Khôi phục rừngTây Nguyên: Phát triển và bảo vệ tài nguyên rừng

29/06/2016 10:35
Khôi phục rừngTây Nguyên: Phát triển và bảo vệ tài nguyên rừng

 Trong nhiều thập kỷ qua, Tây Nguyên luôn được coi là “mái nhà” của các nước Đông Dương. Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương và chính sách bảo vệ và phát triển rừng. Những năm gần đây, trong khi diện tích rừng trồng trong cả nước liên tục tăng, thì hiện trạng rừng ở Tây nguyên đang có xu hướng suy giảm nghiêm trọng cả về diện tích và chất lượng rừng.
 

 Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết ngày 31/ 12/ 2014, tổng diện tích rừng tự nhiên ở 5 tỉnh Tây Nguyên là 2.253.082 ha, giảm so với năm 2010, như vậy trong vòng 5 năm đã có 273 nghìn ha rừng tự nhiên ở Tây Nguyên đã bị mất, nguyên nhân của tình trạng là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất có rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cao su, cây công nghiệp và cây ăn quả,... tổng diện rừng chuyển đổi này chiếm 110 nghìn ha (chiếm 40,3%). Việc chuyển mục địch sử dụng đất có rừng sang mục đích khác theo quy hoạch của địa phương cũng kéo theo việc mất rừng tự nhiên và tổng diện tích này chiếm 13,8% tương đương với 37.800 ha rừng. Nguyên nhân còn lại được cho là do việc lấn chiếm đất rừng để lấy đất canh tác, sản xuất nông nghiệp và trồng cây công nghiệp. Song song với với diện tích rừng giảm thì về trữ lượng rừng cũng giảm tới 57 triệu m3 , tương ứng giảm 17,4% Vũ Huy từ 327,5 triệu m3 năm 2010 xuống 270,5 triệu m3 năm 2015, trong đó rừng giàu giảm gần 20 triệu m3 , rừng trung bình tăng 12 triệu m3 và rừng nghèo kiệt giảm gần 67 triệu m3.
 Cũng theo báo cáo, trong năm 2015 tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép vẫn diễn ra nghiêm trọng, đã phát hiện và xử lý 6.034 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, tăng 463 vụ so với năm 2014, trong đó phá rừng trái phép: 974 vụ với diện tích rừng bị phá là 550,8 ha; khai thác gỗ và lâm sản trái pháp luật: 656 vụ; cất giữ, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép: 4.361 vụ.
 Tình trạng này trong 5 tháng đầu năm 2016 vẫn tiếp diễn, với 1.724 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng bị phát hiện và xử lý, trong đó chiếm tỷ lệ nhiều nhất vẫn là các vụ việc vi phạm về phá rừng trái phép (375 vụ); buôn bán vận chuyện lâm sản trái pháp luật (804 vụ),.. 
 Các nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do sức ép về phát triển kinh tế, xã hội ngày càng gia tăng. Nhiều cơ quan, đơn vị, chính quyền chưa quan tâm, thực hiện trách nhiệm được giao, chưa quyết liệt trong quản lý bảo vệ rừng. Công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp còn bộc lộ nhiều yếu kém và chậm triển khai chủ trương xã hội hóa công tác quản lý rừng, tránh để rừng “vô chủ” giao rừng cho các tổ chức quản lý. Quản lý các cơ sở chế biến gỗ, các tụ điểm mua, bán gỗ chưa có quy hoạch chưa gắn kết với quy hoạch nguồn nguyên liệu. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển lâm nghiệp khu vực Tây Nguyên chưa đủ mạnh, nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư chưa tương xứng. 
 Đứng trước thực trạng khó khăn này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, trong 5 năm tới, Tây Nguyên phải bảo vệ và khôi phục được 2,7 triệu ha rừng, nâng tỉ lệ che phủ rừng lên 49,8%. Phát triển lâm nghiệp đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng hợp lý tài nguyên rừng. Bảo vệ, duy trì và kiên quyết không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác, kể cả các dự án được phê duyệt và triển khai trừ các dự án liên quan tới quốc phòng và an ninh quan trọng.
  Không thực hiện chủ trường chuyển rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp. Tại Tây Nguyên diện tích cây công nghiệp nhất là diện tích cây cà phê khá lớn, do đó các tỉnh phải đi vào thâm canh và chế biến sâu chứ không được mở rộng tràn lan. Ngừng cấp phép các công trình thủy điện liên quan tới lấn chiếm đất rừng và rừng, yêu cầu các dự án thủy điện thực hiện nghiêm nhiệm vụ trồng rừng thay thế, kiên quyết thu hồi giấy phép đối với các dự án không trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên phải được đóng cửa và quản lý chặt chẽ.
GỖ VIỆT số 79
VŨ HUY