Hoạt động của ngành gỗ năm 2020 và xu hướng trong 2021
2020 là một năm thăng và trầm của ngành gỗ Việt. Về xuất khẩu, ngành khởi đầu năm 2020 tiếp tục với đà tăng trưởng cao của 2019, với tràn trề hy vọng đà này sẽ tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, chỉ ngay trong Quý 1 của năm, hy vọng này đã vụt tắt. Dịch COVID-19 làm sụt giảm các đơn hàng, sản xuất kinh doanh thu hẹp quy mô, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất. Tình trạng này tiếp tục kéo dài tới đến hết Quý 2. Nhưng từ Quý 3, xuất khẩu đảo chiều và tăng mạnh trở lại, đặc biệt trong Quý 4. Kết quả là kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt rất cao đạt trên 12,37 tỉ USD tăng 16,2% so với năm 2019.
Thăng trầm ngành gỗ năm 2020
Thị trường trong nước không có sự tăng trưởng ngoạn mục như xuất khẩu. Các làng nghề gỗ truyền thống như Đồng Kỵ (Bắc Ninh), La Xuyên (Nam Định), Hữu Bằng (Hà Nội) là một trong những nguồn cung chính sản phẩm gỗ cho thị trường nội địa. Trong giai đoạn dịch đỉnh điểm, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các làng nghề hầu như tê liệt. Hiệu quả trong công tác phòng chống dịch của Việt Nam đã làm vực lại các hoạt động sản xuất kinh doanh tại các làng nghề. Theo ông Võ Quang Hà, Tổng Giám đốc Công ty TAVICO một trong những công ty cung gỗ nguyên liệu cho thị trường nội địa, nhu cầu sử dụng gỗ nguyên liệu tại thị trường nội địa giảm rất nhiều. Chủ tịch Hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, ông Vũ Quốc Vương cho biết năm 2020 sản xuất kinh doanh của làng nghề Đồng Kỵ chỉ bằng khoảng 80% mức của năm 2019.
Biến động của ngành trong năm 2020 còn phải kể đến các cuộc điều tra của Chính phủ Hoa Kỳ. Đầu tiên là điều tra của Bộ Thương mại nước này (DOC) về mặt hàng gỗ dán của Việt Nam dựa trên cáo buộc về lẩn tránh thuế. Kế tiếp là điều khởi xướng điều tra của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) dựa trên cáo buộc về các chính sách và hành động của Việt Nam trong việc sử dụng gỗ bất hợp pháp, gây tổn hại đến ngành gỗ Hoa Kỳ. Các cuộc điều tra này hiện vẫn đang được tiến hành.
Nhưng trong năm 2020 xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam mở rộng chủ yếu tại thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch đạt gần 7,17 tỉ USD, tại thị trường này tốc độ mở rộng của khối doanh nghiệp FDI nhanh hơn nhiều (chiếm 60%) so với nhóm doanh nghiệp nội địa (chỉ chiếm trên 40%). Doanh nghiệp FDI trở thành một bộ phận quan trọng của ngành gỗ, năm 2020, khi chiếm 49,35% tổng giá trị xuất khẩu của ngành, tăng gần 30% so với năm 2019 (chỉ chiếm 42,2%). Điều này không có nghĩa rằng mở rộng xuất khẩu của khối FDI không đem lại lợi ích cho Việt Nam mà chỉ ra định vị về động lực của tăng trưởng trong xuất khẩu.
Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu gỗ và đồ gỗ vào Việt Nam đạt 2,56 tỉ USD, tăng không đáng kể (0,6%) so với năm 2019. Gỗ nguyên liệu là nhóm mặt hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu lớn nhất, chiếm khoảng 90% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Các nguồn nhập chính cho Việt Nam bao gồm Trung Quốc, với kim ngạch năm 2020 đạt 862 triệu USD, chiếm trên 1/3 trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả ngành. Kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan (chủ yếu là các loại ván) và từ Nga (gỗ tròn, xẻ) tăng nhanh. Trong khi nguồn cung gỗ nội địa (khai thác 30 triệu m3 gỗ) bao gồm gỗ rừng tập trung (chiếm 70%) và từ nguồn cây phân tán cùng gỗ cao su. Nhưng lại là gỗ nhỏ, được sử dụng làm nguyên liệu dăm, viên nén và các loại ván. Phần còn lại (30%) là gỗ lớn hơn, sử dụng làm đồ gỗ xuất khẩu.
Trong năm 2020, cầu nội địa ngày càng trở nên đa dạng. Xu hướng sử dụng đồ gỗ được làm từ các loại gỗ nhập khẩu từ nguồn rủi ro thấp, thường là các loài gỗ sáng màu, gỗ mềm, có giá phù hợp đã trở thành tương đối phổ biến trong giới trẻ tại thành thị, sống tại các khu chung cư. Xu hướng này hiện nay đang được mở rộng, đặc biệt trong việc kết hợp với các vật liệu khác như các loại ván ép hoặc vật liệu nhựa,vải, kim loại, mây, cói…. Bên cạnh đó, cầu về các mặt hàng đồ gỗ được làm từ các loại gỗ thịt, là các loài gỗ nhiệt đới, với kiểu dáng mẫu mã theo kiểu truyền thống, với mức giá tương đối cao vẫn đang tồn tại. Các mặt hàng này thường phục vụ nhóm khách hàng lớn tuổi, có nhà riêng với không gian rộng đủ để trưng bày các loại đồ này. Ngoài ra, nguồn gỗ thịt này cũng đi vào các công trình xây dựng, sử dụng làm cầu thang, cửa do các đặc tính chống chịu tốt với các điều kiện khắc nghiệt của môi trường. Nhìn chung năm 2020 là một trong những năm khó khăn đối với thị trường nội địa. Tăng trưởng kinh tế dưới 3% (so với mức trên 7% của năm 2019), sức mua giảm, các hoạt động đầu tư chậm đã có những tác động tiêu cực đến cầu nội địa.
Niềm vui đan xen lo âu trong năm 2021
Phát triển của ngành gỗ trong năm 2021 có nhiều yếu tố lạc quan. Tăng trưởng chắc chắn sẽ tiếp tục mở rộng với dư địa được tạo ra chủ yếu do căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Với vaccine được phổ cập, dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát ở nhiều quốc gia tạo nền tảng cho sự phục hồi của thị trường. Trong nước, kinh tế tiếp tục phát triển. Viện quản lý Kinh tế Trung ương dự báo kinh tế năm 2021 tăng trưởng ở mức trên dưới 6%. Điều này sẽ tạo động lực cho cầu tiêu dùng, bao gồm các chi tiêu đối cho các mặt hàng gỗ. Đây là các tín hiệu tích cực và niềm vui cho ngành năm 2021. Tuy nhiên các mối lo âu của ngành sẽ chưa thể kết thúc. Các vụ kiện, điều tra liên quan tới các cáo buộc về lẩn tránh thuế, gian lận thương mại, sử dụng gỗ bất hợp pháp sẽ tiếp tục và có xu hướng tăng. Đây là các rủi ro lớn cho ngành, đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong ngành chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm để đối phó với các điều tra này.
Đến nay sự phát triển của ngành chủ yếu được đo đếm bằng các con số tăng trưởng trong xuất khẩu. Các hợp phần quan trọng khác của ngành như thị trường nội địa, hộ sản xuất kinh doanh cá thể tại các làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ… chưa được bao hàm trong khái niệm “phát triển”. Điều tra của cơ quan USTR của Hoa Kỳ cho thấy nhận thức về ngành cần phải thay đổi, bởi các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ tại thị trường nội địa, bao gồm cả các hoạt động của các hộ sản xuất kinh doanh cá thể tại các làng nghề có liên quan trực tiếp tới rủi ro trong khâu xuất khẩu. Khái niệm “phát triển” về ngành cần mang tính tổng hợp hơn. Ngành cần xây dựng chiến lược phát triển, với các ưu tiên được xác định rõ ràng và cân bằng lợi ích trong xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Chiến lược này cần bao gồm các giải pháp lâu dài nhằm kiểm soát gian lận thương mại, đầu tư FDI, kiểm soát tốt nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, phát triển thị trường nội địa theo hướng giảm thói quen sử dụng gỗ quý, khuyến khích sử dụng gỗ rừng trồng trong nước và gỗ nhập khẩu hợp pháp. Các giải pháp tổng thể và lâu dài sẽ góp phần phát triển ngành gỗ bền vững trong tương lai.
Tô Xuân Phúc (Chuyên gia phân tích chính sách, Forest Trends)
(Gỗ Việt số 130, tháng 1/2021)
- Sử dụng gỗ bền vững và hợp pháp xu hướng của thị trường
- Sáng kiến chính sách để ngành gỗ tỏa sáng
- Đại hội chi hội dăm gỗ Việt Nam: Khẳng định vai trò trong thời kì phát triển mới
- Cao su Việt Nam: Chứng chỉ để chinh phục thế giới
- Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) đã được PEFC công nhận
- Quỹ Việt Nam xanh: Hình ảnh nhân văn của ngành gỗ Việt Nam
- Cam kết phát triển nghành gỗ Việt Nam bền vững và có trách nhiệm
- Nghị định 102: Sự khẳng định của ngành gỗ Việt Nam
- Định vị gỗ nhiệt đới nhập khẩu: Đưa gỗ vào cơ chế kiểm soát
- Liên kết: Sức mạnh nội tại của ngành gỗ Việt Nam
-
Nhân rộng mô hình nhóm liên kết thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tập huấn phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ
-
Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý gỗ xuất khẩu
-
Chứng chỉ FSC – 30 năm với hành trình bảo vệ rừng và đảm bảo giá trị xanh