Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ vùng địa lý tích cực và rủi ro: Cập nhật hết 10 tháng đầu năm 2021

19/12/2021 06:06
Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ vùng địa lý tích cực và rủi ro: Cập nhật hết 10 tháng đầu năm 2021

Báo cáo được công bố tại Hội nghị giao ban “Đánh giá kết quả năm 2021 và bàn các giải pháp đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2022” vừa qua được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam tổ chức ngày 17 tháng 12 năm 2021 vừa qua tại Bình Dương. Báo cáo đưa ra thông tin cập nhật về tình hình nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các quốc gia tích cực (gỗ ít rủi ro) và quốc gia không tích cực (gỗ rủi ro). Lượng gỗ ít rủi ro chiếm tỷ trọng khoảng 2/3 trong tổng lượng nhập khẩu, phần còn lại là gỗ rủi ro.  Lượng gỗ ít rủi ro được nhập khẩu vào Việt Nam có xu hướng tăng, từ khoảng 68% trong tổng lượng nhập khẩu năm 2020 (tương đương 3,88 triệu m3 quy tròn) lên 72% trong 10 tháng đầu 2021 (3,8 triệu m3).

Nghị định 102-2020/NĐ-CP ngày 1 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về Quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam đưa ra các tiêu chí xác định một quốc gia cung gỗ nguyên liệu (gỗ tròn, xẻ) cho Việt Nam thuộc vùng địa lý tích cực hoặc không tích cực. Nghị định quy định rõ gỗ từ nguồn không tích cực (hay thường được gọi là gỗ rủi ro) khi nhập khẩu vào Việt Nam phải chịu sự kiểm tra chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, trong khi gỗ nhập khẩu từ vùng địa lý tích cực được coi là gỗ ít rủi ro và vì vậy cơ chế kiểm tra đối với nguồn gỗ nhập khẩu từ nguồn này dễ dàng hơn (không yêu cầu bổ sung tài liệu giải trình). Nhằm thực thi Nghị định, Quyết định số 4832/2020/BNN-TCLN ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN & PTNT) công bố danh sách các quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực. Tổng số có 51 quốc gia thuộc danh sách này. Toàn bộ các quốc gia nằm ngoài danh sách này được coi là các quốc gia không tích cực.

Báo cáo được chia sẻ tại Hội nghị giao ban ngành gỗ do Bộ NN và PTNT và VIFOREST tổ chức vào ngày 17/12/2021 tại Bình Dương 

Báo cáo này đưa ra thông tin cập nhật về tình hình nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các quốc gia tích cực (gỗ ít rủi ro) và quốc gia không tích cực (gỗ rủi ro). Trong báo cáo này gỗ nguyên liệu là tròn và gỗ xẻ. Đây là hai nhóm mặt hàng nguyên liệu gỗ được nhập chủ yếu vào Việt Nam cả về lượng và giá trị kim ngạch. Báo cáo không đề cập tới các loại ván nhân tạo. Số liệu trong báo cáo được tổng hợp từ nguồn dữ liệu thống kê nhập khẩu của Tổng cục Hải quan. Mặc dù quy định về vùng địa lý tích cực /không tích cực mới được ban hành vào cuối năm 2020, để tạo sự thuận tiện cho việc xác định nguồn gỗ nhập khẩu rủi ro và ít rủi ro, Báo cáo này áp dụng danh sách các quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực /không tích công bố năm 2020 cho các năm trước đó. Ví dụ, 51 quốc gia được xác định thuộc danh sách vùng địa lý tích cực năm 2020 cũng được coi là các quốc gia vùng địa lý tích cực kể từ năm 2019 trở về trước. Toàn bộ các quốc gia còn lại được coi là vùng địa lý không tích cực với gỗ từ tất cả các nguồn này được coi là gỗ rủi ro.

Một số nét chính trong báo cáo bao gồm:

Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 6 triệu m3 gỗ quy tròn. Lượng gỗ này được đưa vào chế biến làm hàng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Lượng gỗ ít rủi ro chiếm tỷ trọng khoảng 2/3 trong tổng lượng nhập khẩu, phần còn lại là gỗ rủi ro.

Lượng gỗ ít rủi ro được nhập khẩu vào Việt Nam có xu hướng tăng, từ khoảng 68% trong tổng lượng nhập khẩu năm 2020 (tương đương 3,88 triệu m3 quy tròn) lên 72% trong 10 tháng đầu 2021 (3,8 triệu m3).

Ngược lại, lượng gỗ rủi ro nhập khẩu có xu hướng giảm, từ 32% năm 2020 (tương đương 1,86 triệu m3 quy tròn) xuống còn 28% trong 10 tháng 2021 (1,49 triệu m3).

Tỷ trọng gỗ rủi ro nhập khẩu trong gỗ tròn lớn hơn nhiều so với trong gỗ xẻ. Cụ thể đối với gỗ tròn, tỷ trọng gỗ rủi ro chiếm 40-50% trong tổng lượng nhập. Đối với gỗ xẻ, tỷ trọng gỗ rủi ro chiếm trên dưới 30% trong tổng lượng gỗ xẻ nhập khẩu.

Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực trong việc giảm lượng gỗ rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết sử dụng gỗ hợp pháp theo như tinh thần của Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) mà Chính phủ ký với EU 2018 và Hiệp định về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp mà Chính phủ vừa ký với Chính phủ Mỹ vào tháng 10 vừa qua. Gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các nguồn tích cực chiếm phần chính và đang tiếp tục tăng, trong khi gỗ nhập khẩu từ các nguồn rủi ro chiếm phần nhỏ và đang có xu hướng giảm là tín hiệu tích cực cho thấy các nỗ lực của Chính phủ đang đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, lượng gỗ rủi ro nhập khẩu hàng năm vẫn còn rất lớn. Điều này đòi hỏi Chính phủ và cộng đồng ngành gỗ cần có các biện pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Đọc bản tin chi tiết tại đây, vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng thông tin trong bản tin

Gỗ Việt