Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ vùng địa lý tích cực và không tích cực

28/04/2022 05:56
Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ vùng địa lý tích cực và không tích cực

Báo cáo sản phẩm của Nhóm nghiên cứu của VIFOREST, FPA Bình Định, HAWA, BIFA, DOWA và tổ chức Forest Trends. Báo cáo được chia sẻ tại Hội nghị “Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ, xuất khẩu” tại Bình Định ngày 22/4/2022 vừa qua. Báo cáo tập trung vào khía cạnh gỗ tròn và gỗ xẻ nhập khẩu trong giai đoạn 2018 đến tháng 3/2022.

Gỗ nguyên liệu là một trong những bộ cấu thành quan trọng nhất của một sản phẩm gỗ, thông thường chiếm 40-60% trong cơ cấu giá thành sản phẩm. Đảm bảo nguồn gỗ nguyên liệu ổn định và bền vững là một trong những điều kiện tiên quyết cho việc phát triển của ngành.

Với lượng nhập hàng năm lên tới 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn, nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngày cho đến nay. Tuy nhiên, bức tranh cung – cầu gỗ nguyên liệu trên thế giới có những biến động rất lớn trong 2 năm gần đây, chủ yếu là do đại dịch COVID-19 và gần đây là xung đột Nga – Ukraina với nguồn cung gỗ nguyên liệu rất lớn đặc biệt từ Nga hiện gần như đã mất hẳn. Những biến động này đã, đang và chắc chắn sẽ còn có những tác động trực tiếp và tiêu cực đến ngành về nhiều phương diện, bao gồm việc tăng giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu, tăng cước phí vận chuyển, chậm thời gian giao hàng và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Toàn cảnh hội nghị "Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ, xuất khẩu" ngày 22/4/2022

Báo cáo này cung cấp thông tin cập nhật về tình hình nhập khẩu gỗ nguyên liệu vào Việt Nam đến hết tháng 3/2022. Nghị định 102/2020 ngày 1 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ đưa ra các tiêu chí phân loại gỗ nhập khẩu, dựa trên tiêu chí vùng địa lý (tích cực và không tích cực) và loài nhập khẩu (rủi ro và không rủi ro). Theo Nghị định và các văn bản hướng dẫn thực hiện, gỗ nhập khẩu sẽ được phân chia thành 2 nhóm là gỗ rủi ro và ít rủi ro. Áp dụng các tiêu chí này, Báo cáo cập nhật tình hình nhập khẩu gỗ nguyên liệu bao gồm gỗ tròn và xẻ vào Việt Nam tính đến hết 3/2022, phân chia thành 2 nhóm nêu trên. Số liệu trong báo cáo được tổng hợp từ nguồn dữ liệu thống kê nhập khẩu của Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Báo cáo cung các thông tin chính gồm, lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2022 giảm 27% so với cung cùng năm 2021. Gỗ nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam tiếp tục tăng. Trong giai đoạn 2012-2021 mỗi năm Việt Nam nhập khẩu trung bình hơn 4,8 triệu m3 gỗ nguyên liệu (quy tròn) từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2021 Việt Nam nhập khẩu gần 6 triệu m3 gỗ quy tròn. Lượng gỗ này được đưa vào chế biến làm hàng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Lượng gỗ nhập khẩu từ vùng địa lý tích cực (ít rủi ro) chiếm khoảng 2/3 trong tổng lượng nhập khẩu, phần còn lại (1/3) là gỗ nhập khẩu từ nguồn không tích cực (rủi ro). Lượng gỗ ít rủi ro được nhập khẩu vào Việt Nam có xu hướng tăng, từ 61% trong tổng lượng nhập khẩu năm 2018 (3,6 triệu m3 quy tròn) lên 70% năm 2021 (4,2 triệu m3). Ngược lại, lượng gỗ rủi ro nhập khẩu có xu hướng giảm, từ 39% năm 2018 (2,2 triệu m3 quy tròn) xuống còn 30% năm 2021 (1,8 triệu m3).

Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu 2022 bức tranh nhập khẩu có nhiều biến động lớn. Cụ thể, lượng nhập từ nguồn tích cực giảm (chiếm 58% trong tổng lượng nhập khẩu), trong khi lượng nhập từ nguồn rủi ro tăng (42% trong tổng lượng nhập).

Trong loại gỗ rủi ro nhập khẩu, tỷ trọng gỗ tròn lớn hơn nhiều so với gỗ xẻ. Cụ thể đối với gỗ tròn, tỷ trọng gỗ rủi ro chiếm 43-54% trong tổng lượng gỗ tròn nhập. Đối với gỗ xẻ, tỷ trọng gỗ rủi ro chiếm trên dưới 23-28% trong tổng lượng gỗ xẻ nhập khẩu.

Giá gỗ nhập khẩu từ nguồn ít rủi ro tăng mạnh đặc biệt kể từ đầu 2021 đến nay. Cụ thể, gỗ thông tròn tăng 52%; gỗ thông xẻ tăng 38%, dương xẻ tăng 21%, sồi xẻ tăng 36%. Xu hướng tăng vẫn tiếp tục được duy trì.

Nhìn chung, giá gỗ nhập khẩu từ các nguồn rủi ro có độ ổn định cao hơn. Tuy nhiên một số loài cũng có biến động mạnh. Cụ thể, giá gỗ lim tăng mạnh trong khoảng 1 năm trở lại đây, tương tự đối với gỗ gõ đặc biệt trong các tháng gần đây. Mỗi m3 gỗ gỗ xẻ nhập khẩu tăng từ từ 275 USD/m3 trong tháng 12/2021 lên 561 USD vào tháng 3/2022.

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng đọc báo cáo tại đây và trích dẫn nguồn khi sử dụng thông tin trong báo cáo.

Gỗ Việt