Nhu cầu đối với sản phẩm đồ nội thất bằng gỗ ngày càng tăng
Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều ngành tiêu dùng bị tác động thì nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ tại nhiều thị trường lớn tăng trưởng ở mức 2 con số. Thị trường xây dựng đang bùng nổ hay nhu cầu cải tạo không gian sinh hoạt và làm việc tại nhà tăng kéo theo nhu cầu về đồ nội thất và các sản phẩm gỗ tăng mạnh tại nhiều thị trường.
Tăng trưởng nhập khẩu ở mức 2 con số
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, trong giai đoạn năm 2016 - 2020, nhập khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 13,3%/năm, trị giá nhập khẩu trung bình trong giai đoạn này đạt 18,5 tỷ USD/năm. Trị giá nhập khẩu trong năm 2020 đạt 18,9 tỷ USD, tăng 2,2% so với năm 2019, tăng 13,1% so với năm 2016.
5 tháng đầu năm 2021, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ đạt 10,2 tỷ USD, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm 2020. Dẫn đầu về trị giá nhập khẩu là mặt hàng ghế khung gỗ (mã HS 940161+940169), đạt 3,7 tỷ USD, tăng 74,3% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mặt hàng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ. Tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn (mã HS 940360), đạt 3,3 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng này chiếm 31,9% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ nhập khẩu mặt hàng này chủ yếu từ thị trường Việt Nam, Trung Quốc, Mexico, Indonesia…
Còn tại Anh, theo số liệu ITC, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh trong tháng 4/2021 đạt 397,3 triệu USD, tăng 117,4% so với tháng 4/2020. Trong 4 tháng đầu năm 2021, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh đạt 1,5 tỷ USD, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Anh nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ chủ yếu từ thị trường Trung Quốc và Ba Lan trong 4 tháng đầu năm 2021. Tỷ trọng nhập khẩu từ 2 thị trường này chiếm 53,6% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh. Trong đó, trị giá nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 654,1 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2020. Trị giá nhập khẩu từ thị trường Ba Lan đạt 163,5 triệu USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Anh tăng mạnh nhập khẩu các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ trong 4 tháng đầu năm 2021. Trong đó, đồ nội thất nhà bếp là mặt hàng nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt 72,16 triệu USD, tăng 76,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là mặt hàng ghế khung gỗ đạt 458,8 triệu USD, tăng 51,5%; đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 680,3 triệu USD, tăng 34,1%...
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (Kita), nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hàn Quốc trong năm 2020 đạt 1,22 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2019. Nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ tăng là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến mọi người phải dành nhiều thời gian hơn ở nhà, vì vậy nhu cầu cải tạo không gian sinh hoạt và làm việc tại nhà tăng. Bên cạnh đó, sự gia tăng thu nhập hộ gia đình, cũng như số lượng hộ gia đình độc thân ngày càng tăng cũng tác động tích cực tới nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất tại Hàn Quốc. Tiếp đà tăng trưởng trong năm 2020, 4 tháng đầu năm 2021 nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hàn Quốc đạt 142,2 nghìn tấn, trị giá 449,68 triệu USD, tăng 19,8% về lượng và tăng 25,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Hàn Quốc tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng này từ thị trường Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2021.
Nhu cầu nội thất trên thế giới đang tăng cao (ảnh minh họa, GV)
Hầu hết nhập khẩu các loại đồ nội thất bằng gỗ của Hàn Quốc đều tăng trong 4 tháng đầu năm 2021, trừ mặt hàng đồ nội thất nhà bếp. Trong đó, Hàn Quốc nhập khẩu nhiều nhất là mặt hàng ghế khung gỗ với tỷ trọng chiếm 37,5% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ; tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn; đồ nội thất phòng ngủ…
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong quý I/2021, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ trên thế giới đạt 18,2 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, EU, Canada và Australia tăng mạnh nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ trong quý I/2021, trong đó, EU nhập khẩu đạt 6,38 tỷ USD, tăng 24,7% so với quý I/2020; Canada nhập khẩu đạt 627 triệu USD, tăng 32,2% so với quý I/2020; Australia nhập khẩu đạt 462 triệu USD, tăng 65,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Cơ hội đối với thị trường Việt Nam
Theo ITC, trị giá xuất khẩu bình quân hàng năm mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ trên thị trường thế giới đạt 68,3 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 2,7% trong giai đoạn năm 2015 – 2020. EU là thị trường xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất trên thế giới, trị giá xuất khẩu bình quân đạt 26,8 tỷ USD mỗi năm, tăng trưởng bình quân là 2,8% trong giai đoạn năm 2015 - 2020. Tỷ trọng xuất khẩu của EU trong năm 2020 chiếm 38,1% tổng trị giá xuất khẩu đồ nội thất trên thế giới, giảm 2,5 điểm phần trăm so với năm 2019, tăng 0,1 điểm phần trăm so với năm 2015.
Việt Nam là thị trường xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 3 trên thế giới, đáng chú ý tốc độ tăng trưởng bình quân trong xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam rất cao là 25,4%, trị giá xuất khẩu bình quân đạt 5,64 tỷ USD/ năm trong giai đoạn năm 2015 – 2020. Đáng chú ý, tỷ trọng xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam tăng gần gấp 3 lần trong giai đoạn năm 2015-2020, từ 5,8% trong năm 2015 tới 14,5% trong năm 2020.
Vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam khai thác, đặc biệt là việc tận dụng hiệu quả ưu đãi lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, UKVFTA….
Đáng chú ý, cùng với sự gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm nội thất bằng gỗ truyền thống như: ghế khung gỗ, nội thất phòng khách và phòng ăn; đồ nội thất phòng ngủ… thì tiêu thụ đồ nội thất văn phòng trong lĩnh vực thương mại điện tử lại tăng với tốc độ hai con số.
Hiện tại, các nhà sản xuất đồ nội thất văn phòng đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực thương mại điện tử. Đây là xu hướng phát triển tích cực mà các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất văn phòng của Việt Nam cần hướng tới. Hiện, trị giá xuất khẩu đồ nội thất văn phòng chỉ chiếm 4,6% tổng trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2021. Đồ nội thất văn phòng không phải là thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam so với các nước trong khu vực, nhưng đây là mặt hàng xuất khẩu có nhiều tiềm năng, do nhu cầu cao từ các thị trường trên thế giới.
Hà Anh
- Chọn CIF hay tiếp tục bán FOB
- Xuất khẩu ván bóc sang Trung Quốc nửa đầu năm 2021 tăng 200% về giá trị
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Vương quốc Anh tăng 53,5% trong 6 tháng đầu năm 2021
- Mỹ thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam
- Mộc Liên Hà: Sự trở lại của giá trị thương hiệu
- Mộc Liên Hà: Liên kết để tạo sức bật tại thị trường gỗ nội địa
- Từ hồn quê tới thế giới
- Địa chỉ tin cậy số 127 tháng 10 năm 2020
- SIMOSOL: Thúc đẩy ngành gỗ Việt Nam phát triển tốt hơn
- Doanh nghiệp với thiết kế đại chúng
-
Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tọa đàm Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu
-
Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn Q-Fair 2025
-
HAWAEXPO 2025 -Triển lãm xuất khẩu đồ gỗ & nội thất đáng mong chờ nhất 2025