Rủi ro trong gian lận thương mại đối với mặt hàng tủ bếp và ghế sofa

19/10/2020 07:55
Rủi ro trong gian lận thương mại đối với mặt hàng tủ bếp và ghế sofa

Báo cáo Rủi ro trong gian lận thương mại quốc tế các mặt hàng đồ gỗ: Trường hợp tủ bếp và ghế sofacung cấp một số thông tin có liên quan tới rủi ro tới một số mặt hàng xuất khẩu. Báo cáo được công bố tại Hội thảo Xác định và kiểm soát rủi ro trong xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam” do các Hiệp hội Gỗ phối hợp với Tổ chức FOREST TRENDS tổ chức vào ngày 16 tháng 10 năm 2020 tại Hà Nội.

Cuộc chiến thương mại giữa 2 cường quốc Mỹ - Trung đã và đang tạo cơ hội cho việc mở rộng thị trường tại Mỹ cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nhằm thay thế một phần các mặt hàng từ Trung Quốc bị Chính phủ Mỹ áp các mức thuế mới. Tuy nhiên cuộc chiến này cũng tạo ra những rủi ro mới cho Việt Nam, bao gồm rủi ro về gian lận xuất xứ. Rủi ro này xảy ra khi các mặt hàng của Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam lấy nhãn mác, xuất xứ sau đó được xuất khẩu vào Mỹ.

Thông qua nghiên cứu trường hợp đối với mặt hàng tủ bếp và gỗ dán – những mặt hàng có tín hiệu gian lận xuất xứ - Báo cáo này mô tả cách thức gian lận thương mại của một số công ty Trung Quốc đang tham hoạt động tại Việt Nam. Thông tin thu thập từ các nghiên cứu trường hợp này cho thấy một số tín hiệu cho phép định vị một mặt hàng có tín hiệu rủi ro gian lận xuất xứ.

Báo cáo được công bố tai Hội thảo "Xác định và kiểm soát rủi ro trong xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam"

Báo cáo Rủi ro trong gian lận thương mại quốc tế các mặt hàng đồ gỗ: Trường hợp tủ bếp và ghế sofa  cung cấp một số thông tin có liên quan tới rủi ro tới một số mặt hàng xuất khẩu. Trong khuôn khổ của Báo cáo này, rủi ro thương mại đối với một mặt hàng gỗ nào được hiểu khi mặt hàng đó có sự hội tụ đầy đủ của các yếu tố sau:

(1) Giá trị xuất khẩu của mặt hàng này từ Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu.

(2) Giá trị kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng đó từ Việt Nam sang Mỹ tăng nhanh, thậm chí ở mức đột biến, đặc biệt từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

(3) Giá trị kim ngạch nhập khẩu mặt hàng đó, hoặc các bộ phận hình thành mặt hàng đó, từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh, có thể ở mức đột biến.

(4) Sản xuất mặt hàng đó hoặc bộ phận của các mặt hàng đó tại Việt Nam không mở rộng nhanh.  

(5) Các công ty tham gia vào các hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu mặt hàng này chỉ tập trung vào 1 mặt hàng duy nhất/các bộ phận của mặt hàng này. Hầu hết các công ty mới thành lập từ 2018 trở lại đây. Công ty này trực tiếp tham gia nhập khẩu mặt hàng /bộ phận mặt hàng này từ Trung Quốc và trực tiếp tham gia xuất khẩu mặt hàng /bộ phận của mặt hàng này sang Mỹ.

(6) Các công ty hoặc nhà cung cấp chính tại Trung Quốc cung cấp mặt hàng đó cho công ty ở Việt Nam nằm trong danh sách bị thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp ở mức thuế cao.

(7) Hệ thống tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Mỹ được kế thừa từ hệ thống mà công ty từ Trung Quốc xuất khẩu mặt hàng đó/bộ phận của mặt hàng đó cho Việt Nam đã thiết lập trước đó.

Báo cáo chỉ tập trung phân tích các dữ liệu nằm trong khâu xuất, nhập khẩu khẩu của mặt hàng tủ bếp và ghế sofa nằm trong các nhóm mã HS cụ thể, bao gồm:

  • Tủ bếp (HS 94034000).
  • Ghế sofa (HS 94016100, 94017100, 94017900/90 và 94019099).

Trong xuất, nhập khẩu, tủ bếp còn được khai báo dưới các mã HS khác nhau, thuộc bộ phận của đồ gỗ (HS 940360 và 940390) hoặc trong nhóm các mặt hàng thuộc mã HS 4418, 4419, 4420 và 4421. Do tính chất phức tạp của các mã khai báo, Báo cáo này không thống kê chi tiết các mặt hàng theo các mã liệt kê này. Điều này có nghĩa rằng có thể giá trị kim ngạch thực tế của việc xuất, nhập khẩu 2 mặt hàng tủ bếp và ghế sofa – là 2 mặt nằm trong phạm vi của Báo cáo – từ Trung Quốc vào Việt Nam, và từ Việt Nam sang Mỹ - lớn hơn so với giá trị kim ngạch mà Báo cáo này chỉ ra.

Báo cáo tập trung vào gian lận thương mại ở khâu xuất xứ, cụ thể tới khía cạnh các công ty Trung Quốc nhập khẩu sản phẩm hoặc bộ phận sản phẩm tủ bếp và ghế sofa từ Trung Quốc vào Việt Nam, lấy xuất xứ tại Việt Nam để xuất khẩu đi Mỹ. Các hình thức gian lận thương mại khác như lẩn tránh thuế khi mua nguyên liệu đầu vào, vi phạm thuế giá trị gia tăng… của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (nếu có) không nằm trong nội dung của Báo cáo này. Gian lận thương mại ở khâu xuất xứ cũng có thể xảy ra khi doanh nghiệp nước ngoài núp tên của doanh nghiệp Việt Nam tổ chức các hoạt động xuất nhập khẩu. Báo cáo này cũng chưa có thông tin liên quan đến vấn đề đầu tư núp bóng này. 

Báo cáo tập trung vào 2 mặt hàng tủ bếp và ghế sofa từ Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, là nhóm mặt hàng hiện có các tín hiệu từ (a) tới (g) nêu trên. Các mặt hàng khác có thể cũng ẩn chứa các rủi ro trong gian lận xuất xứ, tuy nhiên không nằm trong phạm vi của Báo cáo này. Tuy giới hạn vào 2 mặt hàng tủ bếp và ghế sofa, các thông tin về các mặt hàng này và các kiến nghị về cơ chế chính sách nhằm kiểm soát gian lận thương mại có thể có giá trị tham khảo đối với các mặt hàng gỗ khác có tín hiệu gian lận thương mại.

Báo cáo kiến nghị: (1) Các cơ quan chức năng Việt Nam phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp trong việc xác các mặt hàng rủi ro và các công ty có hành vi gian lận; (2) Xây dựng kênh kết nối thông tin giữa các hiệp hội gỗ và cơ quan quản lý nhằm cập nhật thường xuyên thông tin về các dấu hiệu gian lận từ đó xác định các biện pháp can thiệp kịp thời; (3) Các hiệp hội, thành viên của hiệp hội xây dựng lòng tin và liên kết với các doanh nghiệp của Trung Quốc làm ăn chân chính tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia sản xuất mặt hàng hiện nằm trong danh sách mặt hàng rủi ro. Thông quan các kết nối này, các hiệp hội thu thập thông tin về các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn không chân chính và chia sẻ với các cơ quan quản lý; (4) Chính phủ thành lập nhóm hành động, với sự tham gia của bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý và đại diện của hiệp hội gỗ, các chuyên gia công nghệ thông tin, chuyên gia thuế, công nghệ chế biến, nhằm phát hiện và từ đó đưa ra các biện pháp xử lý nhanh, hiệu quả đối với các hành vi gian lận; và (5) Các cơ quan quản lý cần tăng cường nguồn lực, kiểm tra giám sát chặt chẽ khâu cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm xuất khẩu.

Để biết thông tin chi tiết của báo cáo, vui lòng tải toàn văn báo cáo tại đây

Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ khi sử dụng thông tin trong báo cáo

Gỗ Việt