Xuất khẩu khó, đã có nội địa

28/09/2023 15:15
Xuất khẩu khó, đã có nội địa

Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, xuất khẩu lâm sản trong tháng 8/2023 chỉ đạt 1,19 tỉ USD, giảm 21,5% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu lâm sản chỉ đạt 8,95 tỉ USD, giảm 25,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,21 tỉ USD, giảm 26,2%, lâm sản ngoài gỗ 580 triệu USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy, ngành gỗ vẫn đang đứng trước những thách thức và khó khăn lớn trong việc xuất khẩu. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, cho biết các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng thông qua tổ chức các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, đồng thời xúc tiến vào các thị trường mới như Trung Đông. Hiện nay, số đơn hàng mới về chưa nhiều nhưng đủ để các doanh nghiệp chống chịu qua giai đoạn này.

"Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Chủ trương của Chính phủ là giảm lãi suất cho doanh nghiệp và giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, nhưng đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại chưa thực hiện đầy đủ chủ trương này", ông Liêm nói, đồng thời cho biết doanh nghiệp chưa nhận được thông báo giảm lãi cho các khoản vay cũ, chủ yếu chỉ áp dụng cho các khoản vay mới, thậm chí một số ngân hàng chỉ cho vay khi doanh nghiệp có đơn hàng. Nhưng trong khi xuất khẩu gặp khó khăn thì thị trường nội địa vẫn còn nhiều dư địa chưa được khai thác hết. Theo ông Võ Quang Hà, Chủ tịch Tavico Group, với dân số 100 triệu dân, tốc độ đô thị hóa nhanh, mỗi năm ước tính có tới 70-80 triệu m2 nhà ở được xây dựng, dẫn đến nhu cầu về các sản phẩm nội ngoại thất tăng cao. Nhưng hiện nay thị trường đồ gỗ nội địa vẫn còn bỏ ngỏ cho các sản phẩm ngoại nhập.

Đây là giải pháp hữu ích giúp các doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ đa dạng hoá đầu ra, mở rộng cơ hội kinh doanh mới, gia tăng doanh thu, giảm rủi ro phụ thuộc vào xuất khẩu. Phát huy sức mạnh tổng hợp giữa thị trường nội địa tiềm năng và sự tăng trưởng liên tục của xuất khẩu. Đây chính là một trong những lý do khiến Tavico tổ chức Hội chợ đồ gỗ xuất khẩu phục vụ thị trường nội địa (TavicoHome Vietfurn 365 với phương châm "biến thách thức thành cơ hội", một giải pháp hiệu quả cho đầu ra của ngành sản xuất, chế biến gỗ Việt Nam trong thời điểm hiện nay. Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, khi xuất khẩu đang vô cùng khó khăn, thì quay về thị trường nội địa là một trong những giải pháp hữu ích giúp các doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ đa dạng hoá đầu ra, mở rộng cơ hội kinh doanh mới, gia tăng doanh thu, giảm rủi ro phụ thuộc vào xuất khẩu. Phát huy sức mạnh tổng hợp giữa thị trường nội địa tiềm năng và sự tăng trưởng liên tục của xuất khẩu. Quay lại thị trường nội địa không những giúp các doanh nghiệp gỗ không bỏ phí tiềm năng tiêu thụ trong nước mà còn giúp người tiêu dùng Việt Nam sở hữu các sản phẩm nội thất chất lượng cao do chính Việt Nam sản xuất, và có thể nói, người tiêu dùng trong nước được hưởng lợi nhất. “Với việc tổ chức TavicoHome Vietfurn 365 – Hội chợ phục vụ thị trường nội địa được tổ chức ngay trên làng nghề gỗ truyền thống Hố Nai, đây là thủ phủ của ngành gỗ vùng Đông Nam Bộ, trung tâm của tứ giác phát triển thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là nơi tạo ra kết nối các đối tác, khách hàng tiềm năng và sự thuận lợi trong các giao dịch”.

Theo ông Võ Quang Hà, Hội chợ TavicoHome Viefurn 365 làm tiền đề cho việc hình thành một địa điểm giới thiệu sản phẩm “gỗ Tây - giá Ta - không nơi nào bằng” phục vụ người tiêu dùng trong nước quanh năm. Hội chợ này cũng nhận được sự quan tâm của nhiều hiệp hội chế biến gỗ, các nhà thầu xây dựng lớn, các đơn vị thiết kế, các nhà phát triển bất động sản uy tín…

Gỗ Việt ( Số 159 - Dũng Trần)