Cam kết phát triển nghành gỗ Việt Nam bền vững và có trách nhiệm

30/11/2020 07:55
Cam kết phát triển nghành gỗ Việt Nam bền vững và có trách nhiệm

Ngày 9/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, các hiệp hội gỗ trong cả nước đã ký cam kết thúc đẩy phát triển ngành gỗ Việt Nam theo hướng bền vững, tuân thủ qui định pháp luật Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế và trong số này, chúng tôi xin đăng nguyên văn bản cam kết đã được ký kết:

 

Nhằm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật của Việt Nam, của các quốc gia cung gỗ nguyên liệu cho Việt Nam và của các quốc gia nhập khẩu sản phẩm gỗ từ Việt Nam; Nhằm thực hiện đầy đủ các cam kết Quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã ký liên quan đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bao gồm Công ước về Buôn bán quốc tế đối với các loài nguy cấp (CITES) và Hiệp định Đối tác Tự nguyện VPA/FLEGT; Nhằm thể hiện trách nhiệm xã hội, môi trường trong các hoạt động sản xuất kinh doanh; Nhằm giảm thiểu và loại bỏ các nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất rừng và suy thoái rừng và nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Hôm nay, ngày 9 tháng 11 năm 2020, tại Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi gồm các đại diện có thẩm quyền của các tổ chức sau:

1. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST)

2. Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA)

3. Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA)

4. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA BINH DINH)

5. Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA)

6. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Thanh Hóa (THVIFORES)

7. Chi hội Gỗ dán

8. Chi hội Dăm gỗ

Cùng cam kết thúc đẩy phát triển ngành gỗ Việt Nam có trách nhiệm và bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường. Cụ thể các doanh nghiệp thành viên của chúng tôi cam kết:

1. Tuân thủ đầy đủ Nghị định 102/2020/NĐ-CP (Nghị định VNTLAS) ngày 1/9/2020 của Chính phủ Quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS) để đảm bảo toàn bộ các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, khai thác, vận chuyển, mua bán, chế biến gỗ được thực thi hợp pháp.

2. Ủng hộ Chính phủ Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gỗ nhập khẩu, đặc biệt là gỗ nhiệt đới nhập khẩu từ các nguồn được xác định là rủi ro theo Nghị định VNTLAS.

3. Yêu cầu tất các thành viên của các Hiệp hội tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong Nghị định VNTLAS; không sử dụng các loại gỗ rủi ro để sản xuất các mặt hàng gỗ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

4. Kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tăng cường sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, sản phẩm làm từ gỗ rừng trồng trong nước, và gỗ nhập khẩu từ nguồn rủi ro thấp; ưu tiên nguồn gỗ nguyên liệu được khai thác từ các diện tích rừng được quản lý bền vững.

5. Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa theo hướng sử dụng gỗ hợp pháp, đẩy mạnh thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ, kêu gọi chuyển đổi từ gỗ nguyên liệu đầu vào từ nguồn rủi ro nhập khẩu sang gỗ rừng trồng trong nước, sản phẩm gỗ từ rừng trồng, và từ gỗ nhập khẩu từ nguồn rủi ro thấp.

6. Đề nghị Chính phủ Việt Nam ban hành chính sách mua sắm công đồ gỗ theo hướng loại bỏ hoàn toàn các loại gỗ rủi ro cao ra khỏi các gói mua sắm công; ưu tiên các sản phẩm được làm từ gỗ rừng trồng.

7. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn và loại bỏ các hành vi gian lận thương mại và đầu tư núp bóng trong ngành gỗ, kêu gọi các hoạt động thương mại và đầu tư minh bạch, có trách nhiệm, đem lại giá trị cao cho ngành.

8. Kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan chung tay xây dựng một nền lâm nghiệp bền vững, thúc đẩy các hoạt động bảo vệ rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, khuyến khích mở rộng diễn tích rừng có chứng chỉ bền vững, hỗ trợ phát triển sinh kế cho các cộng đồng sống dựa vào rừng.

9. Mở rộng liên kết với các hộ trồng rừng theo hướng sản xuất và thương mại gỗ bền vững, hài hòa về lợi ích, tạo thêm giá trị gia tăng cho các hộ trồng rừng và các doanh hộ làng nghề gỗ. 

Các hiệp hội gỗ trong nước ký cam kết thúc đẩy sự phát triển của ngành gỗ Việt Nam

Để triển khai các nội dung trong Cam kết này, mỗi Hiệp hội sẽ tiến hành xây dựng Chương trình hành động theo lộ trình và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện hiệu quả các hoạt động. Các Chương trình hành động bao gồm các hợp phần chính (i) Cộng tác với các cơ quan quản lý nhằm đề xuất, phản biện và triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách liên quan tới các nội dung nêu trên; (ii) Vận động, đào tạo và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp thành viên, khuyến khích doanh nghiệp liên kết, bao gồm liên kết với các hộ trồng rừng và các doanh hộ làng nghề, (III) Xác định các hoạt động ưu tiên về bảo vệ rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ sinh kế cộng đồng; và (iv) Thực hiện chiến dich truyền thông nhằm quảng bá cho hình ảnh của ngành gỗ, góp phần thúc đẩy phát triển ngành gỗ Việt có trách nhiệm và vì một ngành lâm nghiệp Việt Nam phát triển bền vững. 

Nhân danh cộng đồng doanh nghiệp gỗ Việt Nam, chúng tôi, những người lãnh đạo cao nhất của các hiệp hội, cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung của bản Cam kết này và khẳng định lại mạnh mẽ rằng chúng tôi NÓI KHÔNG VỚI GỖ BẤT HỢP PHÁP.  

Vũ Huy (Gỗ Việt số 128, tháng 11/2020)