Quỹ Việt Nam xanh: Hình ảnh nhân văn của ngành gỗ Việt Nam

30/11/2020 08:37
Quỹ Việt Nam xanh: Hình ảnh nhân văn của ngành gỗ Việt Nam

Một trong những hành động cụ thể hóa cam kết thúc đẩy sự phát triển của ngành gỗ theo hướng bền vững vừa được ký kết của các Hiệp hội gỗ trong cả nước là sự ra đời của Quỹ “Việt Nam xanh” với sứ mệnh xây dựng hình ảnh nhân văn của ngành kinh tế chế biến gỗ, gắn sự phát triển của ngành với lợi ích và phát triển của cộng đồng

Trong thời gian qua, ngành gỗ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, tuy nhiên, cách nhìn chung của cộng đồng về ngành chưa tương hợp, khi cho rằng sự phát triển của ngành gắn liền với suy giảm trữ lượng rừng, gây nhiều hệ lụy về môi trường lẫn xã hội, là nguyên nhân chủ yếu của những biến cố thiên tai, lũ lụt nặng nề vừa qua.

Thực tế, cách hiểu này không còn đúng. Từ lâu nay, ngành gỗ Việt Nam đã sử dụng gỗ nguyên liệu được khai thác từ rừng trồng để đưa vào sản xuất, chế biến xuất khẩu. Điều này phù hợp với sự phát triển của diện tích rừng trồng trong cả nước, ngành gỗ thừa hưởng được thành quả từ các chương trình 327 phủ xanh đất trống đồi núi trọc từ năm 1994. Và nó cũng phù hợp với nhu cầu và xu hướng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam Đây hầu hết là các thị trường có quy định ngặt nghèo về nguồn gốc gỗ, tính hợp pháp của gỗ. 

Các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam nhận thức được rõ các quy định cũng như thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường này, và đã chấp hành nghiêm túc các quy định và yêu cầu này. Bên cạnh đó, ngành gỗ Việt Nam cũng sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các nước Mỹ, châu Âu, Australia, Canada, New Zealand. Từ thực tế trên cho thấy cách nghĩ sự phát triển của ngành gỗ gắn liền với thiên tai, mất rừng, phá hủy nguồn đa dạng sinh học …. cần phải được thay đổi.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Thành viên Ban vận động thành lập Quỹ “Việt Nam Xanh” cho biết, mục tiêu của quỹ là thể hiện trách nhiệm và cam kết của cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, hoạt động sản xuất và thương mại hợp pháp, bền vững về mặt lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội. Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Lập, chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, quỹ sẽ thay đổi nhận thức xã hội về ngành theo hướng bền vững về xã hội, môi trường và kinh tế. Quỹ sẽ xác định các mảng hoạt động chiến lược trực tiếp góp phần làm thay đổi hình ảnh của ngành. Tài chính từ Quỹ sẽ được sử dụng để tài trợ kinh phí để thực hiện các hoạt động mang tính chất chiến lược này. Các mảng hoạt động ưu tiên của quỹ bao gồm các dự án trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng nguồn tài nguyên sinh học. Thông qua đó, quỹ sẽ hỗ trợ các hoạt động phát triển sinh kế cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng.

Quỹ Việt Nam xanh sẽ thúc đẩy các kết nối giữa các hộ sản xuất đồ gỗ tại các làng nghề gỗ và các doanh nghiệp trong ngành, mở rộng thị trường, thúc đẩy việc chuyển đổi các loại gỗ nguyên liệu từ các loại gỗ quý nhập khẩu sang các loại gỗ rừng trồng, sản phẩm gỗ rừng trồng và gỗ nhập khẩu từ các nguồn rủi ro thấp. Thông qua đó truyền thông để thay đổi nhận thức và thói quen của cộng đồng về sử dụng gỗ hợp pháp và bền vững. Nguồn kinh phí của Quỹ Việt Nam Xanh được vận động từ đóng góp của trực tiếp các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành gỗ và các nhà tài trợ khác. Quỹ sẽ ưu tiên tài trợ cho các dự án trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng nguồn tài nguyên sinh học, hỗ trợ các hoạt động phát triển sinh kế cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng.

Ngoài ra, Quỹ Việt Nam Xanh cũng chú trọng thúc đẩy liên kết giữa các hộ sản xuất đồ gỗ tại các làng nghề và các doanh nghiệp trong ngành nhằm mở rộng thị trường, đẩy nhanh việc chuyển đổi nguyên liệu từ các loại gỗ quý nhập khẩu sang các loại gỗ rừng trồng và gỗ nhập khẩu từ các nguồn rủi ro thấp. Thông qua đó truyền thông để thay đổi nhận thức và thói quen của cộng đồng về sử dụng gỗ hợp pháp và bền vững. Quỹ Việt Nam Xanh hiện đang trong quá trình kêu gọi đóng góp và sẽ ra mắt chính thức vào ngày 1/12 trong sự kiện Lễ kỷ niệm 75 thành lập ngành Lâm nghiệp được tổ chức tại Nghệ An.

Nam Anh (Gỗ Việt số 128, tháng 11/2020)