Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Sự tiếp sức kịp thời từ Chính phủ

26/03/2020 09:29
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Sự tiếp sức kịp thời từ Chính phủ

Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào đầu tháng 3 có ý nghĩa như thế nào với ngành gỗ trong tình hình hiện tại?

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất chính sách tín dụng phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỉ đồng). 

Khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30 nghìn tỉ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch Covid-19.

Trong khi đó, ngành gỗ đang gặp tác động lớn từ dịch Covid-19, doanh nghiệp thiếu nguồn cung các nguyên phụ liệu để sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu, vì các phụ kiện nhập khẩu tại TQ bị ảnh hưởng. Các đơn hàng mới sẽ chậm từ 3- 6 tháng, khiến cho khâu sản xuất bị trì trệ, khách hàng chậm giao hàng theo đơn hàng đã ký, chậm thanh toán tiền hàng và tác động đến dòng chu chuyển tiền và khả năng thanh khoản của doanh nghiệp Việt. Chi phí vận chuyển tăng từ 3-5 USD/m2 gỗ và làm cho giá thành sản phẩm sẽ cao lên và gây khó khăn cho doanh nghiệp. Dăm gỗ và viên nén, hai mặt hàng quan trọng chiếm tới 20% giá trị xuất khẩu của ngành gỗ bị ảnh hưởng, tác động xấu trực tiếp đến hơn 1 triệu hộ nông dân đang trồng rừng để cung ứng nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ của ngành. Các thị trường trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, … hiện đang diễn biến phức tạp về dịch bệnh ảnh hưởng mạnh đến khả năng nhận hàng, phân phối và tiêu thụ đồ gỗ tại các thị trường lớn này nhất là vào cao điểm mùa bán hàng Xuân - Hè. 

Và Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ gần như đã là lời giải đáp cho hàng loạt những khó khăn mà các doanh nghiệp ngành gỗ đang đối mặt như những vấn đề về thuế, khi doanh nghiệp kiến nghị giảm thuế xuất khẩu từ 2,5% xuống còn 0% đến hết năm 2020, trả chậm thuế VAT nhập khẩu nguyên liệu gỗ nhằm hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp. Gia hạn nộp thuế đến hết năm và đẩy nhanh hoàn thuế đối với các doanh nghiệp ngành gỗ. Xem xét tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp ngành gỗ đến hết tháng 12 năm 2020 và không tính lãi phạt chậm nộp. 

Về tín dụng và vốn, Chỉ thị 11 giúp các doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ thêm 3-6 tháng, không tính lãi suất phạt quá hạn. Giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu gồm dư nợ vay ngắn hạn, trung dài hạn (VNĐ và USD). Cho vay mới với lãi suất ưu đãi, giảm phí thủ tục... trong gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỉ đồng của Chính phủ và các gói hỗ trợ tín dụng riêng của các ngân hàng thương mại. 

MẠNH HÙNG - GV 120