Xuất khẩu gỗ: Điểm sáng từ thị trường Ấn Độ và Trung Đông
Trong khi xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường truyền thống tụt giảm từ 50 - 60% thì thị trường Ấn Độ và Trung Đông trở thành điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu toàn ngành.
4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang các thị trường chính đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 2,02 tỷ USD giảm 37,9%; Nhật Bản 556,2 triệu USD giảm 1,5%; Hàn Quốc đạt 273,5 triệu USD giảm 22,2%; Trung Quốc đạt 481,2 triệu USD giảm 12,8%; Anh đạt 60,33 triệu USD giảm 38%; Australia đạt 35,7 triệu USD giảm 39,7%,…
Theo thông tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, về tình hình đơn hàng, thông tin sơ bộ từ các doanh nghiệp chế biến gỗ cho thấy, đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ giảm từ 50 - 55% tùy từng chủng loại sản phẩm gỗ, đồ gỗ.
Riêng đối với mặt hàng gỗ dán, hiện chỉ còn một vài doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu sang thị trường này. Tương tự, đối với mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm, đơn hàng giảm sâu, nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng mới.
Đối với nhóm sản phẩm khác nhận được đặt hàng trong ngắn hạn, nhiều doanh nghiệp cho biết từ sau tháng 7 không có đơn hàng. Nhiều doanh nghiệp đã cho công nhân nghỉ, chỉ sản xuất khoảng 30% công suất của nhà máy.
Tương tự đối với thị trường EU đã giảm tới 60%, các đơn hàng mới hiện rất ít, mặc dù hiện đang là mùa hàng của EU.
Hiện thị trường Hoa Kỳ, chiếm tới 55 - 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam. Tín hiệu về thị trường gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu tại thị trường Hoa Kỳ như sau: đối với các sản phẩm thuộc nhóm mặt hàng ghế ngồi và đồ gỗ, Hoa Kỳ đang nhập ổn định và dần gia tăng giá trị nhập từ các thị trường gần như Mexico, Canada.
Mặc dù, mức tăng không lớn cho thấy chính sách chuyển dịch một phần chuỗi cung của các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ sang chiến lược mua gần bờ/các quốc gia lân cận để giảm tác động của chi phí/thời gian giao hàng do thiếu hụt tàu biển/logistic, chủ động nguồn cung trước nhu cầu sản phẩm tùy chọn của người tiêu dùng ngày càng tăng.
Tương tự đối với các mặt hàng thuộc nhóm HS 44, Việt Nam có lợi thế ở sản phẩm gỗ dán và nhóm mặt hàng phục vụ cho xây dựng, cụ thể mặt hàng gỗ dán (HS 4412), Mặt hàng đồ gỗ phục vụ cho xây dựng (HS 4418). Số liệu từ Trade map cho thấy Hoa Kỳ đang tăng giá trị nhập từ Canada, Brazil, Mexico.
Về thị trường EU, hiện chiếm khoảng 4 - 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ. Mặt hàng chủ yếu doanh nghiệp ngành gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này là các mặt hàng thuộc nhóm HS 94 (đồ gỗ). Tuy nhiên, gần đây nhóm kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này giảm, nhưng giá trị xuất khẩu mặt hàng gỗ dán phục vụ cho xây dựng sang thị trường này lại tăng.
Thị trường Ấn Độ không phải là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Tuy nhiên số liệu từ hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này 4 tháng năm 2023 đạt 21,19 triệu USD tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022 (7,6 triệu USD). Mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này là MDF, chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này.
Tương tự, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang các nước thuộc thị trường Trung Đông tăng cao trong 4 tháng năm 2023. UAE là thị trường chính, 4 tháng đầu năm 2023 đạt 11,2 triệu USD tăng 38% so với năm 2023. Mặt hàng chính xuất khẩu sang thị trường này gồm đồ gỗ sử dụng trong xây dựng (HS 4418); ghế ngồi (HS 9401); đồ gỗ (HS 9403).
Dù đang là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của ngành gỗ, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, tại thị trường Ấn Độ thị hiếu tiêu dùng khác với châu Âu và Hoa Kỳ. Sản phẩm sử dụng là hàng “may đo” và không phù hợp với sản xuất của Việt Nam. Chỉ có giới trẻ hiện nay tại Ấn Độ mới sử dụng các mặt hàng giống như các nước phương Tây, tuy nhiên, tỷ lệ này chưa nhiều.
“Xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Ấn Độ có thể tăng, nhưng tăng với số nhỏ thì không có ý nghĩa gì. Ví dụ, lâu nay chúng ta xuất khẩu sang thị trường này với con số 20 triệu USD, nếu có tăng 3 lần thì cũng chỉ đạt con số 60 triệu USD, thì cũng không ăn thua so với con số xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ 8-9 tỷ USD”, ông Nguyễn Liêm cho biết, “Việc này cũng tương tự như đối với thị trường UAE - thị trường không lớn, còn những dự án lớn thì các tập đoàn lớn của nước ngoài đã chiếm lĩnh rồi”.
Nhận định về thị trường, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cũng cho rằng, hiện Hoa Kỳ vẫn là thị trường quan trọng hàng đầu của ngành gỗ Việt Nam. Để có lợi thế cạnh tranh tại thị trường này, doanh nghiệp gỗ Việt rất cần thông tin để đánh giá lại sản phẩm chiến lược, sản phẩm có tiềm năng mà doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh.
Với thị trường EU, trước diễn biến trái chiều đối với mặt hàng gỗ dán, doanh nghiệp ngành gỗ mong muốn có thông tin về thị trường, yêu cầu chất lượng, đánh giá tiềm năng đối với dòng sản phẩm này.
Với thị trường Ấn Độ, doanh nghiệp ngành gỗ mong muốn tìm hiểu thông tin về tiềm năng đối với các sản phẩm gỗ trong đó có đánh giá nhu cầu về sản phẩm MDF và các sản phẩm khác. Còn tại thị trường Trung Đông, doanh nghiệp mong muốn khảo sát tiềm năng về cơ hội xuất khẩu sang thị trường này và các mặt hàng tiềm năng.
Về phía doanh nghiệp, để cạnh tranh với các doanh nghiệp gỗ tại các nước như Ấn Độ, Indonesia,… đổi mới công nghệ là mục tiêu mà doanh nghiệp hướng tới để giảm giá thành, tận dụng nguyên liệu đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp Việt còn yếu ở các khâu xử lý nguyên liệu đầu vào như công nghệ sấy gỗ, xẻ, hóa chất, để xử lý tránh gỗ bị mốc,….
Đầu vào của ngành gỗ ngoài nguyên liệu gỗ cần nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng thì các loại vật liệu khác như đinh, ốc, vít, .. cũng cần có quy chuẩn chất lượng đồng bộ. Hiện chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đây cũng đang là những khó khăn mà doanh nghiệp ngành gỗ đang gặp phải.
Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Hoa Kỳ suy giảm theo tình hình chung, nhưng đây vẫn là thị trường quyết định tăng trưởng của ngành gỗ. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục giữ vững thị trường này bằng việc cập nhật thông tin, chuyển đổi sản xuất theo xu hướng tiêu dùng của thị trường. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối lớn như Walmart, Costco và Amazon. Đây là cách để phát triển thương hiệu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào khâu trung gian.
Gỗ Việt Số 155
- Nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Đông Nam Á giảm mạnh
- Xuất khẩu viên nén gỗ đang có xu hướng chậm lại
- Xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp chưa có tín hiệu tích cực
- Kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất văn phòng tiếp tục giảm mạnh
- 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm 30,4% so với cùng kỳ
- Nhập khẩu gỗ nguyên liệu giảm mạnh
- Hà Lan giảm nhập khẩu đổ nội thất bằng gỗ từ thị trường Việt Nam
- Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU giảm mạnh
- Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ giảm 2 con số
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Canada giảm 2 con số
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu