Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu rủi ro, thực trạng và cơ chế kiểm soát
Năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 2,54 triệu m3 gỗ xẻ và 2,17 triệu m3 gỗ tròn (tương đương 5,79 triệu m3 gỗ quy tròn). Gỗ rủi ro thấp rủi ro chiếm 65,7% trong tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu, 34,3% còn lại là gỗ rủi ro. Về giá trị, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 1,4 tỷ USD, trong đó kim ngạch của gỗ rủi ro thấp chiếm 61%, phần còn lại của gỗ rủi ro.
Chính sách kiểm soát gỗ nhập khẩu
Năm 2019 Chính phủ Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) với EU theo đó Chính phủ cam kết đảm bảo các sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu là hợp pháp. Theo cam kết này, các hoạt động trên toàn bộ chuỗi cung phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Chính phủ Việt Nam, của các quốc gia xuất khẩu gỗ nguyên liệu cho Việt Nam và các quốc gia nhập khẩu sản phẩm gỗ từ Việt Nam. Để thực hiện cam kết này Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 102/NĐ-CP (Nghị định VNTLAS) năm 2020 Quy định về hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp. Kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu nhập khẩu là một trong những nội dung trọng tâm của Nghị định.
Quyết định 4832/QĐ-BNN-TCLN năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Công bố Danh mục các loài gỗ đã nhập khẩu và Danh sách vùng địa lý tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam. Danh sách vùng địa lý tích cực bao gồm 51 quốc gia trong đó có 10 quốc gia khu vực Châu Á, 31 quốc gia khu vực Châu Âu, 3 quốc gia Châu Đại dương, 6 quốc gia Châu Mỹ và 1 quốc gia Châu Phi. Gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các quốc gia không thuộc trong danh sách này được coi là gỗ rủi ro, theo đó các doanh nghiệp nhập khẩu từ nguồn này cần thực hiện 2 điều kiện bắt buộc nêu trên.
Bản tin này cung cấp thông tin về Việt Nam nhập khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ năm 2020. Trong Bản tin này thuật ngữ “gỗ rủi ro thấp” được sử dụng cho các loại gỗ nhập khẩu từ 51 quốc gia thuộc Danh sách vùng địa lý tích cực; “gỗ rủi ro” là gỗ được nhập khẩu từ các quốc gia không nằm trong danh sách này. Thuật ngữ “gỗ nguyên liệu” được hiểu là gỗ tròn và gỗ xẻ. Đây là 2 nhóm mặt hàng gỗ nguyên liệu quan trọng nhất được nhập khẩu vào Việt Nam hàng năm về mặt lượng và giá trị nhập. Các con số thống kê là các con số cho năm 2020, được tổng hợp từ dữ liệu nhập khẩu của Tổng cục Hải quan Việt Nam.
Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ vùng địa lý tích cực
Trong năm 2020 Việt Nam nhập khẩu khoảng 998.800 m3 gỗ tròn từ tổng số 41 quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực. Trong số 41 quốc gia này, 15 quốc gia có lượng cung lớn, từ 10.000 m3/quốc gia trở lên. Lượng cung từ 15 quốc gia này chiếm 93% trong tổng lượng gỗ tròn nhập khẩu từ 41 nguồn này. 21 quốc gia (51% trong 41 quốc gia) có lượng cung nhỏ, dưới 5.000 m3/quốc gia, trong đó bao gồm 8 quốc gia có lượng cung rất nhỏ (dưới 1.000 m3/quốc gia).
Về mặt giá trị, kim ngạch nhập khẩu gỗ tròn rủi ro thấp (41 quốc gia) đạt gần 252 triệu USD, trong đó có 8 quốc gia có giá trị kim ngạch đạt trên 10 triệu USD/quốc gia. Giá trị nhập khẩu từ 8 quốc gia chiếm 76,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ 41 quốc gia này. Trong số 41 quốc gia cung gỗ tròn rủi ro thấp cho Việt Nam có 20 quốc gia có giá trị kim ngạch nhỏ, dưới 1 triệu USD/mỗi quốc gia.
Đối với gỗ xẻ, có 44 quốc gia nằm trong danh sách vùng địa lý tích cực cung gỗ xẻ cho Việt Nam, với lượng cung từ nguồn này đạt gần 1,97 triệu m3. Trong số các quốc gia này có 20 quốc gia có lượng cung trên 10.000 m3/quốc gia, với lượng cung từ 20 quốc gia này chiếm gần 96% tổng lượng nhập khẩu từ 44 quốc gia.
Kim ngạch nhập khẩu gỗ xẻ rủi ro thấp vào Việt Nam khoảng 616 triệu USD. Trong 44 quốc gia cung gỗ xẻ cho Việt Nam, 13 quốc gia có giá trị kim ngạch từ 10 triệu USD/quốc gia trở lên. Kim ngạch nhập từ các quốc gia này chiếm 88,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ xẻ từ 44 quốc gia.
Nguồn nguyên liệu nhập từ các vùng địa lý khác
Đối với gỗ tròn, năm 2020 Việt Nam nhập gỗ tròn rủi ro từ 47 quốc gia khác nhau, với lượng cung từ nguồn này đạt gần 1,17 triệu m3. Trong số các quốc gia này có 11 quốc gia có lượng cung trên 10.000m3/quốc gia trở lên. Lượng cung từ 11 quốc gia này chiếm 95,4% tổng lượng cung gỗ tròn từ 47 quốc gia Trong số 47 quốc gia cung gỗ tròn rủi ro cho Việt Nam có 20 quốc gia có lượng cung dưới 1.000 m3/quốc gia.
Giá trị khẩu gỗ tròn rủi ro từ 47 quốc gia chiếm trên 331 triệu USD. Năm quốc gia có kim ngạch từ 10 triệu USD/quốc gia trở lên, với kim ngạch từ 5 quốc gia này chiếm 85,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ 47 quốc gia.
Về lượng nhập gỗ xẻ, năm 2020 nhập trên 572.300 m3 gỗ xẻ rủi ro từ tổng số 45 quốc gia khác nhau. Trong số các quốc gia này bao gồm 12 quốc gia có lượng cung trên 10.000 m3/quốc gia. Lượng cung từ 12 quốc gia này chiếm 92,6% trong tổng lượng cung từ 45 quốc gia. Giá trị nhập gỗ xẻ năm 2020 đạt gần 226 triệu USD, trong số này bao gồm 5 quốc gia có kim ngạch từ 10 triệu USD/quốc gia trở lên, 9 quốc gia có kim ngạch từ 5 triệu USD/quốc gia trở lên và 18 quốc gia có kim ngạch từ 1 triệu USD/quốc gia trở lên.
Đề xuất cơ chế
Mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ hơn so với gỗ rủi ro thấp trong tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam, gỗ rủi ro vẫn chiếm khoảng 1/3 trong tổng lượng nhập từ tất cả các nguồn. Bình quân khoảng 50 quốc gia cung gỗ nguyên liệu rủi ro cho Việt Nam, bao gồm 10-15 quốc gia có lượng cung lớn (trên 10.000 m3/quốc gia). Giữa nguồn cung gỗ tròn và gỗ xẻ, gỗ tròn có tỷ trọng rủi ro cao hơn nhiều so với gỗ xẻ.
Thực hiện cam kết về loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung thể hiện trong Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA), Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để kiểm soát gỗ rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam. Với lượng cung gỗ rủi ro và nguồn cung vẫn còn rất lớn như hiện nay, loại bỏ hoàn toàn rủi ro từ các luồng cung này theo tinh thần của Nghị định VNTLAS là nhiệm vụ khó khăn. Bước đầu, Chính phủ nên tập trung vào các luồng cung chính, với lượng cung từ 10.000 m3/mỗi nguồn. Chính phủ nên yêu cầu tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ các cung này tuân thủ đầy đủ những yêu cầu đưa ra trong Nghị định VNTLAS. Tăng cường đối thoại với các quốc gia cung gỗ chính này và đối thoại với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam sẽ giúp cho việc đưa ra các điều chỉnh kịp thời trong thực thi chính sách và nâng cao hiệu quả của công tác này. Các bài học kinh nghiệm từ việc kiểm soát các luồng cung rủi ro nhập khẩu chính sau đó cần được tổng kết và nhân rộng cho các luồng cung rủi ro còn lại.
Để đọc thông tin chi tiết báo cáo, vui lòng đọc tại đây
Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ khi sử dụng thông tin trong báo cáo
Gỗ Việt
- Việt Nam nhập khẩu gỗ nhiệt đới và ý nghĩa cho việc thực hiện Nghị định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp VNTLAS
- Đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ Việt năm 2020
- Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ: Thực trạng 2020 và xu hướng 2021
- Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu: Kiểm soát rủi ro theo Nghị định Bảo đảm gỗ Hợp pháp
- Báo cáo xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 9 tháng năm 2020: Thực trạng, xu hướng và cảnh báo rủi ro
- Báo cáo Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 8 tháng đầu 2020: Thực trạng, xu hướng và cảnh báo rủi ro
- Rủi ro trong gian lận thương mại đối với mặt hàng tủ bếp và ghế sofa
- Thực thi Quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam
- FDI trong ngành gỗ và xuất khẩu doanh nghiệp FDI những tháng đầu năm 2020
- Tại sao ngành dăm gỗ của Việt Nam phát triển?
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu