Kỳ vọng xuất khẩu gỗ tăng trưởng từ 15-17%

28/10/2024 08:48
Kỳ vọng xuất khẩu gỗ tăng trưởng từ 15-17%

Thị trường đang có những tín hiệu tốt, xuất khẩu gỗ và lâm sản kỳ vọng tăng trưởng 15 - 17% mang về con số từ 15,5 - 16 tỉ USD cho ngành này trong năm nay.

Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 9,361 tỉ USD, đạt 61,5% kế hoạch năm, tăng 20,5 % so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, sản phẩm gỗ đạt 5,967 tỷ USD, tăng 22,2%; gỗ đạt 2,785 tỉ USD, tăng 20,9%; lâm sản ngoài gỗ đạt 609 triệu USD, tăng 4,6%.

Về thị trường, Hoa Kỳ đạt 5,019 tỉ USD, tăng 24%; Trung Quốc đạt 1,22 tỉ USD, tăng 37,92%; Nhật Bản đạt 949 triệu USD, giảm 2,73%; Hàn Quốc đạt 472 triệu USD, giảm 1%; EU đạt 555 triệu USD, tăng 22,44%.

Với tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường, đặc biệt là đối với số sản phẩm xuất khẩu chính đều tăng như dăm gỗ (tăng gần 38%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng trên 20%) so với cùng kỳ năm 2023. Các Hiệp hội, doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã nỗ lực, chủ động trong việc sản xuất, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Vì vậy, lũy kế giá trị xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng đầu năm 2024 đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. 

7 tháng đầu năm, đơn hàng của Công ty TNHH Xây Dựng và sản xuất MDF Hải Dương tăng trưởng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Phạm Ánh Dương - Giám đốc Công ty TNHH Xây Dựng và sản xuất MDF Hải Dương (Vinamdf) - hồ hởi thông báo, hiện tại, doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 3/2025.

Còn với Công ty TNHH Kẻ Gỗ, đơn hàng 7 tháng đầu năm 2024 của doanh nghiệp tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Trịnh Xuân Dương - Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ - cho biết, 2 năm sau Covid-19, thị trường xuất khẩu rất khó khăn. Tuy nhiên, việc quản lý tỷ giá VND/USD của Việt Nam rất tốt, thị trường nhận định sẽ ổn định và phát triển. Với những rủi ro từ bên ngoài, bất cứ doanh nghiệp nào cũng sẽ phải đối mặt đòi hỏi doanh nghiệp cần thích ứng, đẩy nhanh tốc độ phân tích số liệu cũng như xử lý tình huống. 

“Xu thế hiện nay là sản xuất và tiêu dùng tuần hoàn, hiện doanh nghiệp đang phải thay đổi để thích ứng với những thay đổi này. Năm 2025, doanh nghiệp tập trung làm chứng nhận rừng và phát triển nguồn nguyên liệu có chứng nhận. Đồng thời, xây dựng kế hoạch mở rộng sản xuất”, ông Trịnh Xuân Dương nói.

Cũng theo ông Trịnh Xuân Dương, xu thế thị trường yếu, rủi ro lớn nhất là từ xung đột, cước biển tăng đột biến từ tháng 5 đến nay sẽ ảnh hưởng đến giá thành và các đơn hàng sẽ bị chậm lại. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn phải sử dụng sản phẩm. Các đơn vị có khả năng về vốn, đáp ứng được vấn đề lưu kho, lưu trữ sẽ có sức bền hơn.

Nhận định về thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) - đánh giá, do lãi suất ngân hàng các nước vẫn cao, không nhà mua hàng lớn nào có đơn hàng dài hạn. Bởi họ rất lo ngại việc tồn kho, kèm theo đó là phải trả lãi vay ngân hàng. Vì vậy, đơn hàng hiện nay mang tính chất lấp đầy những phần đã giảm của tồn kho, đồng thời họ đặt thêm một ít cho những dự báo trong ngắn hạn 1-2 tháng chứ hoàn toàn không có đơn hàng 6 tháng hay cả năm. “Đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng gấp, giá mua có giảm. Đây là bức tranh chung của xuất khẩu các ngành hàng, trong đó, có ngành gỗ”, ông Nguyễn Liêm cho biết.

Dù vậy, theo ông Nguyễn Liêm, tồn kho đang giảm, nhu cầu sản phẩm gỗ trên toàn cầu không giảm. Sau thời gian có những biến động về chính trị, thị trường, lãi suất,… nhưng vấn đề này đang có những tín hiệu tốt lên. Xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng trưởng bao nhiêu phụ thuộc nhiều vào cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ và những diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Nga - Ukraine, ở Trung Đông. Hi vọng, xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng trưởng 15 - 17% mang về con số từ 15,5 - 16 tỉ USD trong năm nay.

Theo các chuyên gia, nhìn chung, đã có một số tín hiệu khởi sắc trong khâu xuất khẩu của ngành trong 7 tháng đầu 2024 so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu được mở rộng, đặc biệt tại các thị trường chính. 

Tuy nhiên, còn quá sớm để có thể khẳng định sự mở rộng sẽ kéo dài trong hết năm và bền vững trong tương lai. Các thị trường xuất khẩu đầu ra của ngành đang có nhiều biến động, do các yếu tố như mức độ tăng trưởng kinh tế tại các thị trường này hạn chế, lạm phát vẫn còn ở mức cao, lãi suất nguồn vốn vay lớn, chi phí sản xuất và hàng hóa cao. Điều này làm co giảm cầu tại các quốc gia này. Bên cạnh đó, bất ổn địa chính trị, bao gồm các cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, và Trung Đông ảnh hưởng trực tiếp tới các chuỗi cung, làm tăng thêm các chi phí sản xuất và vận chuyển. Đây là các yếu tố ảnh hưởng tới tính bền vững của ngành.

Hạnh Nguyễn (Gỗ Việt - Số 169)