Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu ngành gỗ và lâm sản

07/09/2021 11:57
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu ngành gỗ và lâm sản

8 tháng đầu năm 2021, ngành gỗ và lâm sản xuất siêu 9,1 tỷ USD, tuy nhiên, dịch Covid-19 đợt 4 diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ đối diện nguy cơ mất đơn hàng, xuất khẩu gỗ và lâm sản khó đạt mục tiêu 14,5 tỷ USD đặt ra trong năm nay. Ưu tiên tiêm vắc-xin, giảm lãi suất ngân hàng... tháo gỡ khó khăn, trợ lực để xuất khẩu gỗ và lâm sản về đích.

Đối diện với nguy cơ mất khách hàng

Tại Họp giao ban trực tuyến về chế biến gỗ và lâm sản với các Hiệp hội, Hội, và các DN chế biến và xuất khẩu gỗ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sang ngày 7/9, ông Bùi Chính Nghĩa Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho hay, 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 42,7 % so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ 10,4 tỷ USD, tăng 41,9%, lâm sản ngoài gỗ đạt 0,79 tỷ USD, tăng 54,2%. Ở chiều ngược lại, 8 tháng đầu năm 2021, ước nhập khẩu gỗ và lâm sản đạt 2,1 tỷ USD, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, 8 tháng đầu năm 2021, gỗ và lâm sản xuất siêu 9,1 tỷ USD. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu chính, tổng giá trị xuất khẩu tại 5 thị trường chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Dù đạt được những kết quả tích cực về xuất khẩu gỗ và lâm sản trong 8 tháng đầu năm 2021, tuy nhiên, theo ông Bùi Chính Nghĩa, hiện do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, chế biến của các DN ngành gỗ, đặc biệt tại khu vực phía Nam, nơi tập trung nhiều các DN chế biến gỗ (chiếm khoảng trên 70% tổng số DN ngành gỗ, giá trị xuất khẩu chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước).Theo báo cáo nhanh của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản có hơn 50% DN phải ngừng, đóng cửa và giảm sản xuất.Do vậy, trong 3 tháng gần đây, giá trị xuất khẩu đã có sụt giảm đáng kể, bình quân 3 tháng 6,7,8 giảm hơn 16% so với các tháng liền kề trước đó. Riêng tháng 8 ước giảm hơn 22% so với tháng 7”, ông Bùi Chính Nghĩa nói.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Lê Quốc Doanh chủ trì cuộc họp giao ban về chế biến gỗ và lâm sản ngày 7/9/2201

Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam- nhận định, với những khó khăn mà ngành gỗ đang phải đối mặt, hầu hết các DN không hoàn thành các đơn hàng đã nhận, hoặc phải giãn thời gian giao hàng; dự báo trước mắt cũng như trong trung hạn và dài hạn, nếu tình hình không được cải thiện thì DN ngành gỗ có thể phải đối diện với nguy cơ mất khách hàng, mất các thị trường chiến lược và mất khả năng tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ đã có uy tín trên thị trường thế giới trong nhiều năm qua.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, mô hình sản xuất "3 tại chỗ" mà các tỉnh yêu cầu thì thực tế DN chỉ hoạt động được một thời gian ngắn. Lý do là chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu bị đứt gãy. Điều đáng mừng là Chính phủ đã có bước ngặt, từ "chống dịch như chống giặc" chuyển hướng "sống chung với dịch". Nhưng làm sao để sống chung an toàn thì có lẽ cần linh hoạt, bám vào thực tiễn để có giải pháp cụ thể. Bởi lẽ, với ngành gỗ đang có hai thách thức: Lực lượng lao động chỉ còn 30-40%, tỷ lệ phủ vắc-xin chưa đáng kể. Trong lúc đó, trong danh sách ưu tiên vắc-xin, công nhân, người lao động ở vị trí 13/16, gần chót sổ.

Ngân hàng cần có hành động thiết thực

Trong những tháng cuối năm, dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nếu không có sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các DN, người lao động thì ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản khó đạt được mục tiêu xuất khẩu 14,5 tỷ USD trong năm nay.

Do đó, các Hiệp hội, Hội, DN ngành gỗ kiến nghị, cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ thống nhất giữa các Bộ ngành và địa phương trong triển khai thực hiện tạo niềm tin cho DN yên tâm để xây dựng định hướng và kế hoạch của DN. Giảm chi phí, bảo hiểm xã hội, thuế và lãi suất ngân hàng đặc biệt là nguồn tài chính hỗ trợ mới với những DN vượt qua những khó khăn của đại dịch để DN đủ nguồn vốn để có thể phát triển và nắm bắt cơ hội tiếp tục hướng đến mục tiêu là nguồn cung ứng mặt hàng gỗ là nội thất lớn của thế giới.

Sản xuất đồ gỗ tại Công ty CP Woodsland

Ông Điền Quang Hiệp- Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản tỉnh Bình Dương- đề nghị, nâng hạng ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động ngành gỗ từ vị trí 13 lên mức 8 trong bảng ưu tiên tiêm vắc-xin của Bộ Y tế, đồng thời tạo điều kiện nhanh nhất và đảm bảo nhu cầu tiêm vắc-xin cho công nhân ngành gỗ.

Theo ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam- Nghị Quyết số 68 của Chính phủ đã quy định cho vay trả lương ngừng việc, cho vay trả lương phục hồi sản xuất với mức lãi suất 0%(điểm 11, Mục 2); tuy nhiên, chỉ được thực hiện với Ngân hàng Chính sách xã hội. Đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện các chính sách như đã quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/03/2021 của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra đề nghị ngành ngân hàng giảm lãi suất đối với nguồn vốn vay hiện tại và vốn vay mới, với mức giảm lãi suất xuống còn từ 4 - 4,5%/năm thay vì mức lãi suất quá cao như hiện nay. Đồng thời, giãn nợ gốc và trả lãi từ 6 tháng tới 12 tháng để DN có đủ thời gian ổn định sản xuất; hỗ trợ vốn ngắn hạn ít nhất 6 tháng theo đơn hàng có L/C; hỗ trợ DN trong gửi hồ sơ sau khi đã kiểm tra L/C, DN sẽ đảm nhận các chi phí như cách làm của ngân hàng trước dịch. Hỗ trợ cho DN được tiếp cận với nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất từ 3 - 6 tháng áp dụng đối với ngân hàng thương mại, với mức lãi suất thấp từ 2-3%....

"Hiện nay chúng tôi chỉ còn 30-40% DN hoạt động, công suất không quá 50%, mà các ngân hàng vẫn chưa có động thái gì về lãi suất cả, trong khi họ chỉ điều chỉnh giảm một vài phí rất nhỏ mà cũng tuyên truyền ầm ĩ cả lên. Bộ trưởng NN&PTNT nên có kiến nghị để Thống đốc Ngân hàng nhà nước có việc làm thiết thực"- ông Lê Xuân Quân- Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai bổ sung. 

Trước kiến nghị của các Hiệp hội, hội, DN ngành gỗ, ông Lê Quốc Doanh- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT- cho biết, Bộ sẽ đồng hành cùng DN tháo gỡ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid 19, đồng thời mong muốn các DN phát huy sự chủ động xây dựng kịch bản phát triển thích ứng với diễn biến dịch. Theo đó, không chỉ giữ các thị trường xuất khẩu truyền thống mà còn đảm bảo các đơn hàng của đối tác từ nay đến cuối năm cũng như sang năm sau. Vừa đảm bảo sản xuất vừa đảm bảo an toàn, vừa tận dụng những lợi thế, cơ hội mở rộng thị trường toàn cầu và có nhu cầu cao về đồ gỗ như hiện nay.

Gỗ Việt