4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm 30,4% so với cùng kỳ
4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,9 tỷ USD, giảm 30,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính, trong tháng 4/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,1 tỷ USD, giảm 3,3% so với tháng 3/2023 và giảm 31,4% so với tháng 4/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 814 triệu USD, tăng 5,2% so với tháng 3/2023, nhưng giảm 29,5% so với tháng 4/2022.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,9 tỷ USD, giảm 30,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2,64 tỷ USD, giảm 37,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Về mặt hàng, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ trong quý I/2023, với tỷ trọng chiếm 58,28% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 1,6 tỷ USD, giảm 40,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu tới châu Mỹ chiếm 78,3%; tiếp theo là châu Á chiếm 11,7%; châu Âu chiếm 8,5%...
Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong quý I/2023, dăm gỗ và viên nén gỗ là 2 mặt hàng xuất khẩu có tỷ trọng tăng nhanh. Trong đó, dăm gỗ chiếm 18,7% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 7,3 điểm phần trăm so với quý I/2022; trị giá xuất khẩu viên nén gỗ chiếm 6,32%, tăng 2,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022.
Dăm gỗ và viên nén gỗ xuất khẩu chủ yếu tới khu vực châu Á với trị giá chiếm 98,6% tổng trị giá xuất khẩu 2 mặt hàng này; tiếp theo là châu Âu, châu Phi và châu Đại Dương.
Về thị trường, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu chủ yếu tới khu vực châu Mỹ và châu Á trong quý I/2023, trong đó trị giá xuất khẩu tới châu Mỹ dẫn đầu đạt 1,45 tỷ USD, giảm 42,6% so với cùng kỳ năm 2022; tiếp theo là khu vực châu Á đạt 1,15 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong ngắn hạn vẫn chưa có nhiều dấu hiệu tích cực, bởi lạm phát vẫn còn ở mức cao, dẫn tới người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu làm giảm nhu cầu nhập khẩu tại nhiều thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam.
Hiện, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới châu Âu, Châu Đại Dương và châu Phi chỉ chiếm tỷ trong nhỏ trong cơ cấu thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, có nhiều tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới khu vực châu Âu, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ bởi nhu cầu thị trường lớn, nhưng Việt Nam chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.
Điển hình như thị trường EU, với nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ trung bình đạt 23,1 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2018 – 2022 (theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế - ITC), nhưng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm trung bình 2,6% tổng trị giá nhập khẩu của EU trong giai đoạn này.
Gỗ Việt
- Nhập khẩu gỗ nguyên liệu giảm mạnh
- Hà Lan giảm nhập khẩu đổ nội thất bằng gỗ từ thị trường Việt Nam
- Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU giảm mạnh
- Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ giảm 2 con số
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Canada giảm 2 con số
- Hi vọng từ thị trường Hoa Kỳ
- Tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng trong việc hoàn thuế VAT
- Malaysia đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ đạt 28 tỷ RM vào năm 2025
- Xuất khẩu đồ gỗ gặp khó, doanh nghiệp xoay chuyển thị trường
- Nửa đầu năm 2022, đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu tới thị trường Hàn Quốc giảm 17,5%