽ tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, hiện nay, rất khó để có thể đoán định tương lai gần. Bởi lẽ, lạm phát có giảm nhưng vẫn còn, xung đột quân sự vẫn diễn ra, cạnh tranh địa chính trị vẫn hiện hữu. Do đó, khó mà biết được thị trường sẽ phục hồi như thế nào. Dù vậy, theo tôi, tồn kho rồi sẽ giảm. Chắc chắn một điều các nhà mua hàng của Hoa Kỳ sẽ bắt đầu đặt hàng trở lại để bù đắp vào lượng hàng giảm từ tồn kho, tuy nhiên, đơn hàng sẽ không lớn như trước đây. Tuy nhiên, thị trường phục hồi và tốt trở lại như giai đoạn năm 2020 - 2022 thì cần thời gian.
Một số ý kiến cho rằng, trong giai đoạn vừa qua, ngành gỗ tăng trưởng quá nóng, nhất là giai đoạn Covid-19 và chứa đựng những yếu tố thiếu bền vững, ông bình luận gì về ý kiến này?
Giai đoạn Covid-19 là giai đoạn người Mỹ và EU ở nhà, họ quan sát trong gia đình và thấy rằng cần thay đổi một số sản phẩm đồ gỗ, do đó, nhu cầu mua sắm tăng lên. Mặt khác, trong thời gian Covid-19, Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ người dân rất nhiều, số tiền họ tung ra thị trường khá lớn, do đó, người dân có tiền dư thừa tích lũy để mua sắm. Tuy nhiên, nếu xem thị trường đồ gỗ toàn cầu thì vẫn đang tăng trưởng. Nhu cầu đồ gỗ không phải là mặt hàng thiết yếu nhưng là mặt hàng khá bền vững. Hi vọng trong tương lai ngành gỗ vẫn phát triển. Trong khi đó, ngành gỗ Việt Nam tham gia vào thị trường đồ gỗ toàn cầu chưa phải là lớn, do đó, dư địa sẽ vẫn còn. Về ý kiến cho rằng, ngành gỗ Việt Nam phát triển nóng thì cũng chưa hẳn. Do cạnh tranh thương mại, Hoa Kỳ áp thuế trợ cấp, thuế chống bán phá giá với sản phẩm của Trung Quốc. Việc này khiến một số đơn hàng của Trung Quốc đã sang Việt Nam. Mặt khác, các nhà máy của Việt Nam trong mấy năm gần đây đầu tư công nghệ thiết bị rất mạnh, cùng với việc mở rộng sản xuất khiến năng suất sản phẩm tăng lên. Nóng là với tỷ trọng tăng lên so với nhu cầu đồ gỗ toàn cầu khá lớn, tuy nhiên, số tăng của Việt Nam trên thị trường đồ gỗ toàn cầu chưa phải là lớn. Do đó, tôi cho rằng, ngành gỗ Việt Nam không phải tăng trưởng nóng.
Nhiều ý kiến cho rằng, khả năng đạt mục tiêu đặt ra về kim ngạch xuất khẩu sẽ khó đạt được, ông nhận định như thế nào về việc này? Nếu lấy doanh số xuất khẩu 6-7 tháng đầu năm thì mục tiêu từ nay đến cuối năm tăng trưởng đạt con số xuất khẩu 16 - 17 tỷ USD là khó. Tôi cho rằng, con số 15 tỷ USD là khả thi hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường khó khăn chung, không chỉ riêng với ngành gỗ thì đây vẫn là con số cần được ghi nhận.
Những khó khăn từ thị trường, quay trở lại nội tại ngành gỗ, theo ông, điểm yếu của các doanh nghiệp hiện nay là gì?
Tôi cho rằng, điểm yếu đầu tiên của ngành gỗ đó chính là quản trị. Trong giai đoạn đơn hàng ít như hiện nay, đây là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại mình, từ đó tái cơ cấu lại, trong đó, cơ cấu lại quản trị là điều nên làm thời điểm này. Thứ hai là vấn đề thị trường, doanh nghiệp cần phát triển thêm các thị trường dự phòng như Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản,… bên cạnh các thị trường chính là Hoa Kỳ, EU. Tránh việc “bỏ trứng vào cùng một giỏ”.
Xin cám ơn ông!
Gỗ Việt (Tạp chí Gỗ Việt, Số 158 - Hà Anh)
- Đã có tín hiệu phục hồi của ngành gỗ
- Giữ mạch đập cho ngành gỗ
- Thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản giảm
- Xuất khẩu gỗ: Điểm sáng từ thị trường Ấn Độ và Trung Đông
- Nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Đông Nam Á giảm mạnh
- Xuất khẩu viên nén gỗ đang có xu hướng chậm lại
- Xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp chưa có tín hiệu tích cực
- Kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất văn phòng tiếp tục giảm mạnh
- 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm 30,4% so với cùng kỳ
- Nhập khẩu gỗ nguyên liệu giảm mạnh