Chờ ngày khai xuân
Nguồn nguyên phụ liệu là một trong những đầu vào quan trọng của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ. Thị trường ngành gỗ trồi sụt khiến đầu ra của nguyên phụ liệu ngành gỗ gặp không ít khó khăn.
Thị trường nguyên phụ liệu cũng tắc đầu ra
Da là một trong những nguyên phụ liệu quan trọng được sử dụng trong sản xuất ghế sofa. Năm nay, thị trường đầu ra cả trong nước và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn khiến Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kim Hòa giảm doanh thu 60% so với năm 2022.
Bà Vũ Thuý Hạnh – Tổng giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kim Hòa – cho hay, doanh nghiệp thường nhập khẩu nguyên liệu da từ các thị trường lớn, đơn hàng từ lúc đặt đến khi hàng về đến Việt Nam phải mất 3 tháng, do đó, doanh nghiệp thường nhập gối hàng (đơn hàng cũ chưa về thì đã nhập đơn hàng mới).
Năm nay, thị trường đầu ra khó khăn. Hàng đã được doanh nghiệp nhập từ tháng 8/2022 nhưng đến tháng 3/2023 thì doanh nghiệp đã hết đơn đặt mua hàng từ phía đối tác. Không có khách hàng, không có đơn hàng mới, đồng nghĩa nguyên liệu nhập về bị tồn trong kho lên tới vài chục tỉ đồng.
Sản phẩm của các doanh nghiệp cung ứng chính cho thị trường miền Bắc, trong đó, thị trường nội thất chiếm 60%. Thị trường ế ẩm, nhu cầu tiêu dùng không có, khiến các doanh nghiệp ngành gỗ ngại đầu tư. Kéo theo nhu cầu mua nguyên phụ liệu giảm.
“Hiện đã là cuối năm, nhưng khách hàng đặt mua đơn hàng cho năm mới không có. Năm ngoái, khách hàng còn đặt trước đơn hàng nhưng năm nay đặc biệt là không. Họ đến doanh nghiệp có loại gì thì lấy loại đấy hoặc khách hàng gửi mẫu màu sản phẩm nếu doanh nghiệp có thì họ đến lấy, không thì thôi”, bà Vũ Thuý Hạnh chia sẻ và cũng kỳ vọng các khách hàng đã ký đơn năm 2023, sau thời gian “ngủ Đông” thì họ sẽ “khai Xuân” trở lại.
Là doanh nghiệp kinh doanh trong cùng lĩnh vực, ông Vũ Anh - Giám đốc Công ty CP da thuộc Genus Việt Nam – cho hay, ngành nội thất gắn liền với ngành bất động sản. Thị trường bất động sản chậm kéo ngành nội thất đi xuống mà các mảng ngành cung cấp nguyên phụ liệu cũng ảm đạm theo.
“Trong mảng xuất khẩu, doanh nghiệp đa phần cung cấp nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp phía Nam. Hồi đầu năm thị trường chậm nhưng quý IV/2023, thị trường cũng đã phục hồi và doanh nghiệp cũng đã nhận đơn hàng cho quý đầu năm 2024. Tình hình thị trường cũng đang khả quan hơn”, ông Vũ Anh cho biết, năm 2023, doanh thu có sự sụt giảm nhiều so với năm 2022, nhưng doanh nghiệp kỳ vọng sự phục hồi vào năm 2024.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,1 tỷ USD, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 8,2 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã có sự cải thiện tích cực trở lại trong những tháng gần đây nhờ hoạt động xúc tiến xuất khẩu được đẩy mạnh, kinh tế toàn cầu tăng trưởng tích cực hơn, hàng tồn kho tại các thị trường chính có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, đà phục hồi vẫn còn chậm và xu hướng này dự kiến vẫn tiếp tục trong thời gian tới, bởi các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là đối với nhóm hàng hóa không thiết yếu như gỗ và sản phẩm gỗ vẫn chưa thấy sự phục hồi rõ nét.
Nhìn chung, những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ giảm, đặc biệt là trong những tháng đầu năm, dẫn đến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường chính trong 11 tháng năm 2023 đều giảm đáng kể.
Dẫn đầu về trị giá là xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ đạt 6,6 tỉ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2022; tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 1,55 tỉ USD, giảm 22,2%; Nhật Bản đạt 1,52 tỉ USD, giảm 11,5%; Hàn Quốc đạt 718 triệu USD, giảm 22,4%; Canada đạt 183,4 triệu USD, giảm 16,8%...
Trung tâm nghiên cứu Công nghiệp Italia (CSIL) dự báo nhu cầu đồ nội thất sẽ suy yếu, đặc biệt là ở châu Âu và Bắc Mỹ. Theo đó, mức tiêu thụ đồ nội thất toàn cầu dự báo sẽ giảm nhẹ vào năm 2024 và có khả năng phục hồi vào năm 2025. Năm 2023 là một năm khá khó khăn đối với thương mại đồ nội thất quốc tế. Dự báo năm 2024 tiếp tục giảm nhẹ và tăng trưởng trở lại dự kiến sẽ lần đầu tiên sau 4 năm vào năm 2025.
Thay đổi để thích ứng với quy định mới của thị trường
Ông Vũ Anh cho hay, trong câu chuyện công nghiệp phụ trợ trong ngành gỗ cũng nhiều nỗi lo. Ví dụ, đối với sản phẩm sofa cao cấp tỷ lệ da thật chiếm tới 60 - 80% giá vốn sản phẩm, nếu chúng ta không có lợi thế về vật liệu da thì sẽ không có lợi thế cạnh tranh. Đáng chú ý, hiện thị trường đang hướng đến yếu tố phát triển bền vững buộc doanh nghiệp ngành gỗ và nguyên phụ liệu cũng phải thích ứng theo.
Trước yêu cầu sản xuất xanh, tiêu dùng xanh của thị trường, Công ty CP da thuộc Genus Việt Nam đã hợp tác với doanh nghiệp của Italia để cung cấp cho thị trường một dòng sản phẩm da có chứng nhận da tái chế nhằm bắt kịp với xu thế phát triển bền vững. Hiện, sản phẩm đang được các khách hàng rất quan tâm không chỉ trong mảng nội thất mà còn ở mảng túi xách, giày dép.
“Trong nội thất ngành gỗ, nguyên phụ liệu của chúng tôi cũng đang được các doanh nghiệp trong ngành gỗ quan tâm, tìm hiểu và lên thử sản phẩm mẫu, đồng thời chào hàng với đối tác của họ”, ông Vũ Anh chia sẻ và cho biết sắp tới sẽ tung ra một bộ sản phẩm dòng da tái chế để giới thiệu đến đối tác, khách hàng trong mùa triển lãm trong tháng 3/2024.
Cũng theo ông Vũ Anh, khi doanh nghiệp bán sản phẩm cho khách hàng sẽ kèm theo các giấy tờ chứng nhận chất lượng và nguồn gốc xuất xứ. Trong một số trường hợp, với một số khách hàng, doanh nghiệp cũng sẽ hỗ trợ họ trong các yêu cầu về các chứng chỉ khác mà họ cần. Còn với Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kim Hòa, để bắt kịp với xu thế tiêu dùng dùng xanh, phát triển bền vững, doanh nghiệp này cũng đang nghiên cứu nguyên liệu từ cây cỏ thực vật mà cụ thể là nguyên liệu từ cây xương rồng. “Nguyên liệu này cũng đã phát triển từ khá lâu, trước đây, độ dai của sản phẩm không có nhưng nay sản phẩm đảm bảo độ bền từ 9 – 10 năm. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để có thể nhập khẩu về và đáp ứng được nhu cầu thay đổi từ thị trường”, bà Vũ Thúy Hạnh cho hay.
Gỗ Việt (Số 162 - Nguyễn Hạnh, Lan Hương)
- Tiềm năng của Công nghiệp nội thất Việt Nam tạo cơ hội tăng trưởng cho các Doanh nghiệp trong hệ sinh thái ngành
- Doanh nghiệp chủ động thích ứng với EUDR
- Xuất khẩu khó, đã có nội địa
- Xuất khẩu gỗ liệu đã phục hồi?
- Đã có tín hiệu phục hồi của ngành gỗ
- Giữ mạch đập cho ngành gỗ
- Thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản giảm
- Xuất khẩu gỗ: Điểm sáng từ thị trường Ấn Độ và Trung Đông
- Nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Đông Nam Á giảm mạnh
- Xuất khẩu viên nén gỗ đang có xu hướng chậm lại
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tọa đàm Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu
-
Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn Q-Fair 2025
-
HAWAEXPO 2025 -Triển lãm xuất khẩu đồ gỗ & nội thất đáng mong chờ nhất 2025
-
Nhân rộng mô hình nhóm liên kết thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng