BloomBerg: Kinh tế Việt Nam hướng đến láng giềng khi Mỹ rút khỏi TPP

30/03/2017 17:52
BloomBerg: Kinh tế Việt Nam hướng đến láng giềng khi Mỹ rút khỏi TPP

Sau nhiều năm dựa vào người tiêu dùng Mỹ, Việt Nam đang chuyển hướng sang các nước láng giềng châu Á, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hiệp định TPP bất thành “sẽ khiến chúng tôi phải mở rộng sang các thị trường khác”, ông Nguyễn Đức Kiên -  Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết trên Bloomberg, “Chúng tôi có nhiều tiềm năng tăng xuất khẩu” sang các thị trường tại ASEAN, hoặc “một số quốc gia trong khu vực có hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, như Hàn Quốc hay Nhật Bản”. 
 Tuần vừa rồi, ông Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP. Việc này có thể ảnh hưởng đến Việt Nam, do Việt Nam được dự báo là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ TPP. Là một trong số ít quốc gia châu Á vẫn tăng trưởng được xuất khẩu, Việt Nam đang tăng cường hợp tác với các nước láng giềng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. 
 “Việt Nam tích cực hơn các nước khác trong việc đàm phán các thỏa thuận thương mại. Việc này sẽ cho phép họ phân tán rủi ro”, Eugenia Victorino - nhà kinh tế học tại ANZ Singapore nhận xét, “Anh vẫn có thể tìm sự trợ giúp từ các thị trường khác vì đã có quan hệ thương mại rồi. Tiềm năng thúc đẩy thương mại trong khu vực châu Á và mở rộng liên kết sản xuất giữa các nước là khá lớn”.
 Mỹ hiện là điểm đến lớn nhất cho hàng xuất khẩu Việt Nam, với 22% kim ngạch năm 2016. Trong 5 năm qua, giá trị hàng Việt Nam xuất sang Mỹ đã tăng hơn gấp đôi, lên 38,5 tỷ USD. Trái lại, con số này sang Nhật Bản chỉ tăng 32%, còn với các nước ASEAN chỉ tăng 24%. 
 Nhật Bản chỉ đóng góp 8% xuất khẩu cho Việt Nam, còn ASEAN là 10%. Các mặt hàng phổ biến là điện thoại di động, giày dép và hàng dệt may. “Chúng tôi không quá lo ngại về việc TPP thất bại, vì chúng tôi vẫn có FTA với nhiều thị trường khác nhau”, ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, “Chúng tôi sẽ tìm cách tăng xuất khẩu sang EU - thị trường vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng. Thị trường nội địa lớn cũng sẽ là ưu tiên của chúng tôi”. 
 Việt Nam đã hoàn tất khoảng 16 FTA. Trong đó, 9 đã có hiệu lực, Victorino cho biết. Bà dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện trong năm nay, sau khi đã tăng lên kỷ lục 177 tỷ USD năm 2016, bất chấp thương mại toàn cầu suy giảm. 
 “Đầu tư vào các cơ sở sản xuất mới sẽ giúp Việt Nam tăng công suất năm 2017. Việc TPP thất bại là điều đáng tiếc. Nhưng nó sẽ không khiến nền kinh tế này chệch hướng”, bà kết luận.
 Trong khi đó, Moody’s Investors Service nhận xét, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) thất bại sẽ là mất mát với các nền kinh tế của Malaysia và Việt Nam. Moody’s trích nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) cho biết Việt Nam và Malaysia là các quốc gia được dự báo có tốc độ tăng trưởng cải thiện nhất trong 12 thành viên TPP. 
 Hai quốc gia này sẽ hưởng lợi từ việc mở cửa giao thương với Mỹ, và sẽ nhận được FDI dài hạn tương đối lớn. Nghiên cứu chỉ ra với TPP, quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn 8,1% năm 2030 so với năm 2015. Con số này của Malaysia là 7,6%.
GỖ VIỆT số 87
NAM ANH