Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ: Thực trạng 2020 và xu hướng 2021

26/03/2021 09:15
Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ: Thực trạng 2020 và xu hướng 2021

Báo cáo được chia sẻ tại Hội nghị giao ban Đánh giá kết quả năm 2020 và bàn giải pháp đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm  2021 diễn ra vào ngày 26 tháng 03 năm 2021 tại Bình Định. Báo cáo cập nhật thông tin về tình hình xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (ngành gỗ) của Việt Nam trong năm 2020 và đưa ra một số thông tin về xu hướng 2021. Trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, năm 2020 đánh dấu một năm thành công của ngành, với kim ngạch xuất khẩu tăng 16,3% so với năm 2019. Sự phát triển của ngành là kết quả của cá nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp, dư địa của thị trường xuất khẩu và hiệu quả trong việc kiểm soát dịch của Chính phủ

Tăng trưởng của ngành năm 2020 đưa ra tín hiệu rõ ràng đà tăng trưởng sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2021. Tuy nhiên, để đà tăng trưởng trở thành bền vững, ngành cần phải giải quyết một số rủi ro đặc biệt trong khâu gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các nguồn rủi ro và gian lận thương mại. Các rủi ro này cần được kiểm soát chặt chẽ trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang thực hiện Nghị định Hệ thống Bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) và các cáo buộc của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) về tính minh bạch và bền vững trong việc sử dụng nguyên liệu đầu vào và trong khâu kiểm soát thương mại của ngành gỗ Việt Nam. Một số thông tin chính trong Báo cáo này gồm: 

Trong khâu xuất khẩu

Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) năm 2020 đạt 12,01 tỷ USD, tăng 16,3 % so với năm 2019. Vào các tháng nửa cuối 2020, giá trị xuất khẩu tăng mạnh, trung bình đạt trên 1,1 tỉ USD/tháng. 

Các thị trường xuất khẩu chính

Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, và EU là năm thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Kim ngạch từ 5 thị trường này đạt 10,78 tỷ USD, chiếm 89,7% về trị giá xuất khẩu G&SPG của Việt Nam trong năm. Cụ thể trong năm 2020:

  • Thị trường Mỹ: Xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này đạt 6,98 tỷ USD, chiếm 58,1% giá trị xuất khẩu G&SPG của Việt Nam vào tất cả các thị trường. Kim ngạch  tăng 36% so với năm 2019.
  • Nhật Bản: Trên 1,27 tỷ  USD, chiếm 10,5% trong tổng giá trị xuất khẩu, giảm 3% so với 2019.
  • Trung Quốc: 1,2 tỷ  USD, chiếm 9,8% trong tổng giá trị xuất khẩu, giảm 2% so với năm 2019.
  • Hàn Quốc: 816,74 triệu USD, chiếm 6,8% trong tổng giá trị xuất khẩu, tăng 2% so năm 2019.
  • EU: 536,69 triệu USD, chiếm 4,5% tổng giá trị xuất khẩu, giảm 5% so với 2019.

Trong năm 2020 trong nhóm 5 thị trường chính nêu trên, Mỹ là thị trường duy nhất có sự tăng trưởng. Nói cách khác, tăng trưởng của ngành trong năm là do sự mở rộng tại thị trường Mỹ.

Các mặt hàng xuất khẩu chính

Đồ gỗ, ghế ngồi, dăm gỗ, viên nén, ván bóc, ván dăm, ván sợi, gỗ dán/ván ghép là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn trong 2020. Trong số này, các mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh so với 2019 bao gồm ván bóc (tăng 94%), ghế ngồi (32%), đồ gỗ (22%) và viên nén (13%). Cụ thể, giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng chính năm 2020 như sau:

  • Đồ gỗ: Giá trị xuất khẩu đạt 5,87 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2019.
  • Ghế ngồi: Kim ngạch xuất khẩu đạt  2,67 tỷ USD, tăng 32% so với kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này năm 2019.
  • Dăm gỗ: Lượng xuất đạt 11,6 triệu tấn, tương đương 1,48 tỷ USD, giảm 3% về lượng và 12% về giá trị với năm 2019.
  • Gỗ dán/gỗ ghép: Lượng xuất trên 2,09 triệu m3, đạt 719,41 triệu USD, giảm 0,2% về lượng nhưng tăng 1% về giá trị so với năm 2019.
  • Viên nén: xuất 3,2 triệu tấn, đạt 352,03 triệu USD, tăng 15% về lượng và 13% về giá trị so với 2019.
  • Ván bóc: Lượng xuất đạt trên 744,43 nghìn m3, tương đương 88,71 triệu USD về kim ngạch, tăng 108% về lượng và 64% về giá trị  năm 2019.

Mở rộng kim ngạch xuất khẩu G & SPG của Việt Nam trong năm 2020 chủ yếu là ở các mặt hàng đồ gỗ và ghế ngồi.

Trong khâu nhập khẩu

Năm 2020 giá trị nhập khẩu G&SPG của Việt Nam đạt 2,55 tỷ USD trong năm 2020, tương đồng với kim ngạch của năm 2019.

Các mặt hàng nhập khẩu chính

Gỗ tròn, gỗ xẻ, các loại ván nhân tạo là nhóm các mặt chính nhập khẩu vào Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, ghế ngồi, bộ phần đồ nội thất cũng là các nhóm mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn. Trong năm 2020 các mặt hàng nhập khẩu quan trọng bao gồm:

Gỗ tròn: Lượng nhập đạt 2,02 triệu m3, tương đương 563,07 triệu USD về kim ngạch. So với 2019, lượng và kim ngạch đều giảm 13%.

Gỗ xẻ: Lượng nhập 2,54 triệu m3, kim ngạch đạt 842,06 triệu USD, giảm 9% về lượng và 1% về giá trị.

Gỗ dán: Lượng nhập 604,28 nghìn m3, đạt 227,26 triệu USD, tăng 16% về lượng và 6% về giá trị  so với năm 2019.

Đồ gỗ (HS 9403): Giá trị nhập 187,95 triệu USD tăng 51% so với năm 2019.

Ghế ngồi (HS 9401): Giá trị nhập 163,0 triệu USD tăng 28% so với năm 2019.

Ván lạng/veneer:  Lượng nhập 275,98 nghìn m3, kim ngạch đạt 208,13 triệu USD, tăng 27% về lượng và 9% về giá trị so với năm 2019.

  • Ván sợi: nhập 744,67 nghìn m3, đạt 189,3 triệu USD tăng 8% về lượng và 2% về giá trị so với năm

Các thị trường nhập khẩu chính

Năm 2020, năm thị trường cung cấp G& SPG chính cho Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Ca mơ run, Thái Lan và Chile. Giá trị nhập khẩu từ 5 thị trường này đạt 1,57 tỷ USD, chiếm trên 61% tổng giá trị nhập khẩu G&SPG vào Việt Nam.  Cụ thể:

  • Trung Quốc: Kim ngạch nhập đạt 846,07 triệu USD, chiếm 33% tổng giá trị nhập khẩu G&SPG của Việt Nam, tăng 28% so với năm 2019. Các mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm gỗ dán (203,96 triệu USD), Veneer/ván lạng (169,72 triệu USD), đồ gỗ (158,26 triệu USD), ghế ngồi (139,25 triệu USD).
  • Mỹ: Kim ngạch nhập đạt 321,33 triệu USD, giảm 6% so với năm 2019. Gỗ tròn và gỗ xẻ là hai mặt hàng nhập khẩu chính, chiếm 91% giá trị nhập. Trong năm 2020, Việt Nam nhập 214,1 nghìn m3 gỗ tròn (71,61 triệu USD) và 597,53 nghìn m3 gỗ xẻ (221,84 triệu USD) từ Mỹ.
  • Ca mơ run: Kim ngạch nhập đạt 215,96 triệu USD, giảm 24 % so với năm 2019. Gỗ tròn và gỗ xẻ là các mặt hàng nhập chính, với lượng nhập đạt 393,66 nghìn m3 gỗ tròn (146,94 triệu USD) và 153,63 nghìn m3 gỗ xẻ (59,0 triệu USD).
  • Thái Lan: Kim ngạch đạt 120,43 triệu USD, tăng 9% so với năm 2019, chủ yếu là các loại ván như ván sợi, ván dăm. Chi lê: Kim ngạch nhập đạt 66,78 triệu USD, giảm 17% so với năm 2019. Gỗ xẻ là mặt hàng nhập khẩu chính, đạt 284,61 nghìn m3 về lượng (64,65 triệu USD).

Chính sách quốc gia và luật pháp quốc tế

Một trong những chính sách quan trọng nhất về ngành gỗ được Chính phủ Việt Nam ban hành năm 2020 là Nghị định Quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS). Nghị định này tập trung vào khâu nhập nhập, xuất khẩu, các tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ và cấp phép FLEGT. Kiểm soát gỗ nhập khẩu là một trong những phần trọng tâm của Nghị định, theo đó quản lý gỗ nhập khẩu được thực hiện theo các tiêu chí xác định quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực hoặc không tích cực, loại gỗ thuộc loại rủi ro hoặc không rủi ro. Nhằm hiện thực hóa các quy định của Nghị định này, tháng 11 năm 2020 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Quyết định 4832 công bố danh mục các loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam và danh sách vùng địa lý tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam. Theo quyết định này, 322 loài gỗ được xác định nhập khẩu vào Việt Nam và 51 quốc gia được xác định thuộc vùng địa lý tích cực. Các loài gỗ nhập khẩu và các quốc gia cung gỗ nguyên liệu cho Việt Nam không nằm trong danh sách này sẽ được coi là gỗ rủi ro và vùng địa lý rủi ro. Theo nghị định VNTLAS, các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ rủi ro vào Việt Nam cần thực hiện trách nhiệm giải trình, với các bằng chứng pháp lý minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu. Hiện nay việc quản lý tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu đang được chịu sự điều chỉnh của Nghị định VNTLAS.

Luật pháp quốc tế cũng mang đến nhiều tác động đến ngành trong năm 2020. Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ đã chính thức khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế với sản phẩm gỗ dán của Việt Nam. Lý do của điều tra này là có tín hiệu gian lận trong xuất khẩu mặt hàng này từ Việt Nam, với mặt hàng này được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam trước khi được xuất khẩu vào Mỹ. Quá trình điều tra hiện đang tiếp diễn. Trong cùng năm, Đại diện cơ quan Thương mại của Mỹ (USTR) cũng tuyên bố chính thức khởi xướng điều tra ngành gỗ Việt Nam, dựa trên các cáo buộc Việt Nam sử dụng gỗ nhập khẩu bất hợp pháp và một số lý do khác. Hiện USTR chưa đưa ra kết luận chính thức về kết quả điều tra này.

Một số rủi ro

Trong năm 2020, hai trong số những rủi ro lớn có ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển bền vững của ngành trong tương lai bao gồm rủi ro về kiểm soát tính hợp pháp của nguồn gỗ nhập khẩu rủi ro và kiểm soát gian lận thương mại. Lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các nguồn rủi ro lớn, chủ yếu để phục vụ tiêu dùng nội địa. Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA FLEGT yêu cầu tính hợp pháp của các sản phẩm gỗ xuất khẩu giống như các sản phẩm tiêu thụ nội địa. Hiện nay, nguồn cung gỗ rủi ro nhập khẩu lớn, các loài và nguồn nhập đa dạng. Điều này gây khó khăn lớn trong việc đảm bảo tính hợp pháp của nguồn này. Khởi xướng điều tra về ngành gỗ Việt Nam của Cơ quan Đại diện thương mại Hoa Kỳ đang có liên quan trực tiếp về vấn đề này.

Rủi ro trong gian lận thương mại xuất hiện khi lượng và kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này từ Việt Nam tăng, cùng lúc đó lượng và kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này hoặc bộ phận của mặt hàng này vào Việt Nam tăng. Bên cạnh mặt hàng gỗ dán hiện đang bị Chính phủ Mỹ điều tra, một số mặt hàng xuất từ Việt Nam sang Mỹ hiện có ẩn chứa rủi ro về gian lận thương mại, bao gồm ghế ngồi, tủ bếp, bộ phận tủ bếp và ghế sofa. Chính phủ Việt Nam cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả nhằm loại bỏ rủi ro này để đảm bảo ngành gỗ phát triển bền vững trong tương lai. 

Để đọc thông tin chi tiết báo cáo, vui lòng đọc tại đây   

Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ khi sử dụng thông tin trong báo cáo

Gỗ Việt