Thìa gỗ KEGO dùng một lần, Giải pháp xanh, đón sóng thị trường

08/02/2021 04:17
Thìa gỗ KEGO dùng một lần, Giải pháp xanh, đón sóng thị trường

Để đón sóng thị trường dao, thìa, dĩa gỗ dùng một lần, Công ty TNHH Kẻ Gỗ (KEGO) đã lên kế hoạch và đang tiến hành xây dựng nhà máy tại Bắc Kạn đáp ứng tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu với quy mô mỗi tháng từ 4 đến 8 container. Dự kiến tháng 7/2021 đi vào hoạt động sẽ là giải pháp xanh mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và môi trường. Ông Trịnh Xuân Dương - Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ đã có cuộc trao đổi với Gỗ Việt xung quanh vấn đề này

Hiện, trên thế giới và ở Việt Nam đang có xu hướng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần sang các sản phẩm thân thiện với môi trường Kẻ Gỗ đã đón nhận cơ hội thị trường thế nào thưa ông?

Theo tôi, đây là xu hướng tiêu dùng tất yếu trong tương lai. KEGO đã nhận định và đã có những bước đi từ năm 2018. Theo đó, chúng tôi đã xây dựng cơ sở tại Bắc Giang để nghiên cứu và sản xuất sản phẩm và chứng minh được rằng gỗ Việt Nam có thể sản xuất được các sản phẩm dao, thìa, dĩa bằng gỗ và được thị trường chấp nhận. Sản phẩm của chúng tôi đã xuất khẩu sang các thị trường như Đức, EU, Mỹ. Tại thị trường trong nước, chúng tôi đã có những tệp khách hàng nhất định như: ToCoToCo, Pizza 4Ps, Burger King và đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh mặt bằng sân bay tại Việt Nam… đã mua, sử dụng thăm dò và thay đổi thói quen tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần. Theo kế hoạch, đến tháng 7/2021, EU sẽ cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Khi bị cấm như vậy, các công ty, đặc biệt các công ty hoạt động có tính chuỗi như đồ ăn nhanh họ sẽ tìm và sử dụng vật liệu thay thế bằng gỗ, nhựa sinh học có thể phân hủy được. Các công ty và người tiêu dùng EU cũng đang hướng đến luật này.

Mặt khác, không chỉ có các quốc gia châu Âu mà các cửa hàng kinh doanh theo chuỗi của các doanh nghiệp của châu Âu tại Việt Nam cũng phải thay đổi theo quy định của châu Âu. Để đón sóng thị trường, Công ty TNHH Kẻ Gỗ đã xây dựng kế hoạch và đang tiến hành xây dựng nhà máy trên Bắc Kạn đáp ứng tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu với quy mô khoảng 48 triệu sản phẩm/tháng. Đây là địa phương có độ che phủ rừng rất lớn, với lợi thế thổ nhưỡng, gỗ mỡ Bắc Kạn rất đẹp, to thẳng, đây cũng là loại gỗ tạo ra giá trị sử dụng cao. Nhà máy có diện tích 7.500 m2. Dự kiến tháng 7/2021 sẽ đi vào sản xuất sẽ có khoảng 140 công nhân, doanh thu 1 năm dự kiến 130 tỷ đồng. Sản phẩm hướng đến vừa xuất khẩu và bán tại thị trường nội địa.

Ông đánh giá tiềm năng như thế nào của các sản phẩm dao, thìa, dĩa dùng một lần tại thị trường trong nước?

Đây là sản phẩm mới. Theo xu thế hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần và bảo vệ môi trường thì theo tiềm năng thị trường trong nước rất lớn. Đáng chú ý, nhiều người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm này. Hiện, các công ty kinh doanh chuỗi như: Pizza 4Ps, ToCoToCo, Ding Tea… cũng đã bắt đầu chuyển từ sử dụng ống hút, thìa, que khuấy bằng nhựa sang các sản phẩm dùng một lần thân thiện với môi trường như ống hút bằng gạo, ống hút bằng cỏ, còn thìa dĩa nhựa được thay thế bằng thìa dĩa gỗ. Chỉ tính 1 doanh nghiệp như Highland Coffee nếu chuỗi này thay đổi thì nhu cầu sử dụng là rất lớn. Hiện, những sản phẩm này thị trường Việt Nam chưa đáp ứng kịp mà phải nhập khẩu từ Trung Quốc về. Để tiếp cận những khách hàng lớn này, doanh nghiệp đã tiến hành gửi hàng mẫu, bảng giới thiệu sản phẩm. 

Nguồn nguyên liệu đầu vào trong sản xuất các sản phẩm này như thế nào thưa ông?

Đối với sản phẩm dao, thìa, dĩa gỗ dùng 1 lần thì hiện nay có 2 nguồn nguyên liệu chính để sản xuất. Một là nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu là gỗ Dương (gỗ birch) nhập từ châu Âu và từ Nga, thứ hai là nguồn gỗ nội tại trong nước là gỗ bồ đề và gỗ mỡ. Đây là 2 nguồn hiện nay sản xuất que kem, que khuấy. Các sản phẩm dao, thìa, dĩa dùng một lần được làm từ nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng, tái sinh, vòng đời gỗ chỉ khoảng 8 năm. Việt Nam có nguồn nguyên liệu gỗ sản xuất sản phẩm này dồi dào và với giá thành chấp nhận được, đặc biệt ở các vùng Bắc Kạn, Yên Bái, Thái Nguyên.

Sản phẩm dao, thìa, dĩa dùng một lần cần đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm của KEGO làm thế nào để đảm đáp ứng yêu cầu này, thưa ông?

Chúng tôi không sử dụng bất kỳ hoá chất, phụ gia nào trong quá trình sản xuất, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Hoa Kỳ và châu Âu. Sản phẩm có thể gắn logo FSC® C148899 vì chúng tôi sử dụng nguồn gỗ rừng trồng có kiểm soát”. Được làm 100% từ gỗ rừng trồng, sản phẩm dao, thìa, dĩa của Kẻ Gỗ có thể phân huỷ tự nhiên sau 2-3 tháng mà không cần bất kỳ biện pháp xử lý nào. Các nguồn nguyên liệu này có thể sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, không ảnh hưởng đến thức ăn hay mùi vị, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng tôi đang liên kết với các lâm trường trong nước để tiến tới sẽ sử dụng 100% gỗ do công ty tự trồng để sản xuất sản phẩm. Việc này tạo vòng tuần hoàn vừa bảo vệ môi trường, tạo công ăn việc làm người đồng bào dân tộc miền núi và giá trị cây gỗ tăng lên.

Làm thế nào để có thể cạnh tranh được với các loại dao, thìa, dĩa nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng như các sản phẩm thân thiện với môi trường khác tại thị trường Việt Nam, thưa ông?

Về giá thành sản xuất, hiện nay, với nguồn gỗ và công nghệ, các doanh nghiệp trong nước tự tin cạnh tranh được với các sản phẩm của Trung Quốc. Bởi lẽ, khi nhập khẩu từ Trung Quốc, các nhà buôn phải nhập lượng lớn, nguyên container, tuy nhiên, do sản phẩm này bán cho hệ thống cửa hàng takeaway, khách hàng không mua tích trữ theo số lượng lớn mà mua theo dạng hàng bán lẻ. Như vậy, việc phân phối sẽ gặp khó khăn. Đây là lợi thế của các doanh nghiệp trong nước. Trong số các nguyên liệu có thể sản xuất sản phẩm dùng một lần thân thiện với môi trường hiện nay đang có tinh bột, tre, gỗ…. Nguyên liệu tre có đặc tính cứng, đàn hồi cao nên nếu sử dụng sản xuất ra dao, thìa, dĩa thì chi phí sản xuất cao và khó đạt được sản xuất quy mô lớn. Chúng tôi tham khảo trên thị trường thấy giá bán sản phẩm làm từ tre có giá bán cáo hơn 5-7 lần so với sản phẩm làm từ gỗ do công ty sản xuất. Trong khi đó, sản phẩm làm từ tinh bột sắn, ngô thì bắt buộc phải phối trộn cùng nguyên liệu nhựa sinh học thì mới sản xuất ra sản phẩm được. Sản phẩm này khó phân hủy sinh học hoàn toàn trong thời gian ngắn. Ngoài ra, các sản phẩm gốc tinh bột rất thu hút chuột gián nên cần bảo quản rất cẩn trọng. Trong khi đó, đối với sản phẩm gỗ dùng một lần, khi đã tiệt trùng sấy khô sẽ đảm bảo vệ mặt vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo về mặt mỹ quan, đảm bảo về giá thành. Và đặc biệt, sản phẩm có thể phân hủy tự nhiên 100% thành chất hữu cơ trong thời gian vài tháng. 

Để sản phẩm này đến được gần hơn với người tiêu dùng, phía doanh nghiệp đã có những giải pháp gì, đồng thời, ông có kiến nghị gì với cơ quan chức năng?

Bắt đầu nghiên sản xuất dòng sản phẩm này từ năm 2018 đến năm 2019 thì ra được sản phẩm, ngay sau đó, sản phẩm đã tiếp cận được với các khách hàng lớn, các sân bay quốc tế trong nước. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có chính sách hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần mà mới có chính sách bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp tự thay đổi quan điểm và thái độ và họ tự nguyện mua. Hiện nay, mới có KEGO đầu tư sản xuất sản phẩm này vì nó quá rủi ro. Việc đầu tư ngay từ ban đầu cũng đòi hỏi quy mô lớn, do đó, rất ít doanh nghiệp tham gia ngay vào được. Để sản phẩm này có nhiều người sử dụng hơn, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền về thái độ, hạn chế bớt đồ nhựa dùng 1 lần. Cùng với công tác tuyên truyền, nhà nước cần đưa ra chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất sản xuất cũng như sử dụng các sản phẩm bảo vệ môi trường. Bởi lẽ, sản xuất các sản phẩm này cần nguồn vốn lớn trong đầu tư nghiên cứu cũng như việc tiếp cận thị trường thay đổi thói quen người tiêu dùng.

Xin cám ơn ông! 

Thanh Hà (Gỗ Việt số 130, tháng 1/2021)