Quản lý rủi ro gỗ nguyên liệu châu Phi: Nghị định 102- hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất làng nghề gỗ đi đúng đường ray pháp lý

03/10/2020 12:03
Quản lý rủi ro gỗ nguyên liệu châu Phi: Nghị định 102- hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất làng nghề gỗ đi đúng đường ray pháp lý

Nghị định 102/2020/NĐ-CP ngày 1/9/2020 của Chính phủ có hiệu lực vào cuối tháng 10/2020 là cơ hội để ngành gỗ Việt Nam giải quyết triệt để những rủi ro về khía cạnh pháp lý đối với gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ châu Phi, nguồn nguyên liệu đã và đang ngày càng quan trọng đối với Việt Nam.

Thách thức không nhỏ đối với nhà quản lý

Bán gỗ chủ yếu cho các hộ gia đình trong làng (Từ Sơn – Bắc Ninh), bà Vũ Thị Hoa- một hộ chuyên nhập khẩu và cung cấp gỗ nguyên liệu châu Phi tại Cụm công nghiệp Từ Sơn dường như không quan tâm đến tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ. Quan điểm đơn giản, có cầu sẽ có cung, giống như việc buôn bán sản phẩm hàng hóa thông thường. Gỗ mua về thì đầy đủ giấy tờ, tuy nhiên, khi bán gỗ cho các cơ sở sản xuất thì theo lời bà Vũ Thị Hoa: “họ không cần giấy tờ hay hóa đơn đỏ. Bán cho 10 người thì chỉ 1 người yêu cầu lấy hóa đơn. Nếu ai muốn lấy hóa đơn thì mình lại dẫn lên Công ty bán gỗ cho mình, họ sẽ xuất hóa đơn”. Bởi đơn giản, nếu lấy thêm hóa đơn đỏ họ phải bỏ thêm chi phí, xong khi về đến xưởng sản xuất thì những hóa đơn này cũng chẳng để làm gì. 

Sản xuất nhỏ, cơ sở sản xuất gỗ Tứ Hùng có địa điểm tại xã Vạn Điểm, huyện Thanh Trì, Hà Nội) với 85% sản phẩm được bán buôn cho các cửa hàng tại các tỉnh, còn lại 15% bán trực tiếp tại nhà. Theo lời chủ hộ sản xuất này, người mua tự vận chuyển, bán hàng không giấy tờ và hóa đơn đỏ, nếu khách hàng lấy hóa đơn đỏ thì cộng thêm 10% giá trị đơn hàng. Đối với các khách hàng mua tiêu dùng tại nhà thì chẳng ai cần hóa đơn đỏ cả. “Nếu có thì chúng tôi chỉ cung cấp cho khách hàng các tỉnh hóa đơn đỏ chứ cũng không có bảng kê sản phẩm hay giấy tờ truy xuất nguồn gốc gỗ. Nếu sản xuất nhiều thì mới cần bảng kê, con đây mỗi chuyến chỉ chở vài ba bộ, nhiều nhất 5 bộ. Nếu không có hóa đơn đỏ, rủi ro khách hàng phải chịu. Gần như 100% khách hàng không đòi hóa đơn đỏ”, vị đại diện hộ sản xuất này nói.

Tuy nhiên, có một thực tế là việc các hộ kinh doanh và sản xuất đồ gỗ nhập khẩu có nguồn gốc từ châu Phi này coi như đó là việc đương nhiên. Họ vẫn đang quen với phương thức kinh doanh trước đây. Đây cũng chính là một trong những thách thức đối với các cơ quan quản lý khi các thành phần thương mại nhỏ nhất chưa thật sự coi trọng khía cạnh pháp lý đối với gỗ nguyên liệu.

Nhưng sự thiếu cẩn trọng trong việc bảo đảm nguồn gốc gỗ không chỉ đến từ các đơn vị kinh doanh nguyên liệu mà còn từ các cơ quan quản lý, chẳng hạn như lực lượng kiểm lâm chỉ kiểm tra được công đoạn cuối cùng khi gỗ đã đưa về tới hộ gia đình, trong khi vẫn còn những tranh cãi về tên gọi, chủng loại gỗ ở khâu đầu tiên là Hải quan.

“Vì sao trên đầu lóng gỗ ghi là balasamo mà lại gọi là gỗ Hương Nam Mỹ thì mình cũng không biết, vì dân buôn gỗ họ gọi là thế. Trong quá trình đặt hàng, tôi cũng chỉ biết đặt mua gỗ Hương Nam Mỹ, khi đó nhà nhập khẩu họ biết mình mua gỗ này và đặt mua cho mình”, chị Vũ Thị Hương, một hộ gia đình khác ở Cụm công nghiệp Từ Sơn - Bắc Ninh, cảm thấy lúng túng khi nói về sự khác biệt giữa tên gỗ thường gọi với tên thương mại của gỗ.

Nhưng trường hợp của chị Hương không phải là cá biệt, mà ngay cả các doanh nghiệp nhập khẩu hay các cơ quan quản lý cũng không thể xử lý được rắc rối này. Bắt đầu nhập khẩu gỗ châu Phi từ năm 2005, đại diện công ty Mỹ Đoàn cho hay, thời điểm đó, phía doanh nghiệp chỉ nhập số lượng 15.000 m3/năm gỗ Lim và gỗ Hương. Hiện, lượng nhập khẩu đã tăng gấp 3 lần, khoảng 40.000 - 50.000 m3/năm với khoảng 30 loài. Gỗ châu Phi được nhập về 80% dùng cho công trình xây dựng, 20% dùng làm đồ gỗ, bao gồm cả những tấm phản lớn. Trong đó, gỗ tròn được dùng chủ yếu cho các công trình xây dựng. Đối với gỗ hương, gỗ gõ 100% được dùng cho hàng thủ công mỹ nghệ.

Sử dụng dịch vụ giúp làm thủ tục thông quan, theo đó, phía doanh nghiệp sẽ cung cấp giấy tờ kiểm dịch, vận đơn… Riêng C/O thì không cần vì gỗ là hàng miễn thuế (chỉ nhập khẩu từ Guinea Xích Đạo thì cần C/O). Đại diện doanh nghiệp này cho biết, một vấn đề nữa mà các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ châu Phi phải đối mặt đó là các loài gỗ châu Phi không có tên tiếng Việt. Tên tiếng Việt do người mua đặt dựa vào cảm quan, sợi gỗ, vân gỗ, màu gỗ, và do thói quen mua bán tiêu dùng. Có loài không định danh được, thì để tên thương mại. Ví dụ, có loài giống gỗ mít, dùng lâu được gọi là mít. Có loài giống căm xe, nên ghi căm xe nhưng vẫn đóng mở ngoặc tên thương mại. Nhiều khi một loài gỗ châu Phi có 3 tên tiếng Việt. Trong nhập khẩu, tên thương mại vẫn là quan trọng nhất. 

Rủi ro tên gọi đã gây thiệt hại bằng tiền đối với các doanh nghiệp nhập khẩu. Đại diện Công ty Mỹ Đoàn nêu một thực tế, có lần doanh nghiệp nhập gỗ Ngựa vằn (Zebra), nhưng Hải quan Việt Nam nói đó là gỗ Cẩm, tức là Parosa. Phía doanh nghiệp đồng ý vì nó không phải CITES. Tuy nhiên, họ nói có cả Hương Kosso (thuộc CITES) mà doanh nghiệp không biết. Do đó, hàng không thông quan được, mặc dù phía đối tác gửi ảnh và bảng kê lâm sản không có.

Giảm rủi ro yêu cầu cấp bách

Hiện lượng cung gỗ châu Phi cho Việt Nam chiếm 1/4 tổng lượng cung gỗ nguyên liệu cho Việt Nam, tuy nhiên, luồng cung gỗ này vẫn còn tương đối mới đối với Việt Nam và điều này ẩn chứa một số rủi ro về tính pháp lý về nguồn gỗ nguyên liệu này. Chính phủ Việt Nam đưa ra lộ trình trong 2-3 năm tới hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ (VNTLAS) sẽ được vận hành, khi đó các sản phẩm gỗ cung ra tất cả các thị trường là các sản phẩm hợp pháp. Giảm rủi ro trong luồng cung gỗ nguyên liệu từ châu Phi là yêu cầu cấp bách đối với các cơ quan quản lý của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, những rủi ro này sẽ được kiểm soát chặt chẽ bởi theo Nghị định 102/2020/NĐ-CP ngày 1/9/2020 của Chính phủ có hiệu lực vào cuối tháng 10/2020 yêu cầu bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam đối với khai thác, vận chuyển, mua bán, chế biến gỗ thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Quy định này sẽ áp dụng đối với tổ chức, hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến các nội dung quy định tại Điều 1 Nghị định này.

Đáng chú ý, Tại Khoản 5 Điều 4, Quy định về hồ sơ khi mua bán, chuyển giao quyền sở hữu gỗ nhập khẩu quy định rõ: (a) trường hợp chủ gỗ nhập khẩu bán toàn bộ hoặc một phần lô hàng gỗ nhập khẩu cho chủ gỗ khác: Chủ gỗ bán lập bảng kê gỗ trích từ bảng kê mua trước đó, sao hồ sơ gỗ nhập khẩu và ký xác nhận, đóng dấu (nếu có) giao cho chủ gỗ mua và lưu hồ sơ gốc gỗ nhập khẩu; (b) trường hợp chủ gỗ mua tại điểm a khoản này bán toàn bộ hoặc một phần lô gỗ nhập khẩu cho chủ gỗ khác: Chủ gỗ bán lập bảng kê gỗ trích từ bảng kê mua trước đó, sao hồ sơ gỗ nhập khẩu và ký xác nhận, đóng dấu (nếu có) giao cho chủ gỗ mua và lưu giữ bản sao; (c) trường hợp bán gỗ nhập khẩu cho chủ gỗ tiếp theo: Chủ gỗ bán thực hiện theo quy định tại điểm b khoản này; (d) trường hợp chuyển giao sở hữu bằng các hình thức khác: Thực hiện theo quy định tại các điểm a hoặc b hoặc c khoản này.

Việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam, đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để các làng nghề, các doanh nghiệp đi đúng đường ray trong quá trình sản xuất, kinh doanh của mình.

Đến nay, Việt Nam là nước nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Phi lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Nguyễn Hạnh  (Gỗ Việt số 126, tháng 9/2020)