Xả áp lực gỗ nguyên liệu
Thiếu liên kết, những nỗ lực đơn lẻ trong ngành gỗ nhằm giảm tỉ lệ nhập nguyên liệu đang ở mức gần 40% xuống mức thấp hơn sẽ không mang lại hiệu quả.
Giá cổ phiếu gỗ tăng mạnh trước thông tin xung đột ở Ukraina, cơ hội cho sản phẩm gỗ bán giá cao hơn khi nguồn cung gỗ nguyên liệu từ Nga ra thị trường thế giới có thể đứt gẫy. Kết thúc phiên giao dịch ngày cuối tuần 11/3, nhiều mã cổ phiếu gỗ mang sắc tím như GDT của CTCP Gỗ Đức Thành (+7%), GTA của CTCP Gỗ Thuận An (+7%), TTF của CTCP Gỗ Trường Thành (+7%), PTB của CTCP Phú Tài (+7%) và MDF của CTCP MDF VRG – Quảng Trị (+15%). Cạch đó, nhiều mã khác cũng tăng tích cực, bao gồm VIF của Tổng công ty Lâm Nghiệp Việt Nam tăng 7,1%, BKG của CTCP Đầu tư BKG tăng 6,3%, SAV của CTCP Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex tăng 3,4%, AGC của CTCP Gỗ An Cường tăng 0.4%.
Các dự báo của ngành gỗ đều dẫn đến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ khởi sắc trong năm 2022. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp gỗ đã nhận đơn hàng đến hết quý II/2022, quy mô của các đơn hàng tăng mạnh, các nhà máy chế biến gỗ đang tăng công suất để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Trên quy mô toàn cầu, Trung tâm Nghiên cứu công nghiệp Italia (CSIL), dự báo, năm 2022, thị trường đồ nội thất toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 4%. Trong số các thị trường lớn (tiêu thụ đồ nội thất dự báo trên 5 tỉ USD/năm), châu Âu và châu Á dự kiến tăng trưởng mạnh nhất về tiêu thụ đồ nội, ngoại thất. Bên cạnh đó, thị trường chủ đạo của ngành gỗ Việt Nam là Bắc Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định. CSIL căn cứ vào kết quả khảo sát tại 100 thị trường tiêu thụ đồ gỗ trên toàn cầu để đưa ra dự báo này.
Dự báo của CSIL tương đối phù hợp với bối cảnh ngành gỗ Việt Nam đang phấn đấu tự chủ nguyên liệu ở chừng mực nào đó. Một kế hoạch phát triển ngành gỗ hiện đại, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể, được 5 hiệp hội gỗ, bao gồm: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Hiệp hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), ràng buộc với nhau bằng một thỏa thuận mới.
Hai năm qua, khi chuỗi cung ứng đứt gãy gởi Covid-19, ngành gỗ từng bước thiết lập một liên minh cùng xây dựng trung tâm gỗ liên vùng. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, một chuỗi liên kết đang dần được định hình, từ liên kết với người dân, lâm trường để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, liên kết các doanh nghiệp gỗ để sản xuất chuyên sâu, đến liên kết với các thị trường, các nhà mua hàng để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Quỹ "Việt Nam Xanh", sáng kiến từ các Hiệp hội và chi hội gỗ trong cả nước, đã hình thành Ban sáng lập Quỹ vào tháng 12/2020, Quỹ đang đợi quyết định chính thức từ Bộ Nội Vụ, Quỹ ra đời sẽ cho phép các hiệp hội gỗ thúc đẩy các hoạt động liên kết. Kế hoạch phát triển trung tâm đồ gỗ liên vùng có quy mô và năng lực sản xuất, chế biến, thương mại đồ gỗ và sản phẩm gỗ hàng đầu trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang được triển khai tại tỉnh Đồng Nai, trên diện tích 500 ha. Liên kết với các công ty lâm nghiệp nước ngoài, nghiên cứu giống gỗ nguyên liệu phù hợp với thổ nhưỡng của Việt Nam cũng đang được triển khai.
Ông Lập tin rằng, liên kết có thể “xử lý được một phần rất lớn” những thách thức, tạo lợi thế về giá, tăng khả năng cạnh tranh, góp phần gây dựng thương hiệu gỗ Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Ông dẫn chứng, một doanh nghiệp không thể đảm đương đơn hàng 1000 container, với nhiều dòng sản phẩm, từ bàn, ghế, tủ và nhiều mặt hàng khác. Ngoài mức đầu tư lớn, đơn hàng có giá thành cao, sẽ không mang lại hiệu quả. Nếu liên kết, các doanh nghiệp tập trung vào chuyên sâu sẽ mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Gỗ rừng trồng tại Việt Nam. Nguồn Gỗ Việt
Kỳ vọng của ngành gỗ hoàn toàn phù hợp với bối cảnh thị trường toàn cầu và điều kiện của ngành chế biến gỗ Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, với một liên kết yếu, đặc biệt là yếu trong liên kết chuỗi, việc “đi nhanh hơn” cũng đẩy ngành này đối diện những vấn đề khác.
Nhìn từ thực tế phát triển của ngành Lâm nghiệp Việt Nam, tình trạng thiếu nguyên liệu gỗ sẽ chỉ thay đổi khi các chính sách liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, đất đai được sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình mới. “Việc không tiếp cận được nguồn quỹ đất để trồng rừng, đang là khó khăn lớn nhất khối tư nhân đang gặp phải”, Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, Cố vấn cao cấp của Forest Trends, nhận xét. Hiện nay, quỹ đất này do các hộ và các công ty lâm nghiệp quản lý.
Ông Phúc nhận thấy, rủi ro của ngành chế biến gỗ xuất khẩu trong việc không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu rất lớn. Trong khi đó, việc tăng cường các yêu cầu về tăng trưởng xanh, bao gồm các yêu cầu về nguồn gốc gỗ hợp pháp đang trở thành xu hướng chủ đạo ở nhiều thị trường. Luật Lacey của Hoa Kỳ, Chương trình thực thi Luật lâm nghiệp, quảng trị và Thương mại Lâm sản của EU, Luật chống khai thác gỗ lậu của Austraylia, là các ví dụ điển hình. Các yêu cầu này đang tiếp tục tạo ra các thách thức lớn đối với phát triển của ngành chế biến gỗ xuất khẩu, trong khi các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch thực vật, được các thị trường nhập khẩu sử dụng ngày càng phổ biến.
Tiến sĩ Phúc, người đã thực hiện nhiều nghiên cứu về tài nguyên rừng trong mối liên hệ với chính sách quốc gia và sinh kế của người dân tại nhiều vùng miền ở Việt Nam và các nước trong khu vực Tiểu vùng Mê Công, khuyến cáo, Chính phủ Việt Nam cần ban hành các “cơ chế chính sách cởi mở và minh bạch”, cho phép các công ty lâm nghiệp được góp đất hợp tác với công ty tư nhân trong việc tạo nguồn rừng trồng gỗ lớn. Ông tin rằng: “Rủi ro trong việc các bên góp vốn vào liên kết cũng sẽ được giảm thiểu, nếu Chính phủ đưa ra những cơ chế giám sát chặt chẽ trong việc xác định nguồn quỹ đất tham gia liên kết, định giá về giá trị của đất cũng như cây trồng trên đất”.
Mi Trang (Gỗ Việt, số 142 tháng 3 năm 2022)
- Loại bỏ sức ép vì các F
- Các doanh nghiệp ngành gỗ có giá trị xuất khẩu lớn năm 2021
- Xuất khẩu đồ nội thất văn phòng giảm mạnh
- Ngành công nghiệp gỗ của Malaysia phát triển ổn định
- Xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp tăng mạnh
- Ngành công nghiệp nội thất Ý lo ngại giảm doanh thu trong thời gian tới
- Nhập khẩu gỗ lim mạnh trong tháng đầu năm 2022
- Năm 2021, thị trường đồ nội thất châu Âu đạt gần 140 tỷ Eur
- Xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Ba Lan tăng mạnh
- Khan hiếm container khiến ngành nội thất của Indonesia gặp nhiều khó khăn
-
Nhân rộng mô hình nhóm liên kết thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tập huấn phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ
-
Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý gỗ xuất khẩu
-
Chứng chỉ FSC – 30 năm với hành trình bảo vệ rừng và đảm bảo giá trị xanh